Theo quy định tại Điều 112, Bộ Luật Lao động năm 2019, người lao động sẽ được nghỉ 1 ngày – Ngày chiến thắng (30/4) và 1 ngày – dịp Quốc tế lao động (1/5); ngày giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 1 ngày (ngày 10/3 âm lịch). Như vậy, tổng số ngày nghỉ cho cả 3 dịp lễ ở trên sẽ là 3 ngày.
Tuy nhiên, năm 2023, số ngày nghỉ sẽ được tăng lên thành 5 ngày liên tục do các ngày lễ và ngày nghỉ hàng tuần sát nhau.
Cụ thể, ngày giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 Âm lịch) là ngày 29/4 dương lịch, tiếp đó là ngày nghỉ lễ 30/4 – 1/5.
Do ngày giỗ Tổ Hùng Vương trùng vào thứ 7, nên người lao động được nghỉ bù vào ngày đi làm tiếp theo – tức ngày 2/5. Trong khi đó, ngày 30/4 trùng với ngày Chủ nhật nên người lao động được nghỉ bù tiếp ngày 3/5.
Như vậy, năm nay, người lao động sẽ được nghỉ liên tục 5 ngày từ 29/4 đến hết ngày 3/5 vào dịp giỗ Tổ Hùng Vương, lễ Chiến thắng 30/4, ngày Quốc tế lao động.
Doanh nghiệp có phải thưởng cho người lao động dịp 30/4 và 1/5?
Theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó.
Với quy định này, việc có thưởng cho người lao động hay không sẽ được xác định dựa trên kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người đó. Điều này được quyết định bởi người sử dụng lao động.
Do đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn thưởng hoặc không thưởng cho người lao động nhân dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Tuy nhiên, nếu quy chế thưởng của doanh nghiệp hoặc trong các thỏa thuận khác với người lao động có ghi nhận về việc thưởng tiền hoặc hiện vật vào dịp lễ 30/4 và 01/5 thì doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng cam kết.
Tiền thưởng dịp 30/4 và 1/5 năm nay là bao nhiêu?
Theo Điều 104 Bộ luật Lao động năm 2019, việc thưởng cho người lao động dịp 30/4 và 01/5 do người sử dụng lao động quyết định. Ngay cả khi doanh nghiệp lựa chọn thưởng cho người lao động dịp lễ 30/4 và 1/5 thì họ cũng được chủ động về mức thưởng và hình thức thưởng.
Các quy định hiện hành cũng không giới hạn mức thưởng dịp lễ 30/4 và 1/5. Do đó, khoản tiền thưởng dịp 30/4 và 01/5 sẽ không có mức cố định. Tùy vào nguồn tài chính của doanh nghiệp mà người sử dụng lao động có thể thưởng nhiều tiền hoặc thưởng ít tiền cho người lao động.
Nếu doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lợi nhuận cao thì người lao động sẽ được thưởng cao. Ngược lại, nếu tình hình tài chính khó khăn, nguồn tài chính hạn hẹp, doanh nghiệp sẽ chỉ thưởng ở mức thấp.
Thậm chí, thay vì thưởng tiền cho người lao động, doanh nghiệp còn có thể chuyển sang thưởng bằng hiện vật hoặc các hình thức khác nhân dịp lễ 30/4 và 1/5. Đây là việc pháp luật hoàn toàn cho phép.
Cũng theo khoản 1 Điều 104 Bộ luật Lao động 2019, ngoài việc thưởng tiền cho người lao động, người sử dụng lao động có thể thưởng bằng một hoặc kết hợp một số cách thức thưởng sau đây:
– Thưởng dịp 30/4 và 1/5 bằng tài sản: Giá trị tài sản thưởng sẽ phụ thuộc vào tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể thưởng cho nhân viên các sản phẩm do chính doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh hoặc các sản phẩn được cung cấp bởi đối tác hoặc các doanh nghiệp khác.
Ví dụ, thưởng phương tiện xe máy, xe điện, xe đạp, … hoặc đồ gia dụng thiết yếu như nồi cơm điện, tủ lạnh, TV, máy giặt, bộ xoong chảo, nồi chiên không dầu, máy say sinh tố,…
– Thưởng Tết bằng các hình thức khác như voucher giảm giá mua hàng tại siêu thị, các gói spa, chăm sóc sức khỏe, các chuyến du lịch, hoặc tặng vé máy bay, vé tàu về quê…
Nguồn:https://cafebiz.vn/