Dưới đây là bản dịch bài viết của Dylan Nguyen trên Forbes.
Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam đã có sự phát triển ấn tượng trong những năm gần đây, với sự góp mặt của các nghệ sĩ, nhà sáng tạo và chuyên gia tài năng.
Game show truyền hình nổi tiếng The Masked Singer Vietnam vượt mốc 230 triệu lượt xem trong hai tháng và bộ phim bom tấn The House of No Man thu về gần 19,6 triệu USD (460 tỷ đồng) sau chưa đầy một tháng.
Nghệ sĩ Sơn Tùng M-TP, người mà tôi từng tư vấn cho CEO của anh này, đã thu hút hàng triệu người theo dõi và hàng tỷ lượt xem chỉ riêng trên YouTube.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn chưa tạo được dấu ấn đáng kể trên sân khấu giải trí toàn cầu, điều vẫn còn là giấc mơ xa vời với nhiều người.
Là một người có hơn 25 năm kinh nghiệm trong cả ngành công nghiệp giải trí Hoa Kỳ và Việt Nam với tư cách là một nghệ sĩ, giáo sư và nhà điều hành kinh doanh, tôi tin rằng nền giải trí Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Nhưng đưa ngành giải trí nước nhà ra thị trường toàn cầu cần một cách tiếp cận đa diện.
Hiện đại hóa ngành công nghiệp thông qua tài nguyên giáo dục
Ngành giải trí Việt Nam đứng trước thách thức về giáo dục và đào tạo chuyên biệt. Hệ thống đại học hiện nay ở Việt Nam thiếu các chương trình liên quan đến ngành giải trí, đặc biệt là các chương trình tập trung vào các chuyên ngành thiết yếu như kinh doanh giải trí, luật giải trí, công nghệ âm thanh, công nghệ giải trí, nghệ thuật biểu diễn hiện đại… Tình trạng này có thể ảnh hưởng đến sự tăng trưởng ngành.
Ngoài ra, đầu tư vào giáo dục và đào tạo những cá nhân đam mê ngành giải trí sẽ tạo ra một lực lượng lao động có tay nghề cao, có thể tận dụng các công nghệ và thiết bị tiên tiến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao. Điều này có khả năng thu hút tài năng mới và khuyến khích các công ty giải trí nước ngoài hợp tác với các nhà sản xuất và nghệ sĩ giải trí Việt Nam.
Tiếp xúc với khán giả quốc tế
Một khía cạnh quan trọng khác của việc toàn cầu hóa ngành giải trí Việt Nam là thu hút khán giả quốc tế bằng cách tạo ra nội dung phù hợp và gây được tiếng vang với họ. Điều này có thể liên quan đến việc tạo các phiên bản bản địa hóa của các chương trình hoặc phim nổi tiếng hoặc phát triển nội dung gốc thu hút khán giả toàn cầu.
Một ví dụ là cuộc thi ca hát vô cùng nổi tiếng American Idol . Tại Việt Nam, chương trình này có tên Vietnam Idol và có sức ảnh hưởng không chỉ trong nước mà còn lan ra toàn cầu.
Để tiếp cận nhiều khán giả hơn, các công ty giải trí Việt Nam cần thiết lập một mạng lưới phân phối mạnh mẽ, bằng cách phát triển quan hệ đối tác với các nhà phân phối và nền tảng phát trực tuyến quốc tế. Việc hợp tác với các nghệ sĩ quốc tế, hãng phim và thương hiệu toàn cầu cũng có thể giúp ngành quảng bá và tiếp cận các thị trường mới.
Ví dụ, một nhóm những người tiên phong trong ngành công nghiệp âm nhạc mà tôi cố vấn đã hợp tác với các nghệ sĩ EDM nổi tiếng thế giới. Ngoài ra, Sơn Tùng M-TP từng gây chú ý khi hợp tác cùng Snoop Dogg trong ca khúc Hãy trao cho anh năm 2019.
Tập trung vào đổi mới
Đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và phát triển là rất quan trọng đối với sự phát triển và bền vững của ngành giải trí Việt Nam. Chính phủ Việt Nam có thể khuyến khích sử dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất âm nhạc bằng cách hỗ trợ thuế nhập khẩu cho các thiết bị giải trí chuyên dụng. Điều này sẽ giúp giảm chi phí mua thiết bị chất lượng cao và khuyến khích các công ty sản xuất đầu tư vào công nghệ tiên tiến.
Bằng cách liên tục cải tiến và đổi mới, ngành công nghiệp này có thể duy trì tính cạnh tranh và phù hợp trong bối cảnh giải trí toàn cầu luôn thay đổi.
Hợp tác giữa Chính phủ và tư nhân
Sự hợp tác giữa ngành công nghiệp giải trí, chính phủ và khu vực tư nhân Việt Nam sẽ thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa. Chính phủ có thể thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ đối tác và thúc đẩy bản sắc văn hóa. Trong khi đó, khu vực tư nhân có thể tạo ra các sản phẩm chất lượng cao và các mô hình kinh doanh mới.
Ngành công nghiệp giải trí có thể giới thiệu sản phẩm, thay đổi thói quen người tiêu dùng và mở ra thị trường mới. Nếu Chính phủ Việt Nam cung cấp một môi trường pháp lý thuận lợi cho các hoạt động văn hóa và giải trí, và khu vực tư nhân tập trung nỗ lực vào việc mang lại các tài trợ thương hiệu, thì giải trí có thể phát triển hơn nữa. Điều này có thể dẫn đến sự tăng trưởng nhanh chóng trên thị trường toàn cầu, mang lại lợi ích cho nền kinh tế và trao đổi văn hóa của đất nước.
Ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc nổi bật như một ví dụ về sự hợp tác thành công giữa chính phủ và khu vực tư nhân. Chính phủ Hàn Quốc đã có những khoản đầu tư đáng chú ý để thúc đẩy sự phát triển của K-pop, chẳng hạn như thành lập Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc, hỗ trợ tài chính cho các nghệ sĩ và doanh nghiệp K-pop. Hơn nữa, các công ty giải trí nổi tiếng, chẳng hạn như JYP Entertainment và HYBE, thiết lập quan hệ đối tác với các công ty toàn cầu để quảng bá K-pop trên bình diện quốc tế.
Vươn ra sân khấu toàn cầu
Ngành công nghiệp giải trí Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển và lớn mạnh. Để đưa ngành ra thị trường toàn cầu và quảng bá bản sắc văn hóa độc đáo của đất nước ra thế giới, ngành cần tập trung vào đổi mới và hợp tác. Bằng cách tiếp cận đa chiều và tập trung vào việc tạo nội dung chất lượng cao, phù hợp với văn hóa, ngành này có thể xây dựng sự hiện diện mạnh mẽ trên trường toàn cầu.