Bà Ngọc Vân kể: “Sau khi tốt nghiệp Khoa Lịch sử Trường Đại học Tổng hợp thành phố Krasnodar, Liên Xô (1981-1987), tôi về nước trải qua ba năm làm việc tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam – TP.HCM (trong khuôn viên Thảo Cầm Viên). Năm 1991, tôi bắt đầu làm việc tại Nhà trưng bày tội ác chiến tranh xâm lược – tiền thân của Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Từ một nhân viên phụ trách nghiên cứu, rồi Phó trưởng phòng, Trưởng phòng nghiệp vụ, Phó giám đốc và Giám đốc Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, tôi vẫn luôn tác nghiệp như một cán bộ nghiệp vụ, “lăn lộn” ở tất cả các khâu: sưu tầm, bảo quản, trưng bày, kiểm kê, chính sách công chúng, đặc biệt là nghiên cứu.
Thế nhưng, bấy nhiêu vẫn chưa đủ. Làm bảo tàng đòi hỏi kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm nhiều hơn mình tưởng. Vì thế, để làm tốt công việc, ngoài những kiến thức từ sử học đến Nga văn học được ở Liên Xô, tôi phải học thêm rất nhiều môn học khác như Anh văn, chính trị, bảo tàng học, lễ tân ngoại giao, điều hành văn phòng…
Gần 30 năm làm bảo tàng, với tôi không chỉ làm nghề mà đã trở thành nghiệp. Tôi đã dành rất nhiều thời gian, tâm huyết suy nghĩ để tìm kiếm, học hỏi và thể nghiệm, làm sao bảo tàng luôn thu hút đông khách. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để mỗi lần đến bảo tàng, người xem hiểu được, chuyển biến được một điều về chiến tranh và hòa bình. Tôi đã thức trắng nhiều đêm để tìm cách truyền đạt, chuyển tải khát vọng của bảo tàng đến với công chúng”.
* Được trang web du lịch quốc tế Tripadvisor bình chọn vào Top 25 bảo tàng hấp dẫn nhất châu Á, Top 25 bảo tàng đẹp nhất thế giới, để có thành công ấy với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh, chắc không dễ?
– Để có được sự bình chọn này, ngoài việc sáng tạo, kế thừa kinh nghiệm qua nhiều thế hệ đã thể nghiệm, sáng tạo không ngừng, chúng tôi cũng phải phấn đấu từng ngày, từng giờ. Chăm chút thổi hồn cho từng nội dung trưng bày, làm thế nào để chuyên đề về chiến tranh đều được tái hiện một cách trung thực, hấp dẫn, gây xúc động. Ngoài ra, chúng tôi cũng học hỏi ở các bảo tàng trong và ngoài nước cách tổ chức nhiều hoạt động tương tác để thu hút du khách quốc tế và giới trẻ, tạo cho Bảo tàng Chứng tích chiến tranh sức sống mới nhưng không xa rời lịch sử.
Ở một nơi tưởng chừng không liên quan đến chuyện nấu nướng, ăn uống, vậy mà chúng tôi đã tổ chức những buổi giao lưu “Ẩm thực thời kháng chiến”, giới thiệu những món ăn Việt Nam đã gắn liền với một thời đạn bom: cơm nắm, khoai lang, khoai mì, bánh tét… Du khách và các bạn trẻ đã lắng nghe những câu chuyện xúc động gắn liền với mỗi món ăn thời chiến tranh giữ nước. Nhiều du khách tỏ ra ngạc nhiên, chia sẻ: “Tôi cứ tưởng trong chiến tranh người Việt Nam được viện trợ đồ hộp từ Liên Xô, Trung Quốc. Ai ngờ những món “ăn nhanh” của các bạn thật là độc đáo và lành mạnh! Lại được gói bằng lá, rất thân thiện với môi trường!”.
* Ít ai nghĩ, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh cũng là một đơn vị phải “độc lập kinh doanh”. Với một lĩnh vực đặc thù như bảo tàng, việc tìm lợi nhuận chắc là khó khăn lắm, phải không thưa bà?
– Khi thực hiện nghiệp vụ bảo tàng, đặc biệt là trưng bày, kể chuyện về tội ác, hậu quả của chiến tranh phi nghĩa ở Việt Nam, tôi không đặt ra mục tiêu kinh doanh mà chỉ mong muốn khách tham quan hiểu được, nhận thức được hậu quả của chiến tranh và góp sức ngăn chặn chiến tranh, gìn giữ hòa bình.
Mong muốn là vậy nhưng để khách chịu đến và thích đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh là vấn đề rất khó, phải không ngừng học hỏi, thử thách mới làm được. Ở các nước, nhiều bảo tàng kinh doanh rất thành công, vừa tăng nguồn thu, vừa góp phần thu hút khách. Bài học đó đã giúp tôi mạnh dạn đưa ra những dịch vụ như tổ chức trưng bày theo chủ đề, triển lãm ngắn ngày, triển lãm lưu động, giao lưu với nhân chứng chiến tranh… Bên cạnh nguồn thu từ vé là chính, nguồn thu từ các dịch vụ ăn uống, bán văn hóa phẩm, quà lưu niệm cũng mang đến cho bảo tàng số tiền ổn định. Với hơn một triệu khách mỗi năm, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh luôn dẫn đầu ngành du lịch TP.HCM về số lượng khách tham quan, và hiện là một trong những đơn vị dẫn đầu trong nước.
* Tôi vẫn nhớ, thời điểm bảo tàng chuyển từ đơn vị hành chính sự nghiệp tự chủ tài chính một phần sang tự chủ hoàn toàn, hình như bà cũng có chút nản lòng…
– Được giao cơ chế tự chủ tài chính một cách đột ngột, thiếu thời gian chuẩn bị về con người, tôi có phần băn khoăn, lo lắng chứ không nản lòng. Thực tế, đời sống anh em viên chức của bảo tàng đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong năm đầu tiên. Nhưng ngay sau đó, chúng tôi đã quyết tâm tìm kiếm nguồn thu nhập hợp pháp từ các dịch vụ trưng bày, làm ấn phẩm, bán đồ lưu niệm, nên chỉ một năm sau đã bù đắp phần ngân sách ngưng cấp, tăng tổng thu sự nghiệp. Điều đó giúp tôi nhận ra, khi dựa vào ngân sách nhà nước để hoạt động, các bảo tàng có thể chưa thực sự năng động tìm cách thu hút khách. Khi không còn chỗ để dựa thì sự tự chủ, năng động sẽ mở ra nhiều cánh cửa và cách làm mới, vì thế bảo tàng sẽ tăng lượng khách, đồng nghĩa với tăng doanh thu.
Song kinh doanh bảo tàng không bao giờ là chuyện dễ dàng, nó càng khó hơn vì hàng loạt “nút thắt”, như cơ sở pháp lý còn chồng chéo, nhu cầu của khách tham quan thường cao hơn nhu cầu của du khách bình thường, việc liên kết giữa lữ hành – điểm đến – ẩm thực – nhà sản xuất quà lưu niệm còn lỏng lẻo khiến cho việc phục vụ khách đến bảo tàng nhiều lúc chưa được hoàn hảo…
Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh là bảo tàng chuyên đề nghiên cứu, sưu tầm, lưu trữ, bảo quản và trưng bày những tư liệu, hình ảnh, hiện vật về những chứng tích và hậu quả của các cuộc chiến tranh mà các thế lực xâm lược đã gây ra đối với Việt Nam, do đó chúng tôi còn phải vượt qua những thử thách về quan điểm chính trị khác biệt giữa Việt Nam và một số nước khi nói về tội ác chiến tranh. Nhưng không vì vậy mà tôi nản lòng, thậm chí còn muốn gắn bó nhiều hơn, muốn góp công sức vào việc gìn giữ và thuyết phục khách tham quan về sự thật của cuộc chiến. “Cũng phải có ai đó làm công việc này cho hôm nay và mai sau”, tôi luôn thầm nhủ để động viên mình. Những lúc va chạm với cơ chế, với con người, tôi cũng buồn, cũng thấy đơn độc, hoang mang. Nhưng khi đến với các cựu chiến binh, cựu tù chính trị, các cháu khuyết tật – nạn nhân chất độc da cam vốn là những người thiệt thòi nhất bởi cuộc chiến tranh, tôi cảm nhận được ở họ sự yêu mến, tin cậy và cần sự quan tâm của mình.
* Có dịp đi các nước kể chuyện chiến tranh và khắc phục hậu quả chiến tranh ở Việt Nam cho bạn bè quốc tế, có chuyện nào bà có thể kể lại…
– Năm 2014, tôi được mời dự lễ khai mạc triển lãm ảnh tư liệu về chiến tranh Việt Nam của phóng viên chiến trường kỳ cựu người Nhật Ishikawa Bunyo. Khi đến Okinawa, một thanh niên Nhật Bản mang cờ đỏ sao vàng đã làm “nóng” bầu không khí với câu hỏi về Biển Đông. Anh ta hỏi: “Vì sao không ai nói đến việc Trung Quốc đang tấn công Việt Nam trên Biển Đông? Vì sao Chính phủ Nhật Bản còn chưa làm gì để giúp Việt Nam?”. Tôi trả lời: “Trong mối quan hệ với Trung Quốc, Việt Nam đang và sẽ làm hết sức để gìn giữ hòa bình. Nhưng trong tình huống xấu nhất thì Việt Nam vẫn còn đó kinh nghiệm của hàng nghìn năm bảo vệ Tổ quốc. Chỉ mong các bạn ủng hộ chúng tôi…”. Nghe xong, rất nhiều người vỗ tay. Còn anh thanh niên kia thì chạy lên sân khấu, ôm lấy tôi, nói rằng mình yêu quý Việt Nam, lo lắng cho Việt Nam.
Rời Nhật Bản, trong tôi cứ có cảm giác lạ lùng. Lạ lùng là bởi tôi đi kể về một cuộc chiến tranh, về việc khắc phục hậu quả đau thương do chiến tranh, để lại nghe bao lo âu về xung đột mới đang có mầm mống của chiến tranh. Và bên tai tôi vẫn còn lời nói của anh thanh niên, của ông Hida Harumitsu – Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TP.HCM (đã nghỉ hưu tháng 3/2014) rằng: “Việt Nam nên hết sức bình tĩnh, cố gắng đấu tranh bằng luật pháp, cố gắng tranh thủ sự ủng hộ của các nước ASEAN, Nhật Bản và Mỹ về vấn đề Biển Đông. Tôi lo lắng cho Việt Nam nhiều lắm! Chiến tranh thì nhân dân Việt Nam khổ lắm!”. Tôi rất cảm động, thấy rằng chúng ta không cô đơn.
* Cùng là kinh doanh, nhưng Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và Bảo tàng Áo dài không giống nhau, có nghĩa bà lại phải đương đầu với thử thách mới?
– Hoàn thành nhiệm vụ công chức nhà nước, năm 2017, tôi nghỉ hưu và về Bảo tàng Áo dài. Trước đó, năm 2013, tôi đã giúp họa sĩ – nhà thiết kế Sĩ Hoàng lập đề cương, xây dựng cách trưng bày, huấn luyện đội ngũ nhân viên để thành lập Bảo tàng Áo dài. Tôi yêu áo dài và thực sự vui mừng khi TP.HCM có Bảo tàng Áo dài. So với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh thì Bảo tàng Áo dài gặp rất nhiều khó khăn vì là bảo tàng ngoài công lập, chuyên đề sâu, khiến cho khách nhầm tưởng là bảo tàng về trang phục phụ nữ, vị trí lại quá xa trung tâm TP.HCM, điều kiện đi lại hạn chế, đội ngũ nhân viên còn ít, chưa đào tạo đúng chuyên ngành. Tuy nhiên, được sự đồng tình và ủng hộ của Công ty Dấu Ấn (The Signature) tôi đã từng bước điều chỉnh, nâng cấp các mặt hoạt động của bảo tàng, tăng lượng khách và doanh thu lên khoảng 200%, kể cả trong đại dịch Covid-19. Bảo tàng đã được biết đến như một điểm du lịch văn hóa – sinh thái của TP.HCM, nơi khách tham quan có thể mặc áo dài chụp ảnh, tìm hiểu về lịch sử áo dài, xem trình diễn dân ca, học thắt lá dừa, làm bánh…
Với tôi, gìn giữ hòa bình hay gìn giữ di sản văn hóa đều là bổn phận và nhiệm vụ nên luôn cố gắng thực hiện một cách nghiêm túc, hiệu quả, sáng tạo nhất có thể. Khi bảo tàng đứng vững trong lòng công chúng cũng là lúc kinh doanh bảo tàng thành công.
* Tôi rất muốn nghe chuyện hàn gắn sau chiến tranh thông qua hoạt động của Bảo tàng Chứng tích chiến trang mà bà đã cảm nhận…
– Trong chương trình “Trái tim người lính” – đưa một đoàn du khách gồm các cựu chiến binh Mỹ và thân nhân của họ đến tham quan và ăn tối tại Bảo tàng Áo dài, chúng tôi “thể nghiệm” dạy họ gói bánh ít. Họ là những cựu chiến binh đang phải chịu đựng PTSD – hội chứng trầm cảm sau sang chấn chiến tranh Việt Nam nên có tâm lý nặng nề, vui buồn thất thường. Vậy mà khi được những cựu chiến binh, cựu tù chính trị vốn dĩ là những người nông dân chân chất ở ngoại ô Sài Gòn dạy gói bánh ít, họ vô cùng ngạc nhiên, thích thú. Hình ảnh bàn tay của những “kẻ thù cũ” giờ cùng nâng niu cái bánh bé nhỏ, xanh mướt màu lá, thận trọng đặt vào trong xửng hấp là vô cùng có ý nghĩa! Ánh mắt của họ cùng hướng vào bếp lửa, hồi hộp chờ bánh chín khiến ai cũng mủi lòng. Chiến tranh đã qua lâu rồi, bây giờ họ đã là bạn bè, đang ngồi bên nhau chờ cùng ăn bánh. Những cựu chiến binh Mỹ đã hơn 40 năm vật vã với bệnh tật, ác mộng, ám ảnh, hối hận giờ đã khóc, đã cười và khoe với tôi: “Chưa có ngày nào đáng nhớ như vậy!”. Cả với những nông dân đến giúp Bảo tàng Áo dài đón tiếp khách, dạy khách làm bánh ít thì buổi gặp gỡ chiều hôm ấy trở thành một kỷ niệm khó phai. Nhưng với tôi, tình cảm và hạnh phúc còn lớn hơn, bởi chỉ qua một buổi học làm bánh Bảo tàng Áo dài tổ chức mà các cựu đối thủ đã trở thành bạn bè.
* Quan điểm của bà về chiếc áo dài Việt Nam, nhất là khi hiện nay áo dài đã được cách tân?
– Áo dài cần được chính thức công nhận là quốc phục của Việt Nam cho cả nam lẫn nữ công dân, bằng văn bản. Điều này sẽ giúp mọi người xác định được những thành phần căn bản, cốt lõi của áo dài. Bên cạnh đó, áo dài đã trải qua rất nhiều đổi thay trong lịch sử và vẫn tiếp tục thay đổi cho phù hợp với nhu cầu, thị hiếu, thẩm mỹ của người sử dụng trong từng thời kỳ. Những ý tưởng sáng tạo, cách tân làm cho áo dài đẹp hơn, tiện dụng hơn mà không đi ngược lại với những giá trị truyền thống của dân tộc vẫn được khuyến khích để áo dài tiếp tục sống và tỏa sáng.
* Có một thời trên mạng nổi lên thông tin áo dài Việt Nam xuất xứ từ Trung Quốc, lúc đó trách nhiệm của Bảo tàng Áo dài như thế nào, thưa bà?
– Các dân tộc sống và giao lưu văn hóa với nhau hàng nghìn năm trong lịch sử. Điều này có thể tìm thấy trong kiến trúc, điêu khắc, tập quán, ẩm thực… thì cũng có thể tìm thấy trong văn hóa mặc. Lịch sử hình thành của áo dài đã và đang được các nhà nghiên cứu tìm hiểu và công bố trên các phương tiện đáng tin cậy, trong các ấn phẩm có giá trị. Bảo tàng Áo Dài cũng đã tổ chức nhiều tọa đàm, hội thảo khoa học, hợp tác xuất bản ấn phẩm về vấn đề này để công chúng hiểu hơn.
* Bảo tàng là nơi giúp nhớ về lịch sử, văn hóa, biết thêm về lịch sử, văn hóa dân tộc, nhưng có vẻ nhiều bạn trẻ bây giờ lại không mặn mà với loại hình này. Bà có cảm thấy buồn và trăn trở về điều đó?
– Khá đông người trẻ đã đến Bảo tàng Chứng tích chiến tranh và hiện nay cũng là lượng khách chiếm tỷ lệ cao nhất của Bảo tàng Áo dài. Cho nên tôi không nghĩ là lớp trẻ “không mặn mà với bảo tàng”. Nhiệm vụ của bảo tàng là có “món ăn tinh thần” gì – nội dung và hình thức gì – phù hợp với nhu cầu, sở thích, nguyện vọng của giới trẻ, giúp họ nhận ra rằng bảo tàng là của mình, vì mình mà tồn tại. Các bạn sinh viên thực tập, tình nguyện viên đều gắn bó với Bảo tàng Chứng tích chiến tranh hay Bảo tàng Áo dài. Mỗi khi bảo tàng tổ chức sự kiện hướng đến công chúng, tôi luôn tạo điều kiện cho lớp trẻ được tham gia, được trải nghiệm, tạo ra những cảm xúc khó phai, những chuyển biến tích cực trong lòng họ. Tôi đã nhiều lần đưa các cuộc triển lãm lưu động phục vụ thanh niên cai nghiện ma túy ở các trung tâm Phú Văn, Đức Hạnh, Nhị Xuân. Các bạn trẻ lầm lỡ, một thời “bất hảo” đã rất xúc động khi tiếp cận với các nội dung về chất độc da cam, về tình yêu trong chiến tranh…
* Bà đã truyền cho các con của mình nguồn cảm hứng về văn hóa, lịch sử Việt Nam như thế nào, cũng như giáo dục các con gìn giữ giá trị này? Các con của bà có tự hào về nghề của mẹ?
– Các con tôi đồng hành cùng mẹ từ khi còn rất nhỏ: thăm hỏi cựu tù, nạn nhân chất độc da cam, triển lãm lưu động, hội chợ du lịch, hội thảo quốc tế… Các cháu học hỏi được rất nhiều từ công việc của mẹ ở Bảo tàng Chứng tích chiến tranh. Các cháu đều du học nhưng vẫn giỏi tiếng Việt, tìm hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam. Tôi không áp đặt ảnh hưởng, tham vọng của mình đối với con cái. Các cháu tự do lựa chọn ngành học, tương lai của mình, con đường mình đi. Tôi thường hướng dẫn, rèn luyện cho nhân viên trẻ ở bảo tàng để các em trưởng thành, giỏi giang, vững vàng để kế thừa sự nghiệp làm bảo tàng…
* Cảm ơn bà về buổi trò chuyện thú vị này!