Kết hôn là một trong những cột mốc trọng đại nhất đời người và cần nhiều sự chuẩn bị. Đó là có thể là vấn đề tinh thần xem bản thân đã sẵn sàng trong cảm xúc chưa, hay những mục tiêu to lớn hơn trong tương lai khi đi cùng người bạn đời. Bên cạnh đó, có 1 điều được nhiều chuyên gia cho rằng cần phải chuẩn bị trước khi kết hôn nhưng nhiều cặp đôi hiếm khi làm đó chính là thỏa thuận tài chính.
Đây có thể là bản về những thỏa thuận tài sản trước hôn nhân hay cũng được nhiều người hiểu đơn giản là cuộc trò chuyện đưa ra những luật riêng về tiền bạc trong cuộc sống chung sau này. Cùng gặp 2 cặp vợ chồng để hiểu hơn về quan điểm của họ trong câu chuyện này.
1. Nguyễn Trọng Trung, 30 tuổi, đã kết hôn hơn 1 năm
2. Phan Thị Thuỳ Dung, 31 tuổi, kết hôn được 6 tháng
Trước khi kết hôn nên ngồi xuống để thảo luận tài chính với nhau
Tài chính không phải là một chủ đề dễ dàng cởi mở trao đổi, đặc biệt là trong quá trình chuẩn bị kết hôn. Theo Trọng Trung, điều này là bởi vì cá nhân mỗi người đều có những rào cản lớn nhỏ khác nhau về chuyện tiền nong tài chính. Tuy nhiên, không phải vì vậy mà nên tránh né vấn đề này bởi vì đây là chuyện rất quan trọng có thể ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh trong cuộc sống sau này.
Đối với Trọng Trung, trong giai đoạn tìm hiểu và khi xác định tiến tới hôn nhân vợ chồng anh đều có những lần nói chuyện, chia sẻ hay bàn bạc về tài chính cá nhân của cả 2 để xây dựng những kế hoạch chi tiết cho từng giai đoạn.
“Thường bọn mình sẽ bàn bạc với nhau các mục tài chính như sau:
– Thu nhập: Cần nắm rõ thu nhập của cả 2 là bao nhiêu mới có thể thực hiện được các bước tiếp theo sẽ phân chia các dòng tiền thu vào.
– Nợ: Đây cũng là một trong những chuyện khá khó chia sẻ với đối phương. Song dựa vào những gì bản thân đã trải nghiệm, việc này cần nói rõ ngay từ lúc này mới có thể thực hiện được các bước tiếp theo.
– Tích luỹ và Đầu tư: Hai mảng này cũng tương tự như nợ, cần nắm rõ cả hai đang có những gì, tài sản hiện hữu ra sao để có cách sử dụng thu nhập và đầu tư rõ ràng.
– Kế hoạch cho tương lai: Các kế hoạch cho ngắn hạn, trung hạn và dài hạn cần được vạch ra để cả hai đều có trách nhiệm với tài chính của cá nhân cũng như tài chính cho hôn nhân sau này”.
Trọng Trung cùng vợ – Ảnh: NVCC
Cũng giống như quan điểm của Trọng Trung, Thuỳ Dung chia sẻ rằng trước khi lấy nhau, vợ chồng cũ cũng đã ngồi lại với nhau hơn 1 buổi để thảo luận về các vấn đề tài chính. Có những mục như vợ chồng Trọng Trung là thu nhập và kế hoạch cho tương lai, ngoài ra Thuỳ Dung còn thêm các mục như:
– Chồng hay vợ sẽ là người giữ tiền hay cả hai?
– Nguyện vọng về chi tiêu của mỗi người ra sao?. Ví dụ như chồng Thuỳ Dung muốn dành 30% thu nhập để tiết kiệm, tích lũy cho tương lai. Song Thuỳ Dung muốn 25% thôi vì như vậy mỗi người đều dành ra 5% để chi tiêu cho những sở thích cá nhân.
“Mình cũng lên danh sách ( về những chi phí cố định trong tháng (tiền nhà, thực phẩm ăn uống, xăng xe, điện, nước, phí dịch vụ…), chi phí biến đổi (cafe, ăn uống ngoài, du lịch)… sau đó phân tích cho chồng mình hiểu bài toán thu chi tổng quan. Chẳng hạn trong tháng, chi phí cố định sẽ chiếm 15% tổng thu nhập của 2 người, các chi phí biến đổi chiếm 30%, sau khi có được con số cụ thể như thế, vợ chồng mình sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về số tiền cần tiết kiệm mỗi tháng”, Thuỳ Dung chia sẻ.
Sau khi kết hôn vẫn nên tiếp tục có các cuộc trò chuyện tiền bạc thường xuyên
Việc thảo luận tài chính không chỉ dừng lại trước khi làm đám cưới mà nên tiếp tục khi đã ở cùng nhau. Bởi vì tình hình tài chính mỗi cá nhân hay nguyện vọng chi tiêu cũng như mục tiêu sẽ luôn thay đổi theo thời gian.
“Cả mình và vợ sau khi kết hôn đều xác định tài chính trong gia đình sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc hôn nhân rất nhiều, nhất là các gia đình trẻ khi chuyển đổi trạng thái từ độc thân thành gia đình. Vì vậy câu chuyện tài chính rất thường được cả hai nhắc đến trong cuộc sống hàng ngày”, Trọng Trung chia sẻ.
Nhiều người luôn cho rằng chỉ cần các quyết định tài chính lớn chẳng hạn như mua nhà hay mua xe mới cần bàn bạc với nhau. Còn những khoản lặt vặt như mua đồ hàng ngày thì không cần thiết. Song, Thuỳ Dung không cho là vậy.
Vợ chồng cô bạn vẫn duy trì tần suất nói về chuyện về tài chính khá thường xuyên, từ những việc nhỏ nhất như chi phí mua thực phẩm hàng ngày, những chương trình giảm giá hàng tháng đến việc mua nhà mua xe như thế nào.
“Chồng mình được thưởng dự án hay được thêm các khoản nào cũng đều sẽ chia sẻ với mình để cả 2 nắm được tình hình tài chính chung, và mình cũng sẽ như vậy. Mình sẽ là người chủ động báo cáo với chồng mình về việc tháng này đã chi tiêu bao nhiêu trong ngân sách chung hoặc có những chi phí phát sinh ngoài mà không thuộc những hạng mục mua sắm hàng tháng vẫn có. Mình thấy việc minh bạch tài chính với nhau và thảo luận về vấn đề này khiến cho vợ chồng mình thoải mái hơn để thảo luận cho việc mua sắm những tài sản lớn hơn hoặc dễ dàng hiểu rõ dòng tiền của hai người đang ở mức nào”, Thuỳ Dung chia sẻ.
Thuỳ Dung – Ảnh: NVCC
Hãy thẳng thắn với nhau ngay từ đầu
Ở phương Tây, trước khi kết hôn hầu hết các cặp đôi xây dựng cả 1 bản Prenup (Prenuptial agreement) – Hợp đồng tiền hôn nhân để có thể nắm bắt tình hình tài chính và có thể dễ dàng tin tưởng nhau hơn. Tuy nhiên, Trọng Trung cho rằng cả 2 cùng nhau bỏ công sức và thời gian để vạch ra với nhau trong các vấn đề tài chính như tài sản hiện tại, thu nhập, chi phí, nợ, đầu tư của cả hai trong tương lai. Đây là điều cần thiết.
“Với mình tài chính của cả hai càng rõ ràng, càng dễ chia sẻ với nhau bao nhiêu trước hôn nhân thì sau này bạn sẽ càng dễ hiểu nhau trong các quyết định về tài chính của cá nhân cũng như cho gia đình bấy nhiêu. Nói chuyện về tài chính rất khó để mở đầu nhưng khi đã có thể rõ ràng với nhau rồi thì cả hai đều thấy khá dễ dàng cho các quyết định về sau”, Trọng Trung nhấn mạnh.
Ảnh minh hoạ – Pinterest
Bên cạnh đó, Thuỳ Dung cũng chia sẻ rằng thảo luận chi tiết và cụ thể như vậy trước khi kết hôn đã cho vợ chồng cô hình dung được bức tranh tài chính sắp tới ra sao và mục tiêu cần đạt được như thế nào một cách rõ ràng. Từ đó kết hợp khá ăn ý và phối hợp với nhau trong việc triển khai kế hoạch đó.
“Trước khi kết hôn, mình đã chủ động đề xuất với chồng mình về việc cần mua nhà và mua xe trong năm nay. Để thực hiện được kế hoạch đó, mình đã liệt kê rõ thu nhập hàng tháng của 2 vợ chồng vào file excel, sau đó mình thuyết trình cho chồng mình về báo cáo dòng tiền cũng như kế hoạch thực hiện để xin ý kiến cũng như lắng nghe phản hồi từ chồng mình. Mình cũng lên luôn cả kế hoạch trả nợ từ 3-5 năm khi mua nhà và mua xe sẽ như thế nào. Khi vợ chồng mình nắm được con số cụ thể, tụi mình đã hiểu mỗi tháng cần phải tiết kiệm bao nhiêu, mỗi năm cần đạt được bao nhiêu“, quan điểm của Thuỳ Dung.
Nguồn:https://cafebiz.vn/