Tôi nghĩ có thể nói người Việt Nam tự hào về rất nhiều thứ khi nói về đất nước của họ, phong cảnh tươi đẹp, những nền văn hóa và truyền thống phong phú cũng như một chiều dài lịch sử mà họ đã từng đi qua. Nhưng, nếu để chào đón các du khách đến với Việt Nam, tôi nghĩ có một thứ sẽ đứng trên tất cả những niềm tự hào ấy, đó chính là ẩm thực.
Bản thân tôi chưa có cơ hội nếm thử các món ăn của Việt Nam trước thời điểm năm 2017 – khi tôi đến với đất nước này. Ở quê nhà tại Áo của tôi, lần trải nghiệm ẩm thực Việt đầu tiên là khi tôi được ăn một bát phở bò tại một nhà hàng của một phụ nữ gốc Việt. Bát phở rất ngon, người nấu cũng rất kỳ công, nhưng mãi sau tôi mới phát hiện ra nó có giá khá đắt, khoảng 400.000 VNĐ, so với một bát phở ở Việt Nam.
Trong đầu tôi, tôi nghĩ đồ ăn của Việt Nam sẽ giống đồ ăn của Thái. Nhưng thật may là không phải như vậy. Sau vài năm sống ở Việt Nam, dưới đây là những món ăn mà tôi yêu thích nhất, đã ăn một lần là không thể nào quên.
1. Phở bò
Ngay từ những ngày đầu đến Việt Nam, tôi đã được một người bạn tiết lộ bí quyết của một bát phở ngon: Tất nhiên bạn cần thịt và các nguyên liệu tươi ngon, từ thịt bò, bánh phở, các loại rau thơm và gia vị đi kèm, nhưng phần quan trọng nhất chính là nước dùng. Và đúng như vậy, đến ngày nay, mỗi lần ăn phở, tôi sẽ đều múc một thìa nước dùng để nhấm nháp và cảm nhận mùi thơm của nó, tận hưởng sự kỳ công của những nghệ nhân nấu phở để tạo ra thứ hương vị tuyệt vời ấy.
Tất nhiên, phở đúng là một món ăn hoàn hảo khi bạn muốn giới thiệu về ẩm thực Việt. Tuy nhiên, món ăn Việt mà tôi yêu thích nhất thì lại nằm ở phía dưới của bài viết.
2. Bún chả
Nếu bạn hỏi một người nước ngoài sống ở Việt Nam rằng đâu là món ăn Việt mà họ yêu thích nhất thì câu trả lời phổ biến nhất có lẽ là bún chả. Tại sao lại như vậy? Câu trả lời rất đơn giản, vì bún chả quá hoàn hảo.
Với riêng tôi, ngay từ lần đầu tiên nếm thử, tôi đã như thể bị “mê hoặc”. Đến mức có thời điểm, tôi ăn nó gần như hàng ngày, trong một quán ăn nhỏ gần ngôi nhà đầu tiên của tôi ở Hà Nội, tại phố Hào Nam. Tôi đã ăn lấy ăn để, húp đến giọt nước chấm cuối cùng vì tôi cực kỳ yêu thích cái mùi vị nước chấm chua chua ngọt ngọt của nó. Mọi người thường nhìn tôi hơi bối rối, nhưng cũng xen lẫn chút tự hào, kiểu như “Nhìn cái anh Tây kia buồn cười chưa kìa, anh ta mới thích đồ ăn của chúng ta làm sao!”.
3. Bún cá
Bún cá làm tôi cảm thấy thân thuộc, như thể tôi đang ở nhà vậy, vì nước dùng của món ăn này có hương vị hơi giống với món ăn ở quê hương Thụy Điển của mẹ tôi. Đầu tiên, tôi hơi bối rối khi nghĩ đến việc sẽ ăn những miếng cá rán giòn tan ra sao với tô nước dùng của bún, nhưng sau đó, tôi lại thấy đây là một sự kết hợp tuyệt vời. Giòn tan và mềm mại, ngọt và mặn, đây là những sự đối lập nhưng không hề triệt tiêu nhau.
4. Bún bò Huế
Khi mới đến Việt Nam, tôi đã bị sốc trước một “ma trận” những món có nước, từ phở cho đến bún chả, bún cá, đấy là còn chưa kể đến các loại miến và mỳ nữa. Và hóa ra, vẫn còn một loại bún nữa mang tên: Bún bò Huế, và nó khác hẳn so với tất cả những thứ tôi vừa mới nhắc tới. Với một người lớn lên ở nơi chỉ có một kiểu mỳ, chính là mỳ spaghetti thì đây đúng là một sự khai sáng thực sự.
Và tôi phải thừa nhận rằng, bún bò Huế (cũng có thịt bò và nước dùng nhưng lại hoàn toàn khác so với phở bò) là một trong những phiên bản ngon nhất của món bún.
Tôi phải thừa nhận mình mới ăn bún bò Huế ở chính gốc Huế đúng một lần, nhưng tôi thấy rằng hương vị của món ăn này ở các nơi khác cũng ngon không kém. Nếu bạn đang ở Hà Nội và cần một địa chỉ, hãy tìm một quán bún bò Huế nhỏ ở Hàng Cá, bạn sẽ không thất vọng đâu.
5. Cơm tấm
Nếu như phở là món ăn đại diện cho Hà Nội, thì cơm tấm chính là đại diện của thành phố Hồ Chí Minh.
Tôi yêu sự kết hợp của gạo và thịt nướng cùng với trứng và nước mắm. Tất cả tạo nên một hương vị vô cùng quyến rũ và đặc trưng của món ăn này. Nó đúng là một món ăn xoa dịu tâm hồn bạn với cảm giác ấm áp và dễ chịu.
6. Bánh mì
Tôi tới từ Trung Âu, vì thế có một điều mà bạn cần biết về tôi, đó là tôi rất thích bánh mì. Ở quê nhà của tôi, bánh mì cũng đóng vai trò quan trọng giống như cơm ở Việt Nam vậy. Chúng tôi ăn nó mỗi ngày, đôi khi là hơn một lần mỗi ngày. Gia đình tôi ăn bánh mì vào bữa sáng và bữa tối, tất nhiên là theo 2 kiểu khác nhau. Buổi sáng chúng tôi ăn theo kiểu ngọt, tức là bánh mỳ với mứt hoặc mật ong, còn buổi tối thì ăn theo kiểu mặn, tức là bánh mì với thịt nguội và pho mát.
Sống ở Việt Nam, việc tiêu thụ bánh mỳ của tôi đã giảm đáng kể, nhưng tôi vẫn ăn nhiều hơn người bản xứ các bạn. Và tôi ăn các loại bánh mì với nhiều loại nhân khác nhau. Tôi thích bánh mỳ ở Hội An nhất, nhưng ngoài ra, cứ ở đâu có bánh mỳ nhân pate ngon thì tôi đều ưng cả.
7. Lẩu
Tôi biết rằng không phải chỉ có Việt Nam mới có món lẩu, nhưng vì tôi chưa từng thử qua lẩu trước khi tới Việt Nam nên với tôi, món ăn này vẫn mang đậm hương vị Việt. Và thực tế là ở Việt Nam, người ta cũng ăn lẩu rất nhiều, đặc biệt là trong những cuộc vui. Từ lẩu Thái, lẩu nấm, lẩu cay Tứ Xuyên, lẩu cá, lẩu cua… và tất cả chúng đều rất ngon.
Tôi yêu cả bầu không khí ấm áp khi ăn lẩu, tức là mọi người ngồi quanh bàn, chia sẻ thức ăn với nhau, cùng nhau nhúng thịt, rau trong nồi và cùng nhâm nhi vài ly đồ uống nữa. Rất vui.
Ở quê hương tôi cũng có một món ăn gần giống thế này, gọi là fondue (lẩu pho mát) – gồm pho mát để trong nồi đặt trên một cái bếp được làm nóng bằng nến hoặc đèn cồn, và ăn bằng cách chấm bánh mì vào pho mát bằng một cái dĩa dài.
8. Ốc
Vì Áo là một quốc gia không giáp biển nên tôi không có nhiều cơ hội ăn các món thủy hải sản, và tất nhiên, trước khi đến Việt Nam, tôi chưa từng ăn các loại ốc.
Lần đầu tiên thử các món ốc với tôi khá là khó khăn, nhưng sau khi đã ăn được rồi, tôi lại thấy mình ngốc nghếch khi cứ đưa ra các định kiến về những món nên ăn và không nên ăn. Giờ đây, tôi thích ăn tất cả các loại ốc ở Việt Nam.
Nguồn:https://cafebiz.vn/