Và nếu như cả nhà cùng nhau xem một bộ phim thì chắc chắn sẽ rất thú vị phải không nào. Những thông điệp mà bộ phim mang tới không chỉ giúp gia đình có những giờ phút giải trí vui vẻ mà còn rút ra được rất nhiều bài học cuộc sống. Sau khi phim kết thúc, bố mẹ có thể cùng con trao đổi, chia sẻ lại những tình tiết trong phim và câu chuyện ẩn chứa đằng sau. Đây cũng là cách dạy con hiệu quả hơn những lời nói thông thường. Dưới đây là một số gợi ý về các bộ phim hay dành cho gia đình có con nhỏ.
Nhóc Nicolas
Nicolas là một chú nhóc lém lỉnh và hồn nhiên, sống hạnh phúc bên gia đình và bạn bè. Dù không hề giàu có và cũng không phải là học sinh xuất sắc, Nicolas vẫn luôn mãn nguyện với cuộc sống của mình, tới mức không muốn thay đổi nó. Đến một ngày, cậu bạn Joachim của Nicolas tới lớp với vẻ u sầu vì mẹ Joachim mới sinh thêm em bé và cậu cảm giác mình bị bỏ rơi. Joachim lo sợ cậu em sau này sẽ chiếm lấy căn phòng, ăn hết bánh kẹo và bố mẹ sẽ tống cậu vào rừng cho “rảnh nợ” như một câu chuyện cổ tích học ở trường.
Vài hôm sau, Joachim mất tích một cách bí ẩn. Điều này khiến Nicolas cảm thấy hoang mang, đặc biệt là khi tình cờ nghe được cuộc đối thoại của cha mẹ và biết rằng mình sắp được lên chức anh. Nicolas bắt đầu tưởng tượng ra mình sẽ bị “ra rìa” thế nào khi cậu em chào đời, rồi bị tống vào rừng cho thú hoang… Để “cứu vãn số phận”, Nicolas cùng với một nhóm bạn lập thành “hội những kẻ bất bại” và dùng rất nhiều mưu kế để nịnh nọt cha mẹ, thậm chí cậu còn thuê một tên gangster để bắt cóc cậu em trai chưa ra đời…
Các nhân vật trong Nhóc Nicolas được xây dựng rất sinh động và gần với nguyên tác của tác phẩm văn học, từ bà mẹ hay cằn nhằn, ông bố hay mắng nhiếc cho tới nhóm bạn bè “muôn màu” của Nicolas. Cậu nhóc háu ăn Alceste, Clotaire vụng về, Eudes đầu gấu, “cậu ấm” Geoffroy, Agnan hay mách lẻo và mít ướt cũng như Rufus “con cảnh sát”, qua diễn xuất hồn nhiên của các diễn viên nhí người Pháp, khán giả có cảm giác như đó là các nhân vật từ những câu chữ năm xưa bước lên màn ảnh rộng.
Nhóc Nicolas dẫn dắt khán giả thông qua điểm nhìn của một đứa trẻ, với trí tưởng tượng phong phú về thế giới và cuộc sống xung quanh. Những hoang mang, lo sợ khi chuẩn bị “ra rìa” bởi sự xuất hiện của thành viên mới trong nhà, những trò nghịch ngợm “nhất quỷ nhì ma”, màn đối phó với những thầy cô giáo khó tính…, tất cả đều vẽ nên một thế giới tuổi thơ mà hầu như ai cũng từng trải qua. Những chi tiết đó đem lại tiếng cười sảng khoái cho khán giả, nhưng cũng mang tới sự hoài niệm về một thời thơ bé đã trôi qua.
Xem và cảm nhận từ đầu đến cuối, đọng lại là một thông điệp rất nhẹ nhàng. Bố mẹ thêm một lần nữa được hiểu con hơn, cách con tư duy và sợ hãi về những vấn đề tưởng chừng như rất bình thường, biết được rằng đằng sau một hành động tưởng chừng như ngu ngốc và phá hoại lại có thể là một lý do rất đáng để cảm thông, thậm chí là cần vỗ về con…
Nhật ký cậu bé nhút nhát
Đối với cậu bé Greg Heffley thì trường trung học cấp 2 có vẻ như là một sáng kiến ngốc xít nhất trên đời này. Nó giống như là 1 bãi chiến trường với hàng trăm quả mìn được chôn dưới đất mà hầu hết trong chúng là những tên ngốc, hung bạo, những tên “đầu gấu” trường học, hay là những buổi ăn trưa bị đày đọa phải ăn trên sàn của căng-tin, và có khi là những miếng phô mai với nhân là những con rận gớm ghiếc. Để có thể sống sót trong môi trường đầy thử thách và cũng để đạt được những thành quả cũng như vị trí mà Greg nghĩ cậu xứng đáng được hưởng, cậu bé đã bày ra một chuỗi những âm mưu không có hồi kết và cũng không-thể-bỏ-lỡ-được, dĩ nhiên, mọi chuyện đều không đạt được kết quả như mong đợi…
Trải qua 1,5 tiếng để theo dõi hành trình của một cậu bé luôn muốn chứng tỏ bản thân mình để có thật nhiều bạn, chắc chắn đây là một bộ phim mà cả gia đình có thể xem, cười cùng nhau còn các con sẽ học được những bài học riêng về tình bạn, về giá trị của bản thân mình. Tất nhiên các hình ảnh, câu chuyện trong đó cũng rất trong sáng.
Cắm trại cùng bố
Bộ phim kể về việc một ông bố tên Charlie bị mất việc và phải ở nhà trông con trong khi vợ đi làm. Nhận thấy nhu cầu giữ trẻ trong khu phố khá cao, cùng với hai anh bạn Phil và Marvin, cả ba nảy ra ý tưởng cùng mở một nhà trẻ tư nhân do các ông bố đảm nhận lấy tên là “Daddy Day Care”. Ban đầu, ý tưởng này bị mọi người cho là điên khùng và chẳng ai can đảm gửi con mình lại đó. Nhưng dần dần, sự nhiệt tình của các “ông giữ trẻ” chiếm được cảm tình của mấy đứa bé và nhà trẻ ngày càng nổi tiếng. Ba ông bố bị quay như chong chóng bởi những tình huống hài hước lẫn đau đầu mà lũ trẻ gây ra. Trong khi “Daddy Day Care” ngày càng phát triển rầm rộ thì học viện Chapman gần đó ngày càng hẩm hiu. Điều này đã chọc tức bà hiệu trưởng lập dị Harridan…
Đây là bộ phim siêu hài hước nhưng cũng không thể thiếu phần thông điệp ý nghĩa về tình cảm gia đình qua các thế hệ. Đọng lại là hình ảnh một ông bố phải học cách để đương đầu với việc trông coi lũ trẻ, học cách nhìn đời dưới góc nhìn trẻ thơ, nhận ra những bài học về tình cảm cha con để yêu lại người bố của mình – và đối xử ngược lại như thế với cậu con trai… Những bộ phim như thế này sẽ mãi đọng lại trong ký ức của cả gia đình nếu ngồi xem cùng nhau.
Chúng tôi đã mua một sở thú
Dựa trên dòng hồi ký của Benjamin Mee, phim kể câu chuyện có thật về việc tác giả và gia đình mình đã dùng số tiền tiết kiệm để mua lại một khu sở thú tan hoang với 200 con thú xinh đẹp đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt diệt, tại miền quê nước Anh.
Cốt truyện được xây dựng dựa trên một câu chuyện có thật của một ông bố độc thân sau khi vợ qua đời đã mua lại một sở thú. Mạch truyện đơn giản, rõ ràng, mạch lạc lồng ghép những tình cảm người với người, hay con người với thiên nhiên, động vật. Câu chuyện trong sáng nhưng đầy nhân văn.
Nhạc phim khai thác khá tốt, người xem có thể chìm đắm vào thứ nhạc jazz trầm, buồn, lắng đọng khi anh Mee xem lại ảnh gia đình hoặc lúc anh ta một mình, nhưng ngay sau đó có thể trở nên phấn khởi, tươi mới với công cuộc sửa sang, thay đổi quang cảnh của công trình sở thú đang được tôn tạo lại để đi vào hoạt động.
Diễn viên từ vai Benjamin đến vai của đứa con trai Dylan hay cô quản thú Kelly…, mỗi nhân vật đều diễn rất tròn vai, tự nhiên theo cách vốn có, họ có những khoảng lặng không thể chia sẻ cho đến cả những khoảng sáng trong lúc làm việc, lao động. Tiết tấu phim xoay vòng nhưng cách diễn mỗi lúc một linh hoạt hơn.
Về cảnh quay ấn tượng: ở bộ phim hình ảnh người mẹ, người vợ quá cố chỉ là điểm xuyết nhưng lại mang lại điểm nhấn sâu sắc. Cảnh đầu tiên là cảnh Mee xem lại ảnh và video về gia đình, cảnh quay lồng ghép đưa Mee về với quãng thời gian hạnh phúc ngập tràn ánh sáng với Katherin và các con, cảnh quay vừa cảm động vừa độc đáo để lại ấn tượng khó phai. Cảnh thứ hai là cảnh kết phim khi Mee kể lại với các con về 20 giây quan trọng trong cuộc đời anh khi gặp mẹ của bọn trẻ. Và đây cũng chính là một trong số những câu quote của phim được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trên mạng xã hội: “Nếu có 20 giây dũng cảm, con muốn nói gì, với ai”. Mặc dù chỉ là một nhân vật phụ, rất phụ nhưng người vợ lại sâu chuỗi các mảnh nối ghép xuyên suốt trong hành trình của gia đình Benjamin, cái này không phải bộ phim nào cũng làm được đâu. Rất thật và rất đáng chiêm nghiệm.
Hy vọng cả gia đình sẽ có những giờ phút thực sự “chất lượng” bên nhau, cùng xem phim và rút ra bài học cho chính bản thân mình.
Nguồn:https://cafebiz.vn/