Tình bạn là một phần quan trọng trong cuộc sống của một đứa trẻ. Tình bạn lành mạnh – cả trong thời thơ ấu và thanh thiếu niên đều có thể tạo ra một môi trường cho trẻ em phát triển năng lực xã hội và xây dựng sự tự tin. Những trẻ em không có bạn thời thơ ấu có nguy cơ bị trầm cảm hoặc bệnh tâm lý cao gần gấp ba lần bình thường. Trên thực tế, những đứa trẻ có nhiều bạn bè thân thiết ít có khả năng trở thành mục tiêu bị bắt nạt hơn những đứa trẻ bị cô lập về mặt xã hội.
Nhưng không phải tất cả tình bạn của con trẻ đều được phát triển một cách lành mạnh. Trên thực tế, một số mối quan hệ bạn bè có thể khiến con bạn cảm thấy lo lắng, căng thẳng và kiệt sức. Tuy nhiên, trẻ em thường phải vật lộn bởi những tổn hại mà những mối quan hệ này gây ra.
Hailey Shafir, một bác sĩ tâm lý và là nhà trị liệu sức khỏe tâm thần giải thích: “Trẻ nhỏ có thể không hiểu tình bạn lành mạnh là như thế nào và không phân biệt được đâu là tình bạn không lành mạnh. Còn đối với những trẻ lớn hơn, áp lực từ bạn bè, mong muốn hòa nhập hoặc thậm chí áp lực trên mạng xã hội có thể khiến trẻ chấp nhận sống xung quanh bạn bè không lành mạnh.”
Ai cũng muốn được có nhiều bạn bè, không bị lạc lõng, đặc biệt là trẻ em và các bạn đang bước vào độ tuổi thanh thiếu niên. Có một tình bạn lành mạnh sẽ giúp con bạn cảm thấy được kết nối với thế giới. Trên thực tế, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tình bạn lành mạnh có tác động tích cực đến sức khỏe và chỉ số cảm xúc của con trẻ.
Nếu bạn nghi ngờ rằng con mình đang có một tình bạn không lành mạnh, điều quan trọng là bạn phải biết các dấu hiệu để nhận ra loại quan hệ mình và có cách can thiệp phù hợp. Hãy cùng tìm hiểu sâu hơn về các dấu hiệu nhận biết tình bạn không lành mạnh nhé.
Dấu hiệu của một tình bạn không lành mạnh
1. Có sự mất cân bằng về vai vế trong mối quan hệ
Tình bạn lành mạnh bao gồm sự hợp tác và cộng tác, nhưng những đặc điểm này hiếm khi xuất hiện trong một tình bạn không lành mạnh. Thay vào đó, con bạn có khả năng gặp một người bạn thích là người nhận công về mình và đưa ra mọi quyết định. Những người bạn này thậm chỉ có thể gây hấn với con bạn chỉ để đạt được mục đích và những gì chúng muốn.
Shafir nhận định: “Một tình bạn tốt đẹp là luôn đồng hành và hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, khi con bạn cảm thấy một chiều hoặc mất cân bằng quyền lực trong mối quan hệ thì thường là dấu hiệu của một tình bạn không lành mạnh “, bà bổ sung.
2. Tình bạn chứa nhiều drama
Theo Nikki Smith, chuyên viên tư vấn tâm lý học đường, drama luôn là dấu hiệu của một tình bạn không lành mạnh. Trong những tình huống drama, thường sẽ luôn có yếu tố kịch tính xảy ra. Ví dụ: Người bạn của con bạn có thể chia sẻ thông tin cá nhân của con bạn, tung tin đồn hoặc nói dối con bạn. Chúng cũng có thể cố gắng thao túng cảm xúc của con bạn hoặc đổ lỗi để đạt được điều chúng muốn.
Smith đánh giá rằng nếu con bạn và bạn của chúng luôn tranh cãi, đánh nhau hoặc dường như luôn có hiềm khích giữa chúng thì đó là dấu hiệu của một tình bạn không lành mạnh. Hoặc, nếu bạn của con bạn thường xuyên ghen tị với những người bạn khác hoặc cố gắng độc chiếm thời gian của con bạn, thì đó cũng có thể là dấu hiệu cho thấy tình bạn của chúng không lành mạnh.
3. Tình bạn ẩn chứa sự ghen tị và tính cạnh tranh
Ghen tị thường xuyên xuất hiện trong các mối quan hệ bạn bè không lành mạnh, cho dù đó có là sự ghen tị với một món đồ chơi mới hay là sự ghen tị với sự thành công của một người bạn khác.
Smith nói: “Khi bạn bè ghen tị với sự thành công, ngoại hình hoặc những tình bạn khác của con bạn, thì đây có thể là dấu hiệu của một tình bạn không lành mạnh.”
4. Bao gồm việc bỏ rơi và cô lập xã hội
Nhiều khi, một tình bạn không lành mạnh sẽ bao gồm việc bị cô lập hoặc chỉ định tự cô lập. Nói cách khác, bạn của con bạn có thể yêu cầu con bạn chỉ dành thời gian cho riêng chúng hoặc loại trừ những người khác ra khỏi nhóm.
Shafir nói: “Một trong những hành vi độc hại nhất trong các vòng kết nối xã hội là khi trẻ loại trừ những người khác khỏi nhóm và thuyết phục những người khác cũng cô lập chúng”.
Và, nếu con bạn chọn không dành toàn bộ thời gian và sức lực cho người bạn này, chúng có thể trở nên tức giận và thậm chí có thể cố gắng cô lập con bạn. Shafir giải thích rằng sự cô lập này có thể dẫn đến việc đánh mất lòng tự trọng và sự tự tin, ảnh hưởng đến điểm số của con bạn, thậm chí có thể gây ra lo lắng và trầm cảm.
5. Có xu hướng kiểm soát thái độ và hành vi
Đôi khi con bạn vô tình có một tình bạn thích kiểm soát, bạn sẽ nhận thấy những thay đổi trong sự tự tin và hành xử của trẻ. Chúng có thể đột nhiên trở nên dè dặt hơn và cố gắng che giấu những sở thích hoặc tài năng của mình. Chúng cũng có thể tỏ ra thiếu quyết đoán và nhìn vào người bạn trước khi đưa ra quyết định.
Shafir nói: “Sự thay đổi về sự tự tin của con bạn có thể là một dấu hiệu cảnh báo sớm về điều gì đó đang xảy ra trong mối quan hệ bạn bè và vòng kết nối xã hội của con”.
Trong những tình huống này,Shafir khuyên bạn nên khuyến khích con bạn dành thời gian cho những người bạn khác. Đôi khi điều tốt nhất mà con bạn có thể làm là tập trung sức lực và thời gian cho những tình bạn lành mạnh, tốt đẹp hơn.
Nguồn:https://cafebiz.vn/