Bách Hoá Xanh tái cơ cấu
Những ngày gần đây, người tiêu dùng phía Nam dễ dàng bắt gặp nhiều cửa hàng Bách hóa Xanh treo biển “giảm giá sốc, xả kho giảm đến 50%”. Bên cạnh đó, một số cửa hàng treo bảng tạm đóng cửa để nâng cấp.
Theo thông tin trên website bán hàng Bách hóa Xanh, tính đến sáng 15/7, chuỗi bán lẻ bách hóa này chỉ còn hiển thị 1.824 cửa hàng hoạt động, trong khi tháng 4/2022, Công ty cổ phần đầu tư Thế Giới Di Động cho công bố chuỗi Bách hóa Xanh có 2.140 cửa hàng.
Trước thông tin hàng trăm cửa hàng Bách hóa Xanh (BHX) có động thái đóng cửa, trả mặt bằng, ông Đặng Thanh Phong, Giám đốc truyền thông của Thế Giới Di Động (đơn vị chủ quản Bách hóa Xanh) cho biết, do các cửa hàng này không đáp ứng theo chuẩn mới của cửa hàng.
Theo ông Phong, BHX bắt đầu triển khai việc thay đổi layout (cách bố trí) cho hàng loạt cửa hàng từ cuối tháng 4 đến nay, chuẩn hóa diện tích và chỉ tập trung vào khoảng 2.000-3.000 mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng cao, thường xuyên. Dự kiến trong quý 3/2022, toàn bộ cửa hàng hiện hữu hoạt động với layout mới; Rà soát và xử lý triệt để các cửa hàng hoạt động kém hiệu quả; Hoàn tất xử lý tồn kho phát sinh do hạ diện tích và giảm số lượng kinh doanh tại cửa hàng.
Đến quý 4, BHX cơ bản hoàn tất tự động hóa nền tảng back-end bao gồm: dự báo mua hàng, tối ưu hóa danh mục sản phẩm kinh doanh cho từng loại cửa hàng, cảnh báo và kiểm soát thất thoát, tinh gọn quy trình vận hành… và nâng cấp chất lượng dịch vụ một cách vượt trội; Đạt doanh thu bình quân 1,3 tỷ/ cửa hàng, phát triển mạnh kênh online cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động.
Trong báo cáo cập nhật về Thế giới di động do công ty chứng khoán SSI phát hành hồi cuối tháng 5 cũng đã nhắc tới hiệu suất kinh doanh của Bách hoá Xanh có dấu hiệu sụt giảm. Tại thời điểm này, biên lợi nhuận gộp của chuỗi bán lẻ Bách hóa Xanh giảm xuống 25%, tương đương mức đạt được trong Quý 1/2021 nhưng thấp hơn so với mức 27% trong Quý 4/2021 do công ty triển khai nhiều chương trình khuyến mại. Ngoài ra tại thời điểm này doanh thu/tháng/cửa hàng đạt 1 tỷ đồng; thấp hơn mức bình quân 1,2 tỷ đồng trước đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại Việt Nam.
Chia sẻ với chúng tôi, chuyên viên phân tích Nguyễn Trần Phương Nga từ công ty chứng khoán SSI cho biết Thế giới di động đóng cửa các cửa hàng kém hiệu quả để giảm lỗ từ các cửa hàng này. Việc đóng cửa hàng kém hiệu quả sẽ tốt cho lợi nhuận của tập đoàn này về lâu dài. Tuy nhiên trong ngắn hạn, bà Phương Nga cho biết Thế giới di động có thể phải thực hiện bút toán xoá sổ (write off) các chi phí của những cửa hàng này bao gồm chi phí sửa chữa, hàng tồn kho của một số mặt hàng tươi sống, hàng tồn kho đã tồn đọng quá lâu.
Bài toán Wincommerce đã giải cách đây 2 năm
Câu chuyện rà soát, đóng cửa các cửa hàng không hiệu quả cũng từng được tập đoàn Masan mạnh tay thực hiện đối với chuỗi VinCommerce (nay là WinCommerce) ngay từ những ngày đầu tiếp quản từ cuối năm 2019.
Một loạt các giải pháp được Masan đưa ra bao gồm tối ưu hóa danh mục sản phẩm, tiết giảm chi phí, đóng bớt các điểm bán hoạt động không hiệu quả, sắp xếp lại logistics, đồng thời đàm phán để giảm chi phí thuê mặt bằng hợp lý theo giá thị trường.
WCM cũng tiến hành mở mới các điểm bán tại những vị trí tiềm năng theo mô hình trưng bày mới, tinh gọn danh mục hàng hóa, tăng tỷ trọng hàng tươi sống, áp dụng chính sách bán hàng hấp dẫn, để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đặt trọng tâm vào người tiêu dùng thay vì thúc đẩy doanh số.
Đồng thời, công ty đã nâng cấp chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ châm hàng tự động, giúp loại bỏ sai sót do con người đồng thời đơn giản hóa quy trình vận hành và cách tương tác với nhà cung cấp.
Kết quả, đến quý 4/2020, lần đầu tiên hệ thống WinCommerce đạt điểm hoà vốn với biên EBITDA dương 0,2%, doanh thu thuần của WCM cũng tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, WCM đã mang về cho Masan Group 30.978 tỷ đồng, đóng góp hơn 40% tổng doanh thu toàn tập đoàn.
“Bán lẻ FMCG là ngành có biên lợi nhuận rất mỏng. Vì vậy các công ty khá thận trọng trong việc tăng quy mô khi mô hình kinh doanh chưa được tối ưu. Wincommerce đã tái cơ cấu và đóng cửa hàng yếu kém, và hiện tại biên lợi nhuận của chuỗi này đã cho ra kết quả khả quan, vì vậy doanh nghiệp đặt kế hoạch mở mới mạnh mẽ trong năm 2022.
Đối với Bách Hoá Xanh, hiện tại công ty vẫn đang xử lý các cửa hàng yếu kém. Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận của BHX sẽ cải thiện sau khi hoàn tất tái cơ cấu, góp phần thúc đẩy việc mở mới từ 2023 trở đi”, bà Nguyễn Trần Phương Nga đánh giá tích cực.
Sau 2 năm tái cơ cấu, ban lãnh đạo Masan đã tìm ra công thức tăng trưởng cho chuỗi bán lẻ này. Trong quý 3/2021 (quý đầu tiên WCM có lãi), CEO Masan Group – ông Danny Le, cho biết công ty đã nỗ lực tái mở chuỗi, với mục tiêu tăng nhanh độ phủ, cả hình thức tự sở hữu lẫn nhượng quyền thương mại.
Sau khi tái cơ cấu thành công, chiến lược mở rộng kinh doanh và IPO của Bách hoá Xanh ra sao hiện là dấu hỏi được nhiều cổ đông của Thế giới di động quan tâm.
Nguồn:https://cafebiz.vn/