Trời lạnh, nhiều người nhập viện

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đang khám cho một bệnh nhân bị liệt mặt

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng đang khám cho một bệnh nhân bị liệt mặt

Người trẻ méo mồm vì chủ quan

Theo các chuyên gia, phần lớn các bệnh nhân bị méo mặt, lệch miệng khi thời tiết trở lạnh ở Hà Nội không phải cao tuổi mà trong độ tuổi lao động, người trẻ, nguyên nhân do chủ quan. Sáng ngủ dậy, anh N.H. (29 tuổi, Hà Nội) mở cửa ban công cho thoáng. Sau đó vào nhà vệ sinh đánh răng anh bất ngờ vì nước đánh răng, chảy vương vãi, không thể kiểm soát dù cố ngậm miệng.

Nhìn vào gương thấy miệng lệch nhẹ. Khi chớp hoặc nhắm mắt, 2 bờ mi bên mắt trái không khép lại được kín. Nghĩ bị đột qụy, anh H. nói người nhà đưa đến bệnh viện. Tại đây bác sĩ chẩn đoán anh bị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên. Bệnh nhân tới Bệnh viện Châm cứu Trung ương để điều trị.

Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Khám bệnh đa khoa (Bệnh viện Châm cứu Trung ương), cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mắt phải nhắm không kín, nhân trung lệch trái, rãnh mắt mũi bên phải mờ, không thể làm các động tác như thổi lửa, huýt sáo…

“Kết quả đánh giá cho thấy, bệnh nhân bị tổn thương dây thần kinh số 7 ngoại biên hoàn toàn. Bệnh nhân được điều trị châm cứu, xoa bóp bấm huyệt và kết hợp phương pháp thủy châm để đưa các loại vitamin nhóm B nhằm tăng dẫn truyền thần kinh, phục hồi tổn thương dây thần kinh ngoại biên. Khả năng hồi phục phụ thuộc vào từng bệnh nhân song thường có thể khỏi hoàn toàn trong 10 ngày, với các trường hợp nặng hơn có thể kéo dài 1 tháng”.

Theo bác sĩ Dũng, đây chỉ là một trong số nhiều bệnh nhân bị liệt dây thần kinh số 7 mà bệnh viện thường xuyên tiếp nhận. Đặc biệt, vào các thời điểm chuyển mùa, trời lạnh, số ca mắc tăng rõ rệt.

Mỗi ngày, Khoa Khám bệnh đa khoa tiếp nhận tới hàng chục trường hợp. Liệt dây thần kinh số 7 có 2 loại: liệt dây thần kinh số 7 trung ương (do đột quỵ, tai biến mạch máu não) và liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên (chủ yếu do lạnh, một số ít do viêm tai giữa, hoặc do bệnh zona thần kinh). Liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên vào mùa lạnh là khá phổ biến.

Dấu hiệu điển hình của bệnh này được 90% bệnh nhân mô tả là buổi sáng thức dậy, khi đánh răng thấy vương vãi nước, soi gương mặt bị lệch, mắt không thể nhắm kín.

“Cơ chế gây bệnh liệt dây thần kinh số 7 là do tiếp xúc với nguồn lạnh đột ngột. Các ca bệnh hầu hết ghi nhận là do mở cửa, đi ra ngoài trời buổi sáng khi nhiệt độ trong phòng và ngoài trời có sự chênh lệch lớn. Trong khi người cao tuổi thường cẩn thận, mặc ấm, kín gió thì người trẻ lại có phần chủ quan hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến rất nhiều thanh niên khỏe mạnh, trẻ tuổi phải nhập viện điều trị”, chuyên gia phân tích.

Đột qụy vào mùa

Nhiệt độ xuống thấp khiến những người có sức đề kháng yếu, đặc biệt là người cao tuổi thường hay tái phát các bệnh nền. Tại Bệnh viện Hữu Nghị, Bệnh viện Lão khoa Trung ương số bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp, tim mạch, xương khớp có dấu hiệu gia tăng so với bình thường.

Trời chuyển lạnh cũng là mùa của bệnh đột quỵ. Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm Việt Nam ghi nhận khoảng 200.000 ca đột quỵ mới và 80% số này là người bị tăng huyết áp. Số bệnh nhân đột quỵ tăng từ 15% – 20% vào mùa đông. Ngoài ra, có khoảng 60-70% trường hợp đột quỵ xảy ra vào nửa đêm và buổi sáng sớm, thời điểm nhiệt độ thường lạnh hơn buổi trưa, chiều.

Bác sĩ Trần Quang Thắng, Trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ (Bệnh viện Lão khoa Trung ương), cho biết, số người nhập viện do đột quỵ vào mùa lạnh chiếm 70-80% tổng số bệnh nhân điều trị trong năm. Thời tiết lạnh là mối nguy hàng đầu với người cao tuổi có tiền sử tăng huyết áp, nguy cơ dẫn đến tai biến, đột quỵ, tử vong, nếu không xử trí kịp thời.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hằng, Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Hữu nghị) lưu ý, sau mỗi đợt lạnh, chắc chắn lượng bệnh nhân đến khám sẽ tăng cao. Khi thời tiết chuyển rét, một số người có sức đề kháng kém có thể bị viêm phế quản, viêm phổi… Với những người có bệnh nền phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiệt độ giảm đột ngột còn gây co thắt thanh quản, tạo ra các đợt cấp tính nguy hiểm.

PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai), nói rằng, do thiếu hiểu biết, nên nhiều gia đình đã không đưa bệnh nhân đột quỵ đi cấp cứu mà để ở nhà và dùng các thuốc không rõ nguồn gốc, hoặc sử dụng phương pháp truyền miệng không đúng, vài ngày sau mới đưa đi cấp cứu thì đã muộn.

Không chỉ vậy, có người còn cho bệnh nhân đột quỵ ăn uống, nhét thuốc vào miệng khiến họ sặc, khi đến cấp cứu thường có tình trạng suy hô hấp do viêm phổi, thậm chí có trường hợp đã ngừng tim trước khi đến bệnh viện. Do đó, khi thấy người có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, cần nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế chuyên sâu trong vòng ít nhất 4-5 giờ đầu, cùng lắm là trong 6 giờ đầu để được cấp cứu kịp thời.

Các bác sĩ lưu ý, khi trời lạnh cần giữ ấm, không ra ngoài trời lúc sáng sớm hoặc tối muộn. Nếu muốn tập thể dục có thể tập trong nhà vào thời gian muộn hơn. Ngoài ra, đi ngủ và thức dậy đúng giờ, tập thể dục, uống nhiều nước ấm vào sáng sớm lúc ngủ dậy, ăn đủ bữa trong ngày, nhất là bữa sáng.

Thêm vào đó, ăn nhiều rau xanh, hoa quả; sử dụng vừa phải lượng muối, mỡ trong món ăn, bỏ thuốc lá, hạn chế rượu, bia… Riêng với người bị tăng huyết áp, cần tuân thủ lối sống khoa học, kiểm soát tốt chỉ số huyết áp, để ngăn ngừa đột quỵ.

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *