Khách Tây thích thú đúc kết ‘cẩm nang đi ăn cưới’ ở Việt Nam

Cây viết người Canada Matthew Pike của trang Culture Trip đã có bài viết thú vị về “cẩm nang đi ăn cưới ở Việt Nam”.

Mở đầu bài viết, tác giả khẳng định, đối với người nước ngoài, đám cưới của người Việt Nam vừa lạ lẫm lại vừa náo nhiệt. Có pháo hoa, uống rượu thoải mái, có những bài phát biểu khá dài nói đủ thứ trên đời. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời, ngay cả đối với những người nước ngoài đã sống ở đây một thời gian dài.

“Nào, hãy cũng học cách đi ăn cưới ở Việt Nam.”

Phần lễ

Matthew Pikecho biết, nếu là bạn bè hoặc những đồng nghiệp bình thường, không quá thân thiết với cặp đôi, bạn có lẽ sẽ không được tham gia vào buổi lễ. Thường nghi thức này chỉ dành cho gia đình và những người bạn rất thân với cặp đôi.

Khách Tây thích thú đúc kết cẩm nang đi ăn cưới ở Việt Nam - Ảnh 1.

Trong nhiều đám cưới, đầu tiên, nhà trai tới nhà gái. Sau khi trao lễ, phát biểu, cặp đôi sẽ thắp hương cho tổ tiên nhà cô dâu, sau đó cả 2 sẽ quay lại nhà trai và làm những nghi thức tương tự như vậy.

Cây bút người Canada tìm hiểu được thông tin rằng, người Việt Nam quan niệm, báo cáo với tổ tiên khi làm những việc trọng đại có thể mang lại may mắn.

Phần tiệc

Đối với hầu hết mọi người, đây sẽ là phần chính của đám cưới. Khi tới chỗ ăn tiệc sẽ thấy cặp đôi mới cưới đứng chào đón ở lối vào. Mọi khách đều có một bức ảnh đẹp với cặp vợ chồng.

“Tôi mách nhỏ điều này rất vui, bạn có thế quan sát cặp đôi, sau khi cười một lúc, bạn sẽ thấy nụ cười của đôi vợ chồng khô cứng, “đóng băng” dần vì họ đã cười quá nhiều,” Matthew Pike cho hay.

Sau khi bước vào phòng ăn tiệc, hãy chọn một chỗ ngồi cho mình. Nếu được chỉ định chỗ ngồi, bạn sẽ được dẫn tới đúng vị trí. Và lúc này, chương trình chính mới thực sự bắt đầu.

Người ta bắt đầu bắn pháo giấy, bật nhạc lớn và phát biểu. Những bài phát biểu từ gia đình và bạn bè cô dâu chú rể, từ những người “không chuyên” phát biểu nên khá vụng về và hài hước. Nếu không phát biểu, khách mời có thể cứ ngồi ở vị trí của mình cho đến khi người ta mang thức ăn tới.

Khách Tây thích thú đúc kết cẩm nang đi ăn cưới ở Việt Nam - Ảnh 2.

“Mọi người thường tặng cặp đôi mới cưới tiền mặt. Bạn cũng có thể tặng quà cho cặp đôi nếu như đủ thân với cô dâu hoặc chú rể để biết họ thích món quà gì.”

Đồ ăn

Bài viết chỉ ra: “Theo quan sát của tôi tại những bữa tiệc cưới mà tôi đã tham dự, có vẻ như người Việt không tiếc tiền để làm hài lòng khách mời.”

Mỗi mâm tiệc cưới cơ bản sẽ có khoảng 6 món trở lên. Các món đầu tiên thường là những món nguội, sau đó những món chính sẽ được bê lên để đảm bảo độ nóng hổi như lẩu, cá, thịt,.. Món tráng miệng thường sẽ là hoa quả, tuy nhiên, cũng có nhiều gia đình chi lớn cho các món tráng miệng hiện đại hơn như kem, bánh gato,..

Khách Tây thích thú đúc kết cẩm nang đi ăn cưới ở Việt Nam - Ảnh 3.

Trong lúc ăn tiệc, cô dâu chú rể và đại diện gia đình sẽ đi tới từng bàn để chào và chúc khách mời.

“Đối với tôi, có lẽ phần thú vị nhất của đám cưới ở Việt Nam lại là những phần cuối cùng của lễ cưới. Mặc dù tất cả những phần bên trên rất hoành tráng, bữa tiệc lại kết thúc rất nhanh. Có thể mọi người vừa nâng ly lúc trước, chỉ vài phút sau đã thấy họ đang đứng ở bên ngoài, gọi taxi đi về,” Matthew Pike viết.

Tuy nhiên, đây không phải là một điều bất thường. Sau khi bàn ăn được dọn dẹp, khách mời có thể ngồi trò chuyện cùng gia đình cô dâu và chú rể một lúc và sau đó có thể rời đi. Lý giải cho điều này, anh cho biết, mọi người đều rất thông cảm về việc cô dâu chú rể đã khá mệt sau cả một ngày tiếp khách nên muốn cho họ thời gian nghỉ ngơi.

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *