Chị Ngọc Mai (35 tuổi) ngụ tại TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh cho biết: “Từ sau dịch COVID-19 đến nay, tôi lười đi chợ hay siêu thị hẳn. Bây giờ đi làm về, tôi chỉ muốn ở nhà làm mau cho hết việc rồi nghỉ ngơi vì cảm giác sức khỏe của mình không còn dẻo dai như trước. Do đó, hầu hết chuyện bếp núc hay đi chợ hàng ngày tôi đều dùng điện thoại để vào các trang Tiki, ShopeeFood, Grab… đặt đồ ăn. Từ đồ ăn sẵn, thực phẩm khô đến rau, củ quả hay thực phẩm tươi sống như cá, thịt, hải sản… đều có thể mua một cách nhanh chóng và tươi ngon, không phải đi đâu mà nhận hàng cũng nhanh chóng”.
Theo chị Ngọc Mai, do phải làm ở Quận 3, công việc bận rộn từ sáng sớm đến chiều tối mới về nhà nên việc cơm nước, nhà cửa lo cho gia đình toàn sau 6 giờ tối. Đôi lúc vội vàng đón con từ trường về, sau đó đi chợ và “lao” vào bếp núc, dọn dẹp nhà cửa khiến chị mệt mỏi. Thường vào cuối tuần, chị Mai sẽ đi chợ cho gần cả tuần, chiều tối chỉ mua rau củ cho tươi ngon để nấu ăn tối cho cả gia đình. Tuy nhiên, từ khi đi chợ online, thời gian đi chợ mỗi ngày của chị cũng thoải mái hơn, không bị lệ thuộc vào chợ chiều và bữa ăn cũng phong phú.
Trường hợp của chị Ngọc Mai không phải là số ít, hiện nay, việc đi chợ online ngày càng được nhiều người lựa chọn bởi tính tiện dụng và hiệu quả. Báo cáo từ Deloitte năm 2022 cho thấy, bách hóa trực tuyến là ngành duy nhất duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định kể từ khi xuất hiện dịch COVID-19 tại Việt Nam. Theo đó, có hơn 50% người tiêu dùng giảm tần suất đến siêu thị, chợ truyền thống và thay đổi sang hình thức mua sắm trực tuyến. Đáng chú ý, các hệ thống siêu thị, nhà bán lẻ cũng phát triển kênh mua sắm trực tuyến qua ứng dụng, website, trang thương mại điện tử…
Có thể thấy, chỉ cần chiếc điện thoại thông minh, người tiêu dùng có thể tải các ứng dụng mua sắm là có thể đi chợ bất cứ lúc nào, nơi đâu như Grab, Tiki, Lazada, ShopeeFood, Beamin, Gojeck, Sendo, Vinmart, Bách Hóa Xanh… Không chỉ thế, các trang thương mại điện tử (TMĐT) như Tiki, ShopeeFood, Sendo hay Grab, Gojeck… còn có riêng phần đi chợ hộ, trong đó liên kết với nhiều nhà bán hàng, nhãn hàng, thậm chí cả các siêu thị có thương hiệu như Lotte, Co.op Mart, Bách Hóa Xanh, BigC, 7-Eleven, GS25, MiniStop, Fammer’s Market, Nestle, Grove Fresh… Qua đó, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sản phẩm, thực phẩm yêu thích bất cứ nơi đâu mà không cần đến cửa hàng, siêu thị hay trung tâm thương mại trực tiếp.
Báo cáo gần nhất của Google về thị trường Việt Nam ghi nhận, lượng tìm kiếm từ khóa “mua online” tăng hơn 42%. Mỗi tuần, một người sử dụng trung bình 22 ứng dụng smartphone, bao gồm app mạng xã hội, game, app xem phim/video, mua sắm, giao đồ ăn… Các chỉ số đã cho thấy, xu hướng hành vi người dùng đang sử dụng các kênh kỹ thuật số như một kênh hữu ích để ra quyết định mua sắm. Dự báo, xu hướng này sẽ phát triển mạnh mẽ hơn và phủ rộng ở nhiều khu vực hơn.
Theo thống kê năm 2022 của Grab, đã có hơn 7.000 người dùng tại Việt Nam dùng dịch vụ giao đồ ăn. So với năm 2020, người dùng đặt hàng GrabMart thường xuyên hơn gấp 1,5 lần; giá trị chi tiêu cũng cao hơn, với giá trị trung bình đơn hàng GrabMart tăng 140%. Đáng chú ý, gia đình trẻ đi chợ online nhiều nhất: 76% người dùng đã kết hôn và có con đi chợ online nhiều gấp 14 lần mỗi tháng.
Tương tự, theo ghi nhận của TMĐT Shopee, nhu cầu đi chợ online để mua sắm các thực phẩm tươi sống của người dùng ShopeeFood có sự gia tăng và thường xuyên hơn so với các năm trước. Các mặt hàng thường xuyên được lựa chọn mua về trong ngày chủ yếu là thịt, cá, trứng, sữa, trái cây, rau củ quả, nhu yếu phẩm…
Chợ online “lấn sân” chợ truyền thống, siêu thị
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, mua sắm trực tuyến đã trở thành thói quen được người tiêu dùng lựa chọn, thúc đẩy các hộ kinh doanh, doanh nghiệp mở kênh bán hàng trên các sàn TMĐT, ngay cả các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, đồ tươi sống…
Để được kết quả này, các sàn TMĐT đã thu hút người dùng nhờ giá cả ngày càng hợp lý, giao hàng nhanh, hàng hoá đa dạng và tươi ngon. Bên cạnh đó, các chương trình giảm giá, khuyến mãi, tích điểm, tích voucher để giảm giá cho lần mua tiếp theo cũng là một trong những nguyên nhân khiến người mua quay trở lại đi chợ online thường xuyên. Những yếu tố này đã loại bỏ rào cản tâm lý trước đây của người tiêu dùng là phải đến siêu thị để trực tiếp xem các mặt hàng thực phẩm, hàng tươi sống như rau củ quả, trái cây, tôm cá…
Tuy nhiên, bên cạnh xu hướng đi chợ online tăng dần theo từng năm thì sức mua tại chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại cũng giảm dần. Ghi nhận của phóng viên Báo Tin tức tại một số chợ truyền thống như chợ Thị Nghè, chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), chợ Tân Định, chợ Bến Thành (Quận 1)… sức mua không còn như thời điểm trước khi có dịch bệnh.
Chị Lê Huyền Trang, tiểu thương bán quần áo tại chợ Bà Chiểu cho biết, hiện nay, mỗi ngày chỉ có vài khách ghé mua hàng nên trung bình một ngày, chị chỉ bán được vài bộ quần áo. So với thời gian chưa có dịch bệnh, cửa hàng của chị Trang có thể bán vài chục bộ quần áo, thậm chí vài trăm bộ quần áo trong một ngày.
Tương tự, hiện nay có gần 2.700 tiểu thương kinh doanh tại Trung tâm thương mại An Đông Plazza cũng đang trong tình cảnh buôn bán ế ẩm và luôn chờ khách mua hàng. Theo các tiểu thương tại An Đông Plazza, vào thời điểm trước dịch COVID-19 có hàng nghìn lượt khách ghé mua sắm/ngày. Tuy nhiên, từ sau đợt dịch, khách mua đã giảm mạnh và tới nay, số lượng chỉ khoảng 100 – 300 người/ngày. Khách giảm, kéo theo đó là doanh số các cửa hàng đều giảm 60 – 80% nên hiện trung tâm này chỉ còn khoảng 15 – 30% quầy sạp bán giày dép, áo quần, đồ lưu niệm.
Ông Lê Đình Hiếu, Trưởng phòng Kế hoạch – Tài chính – Tổng hợp của Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh thừa nhận, việc phát triển mạnh các ứng dụng đi chợ và sàn TMĐT đã khiến người tiêu dùng thay đổi hành vi mua sắm. Bên cạnh đó, tình hình kinh tế khó khăn cũng khiến người dân buộc phải thắt chặt chi tiêu hơn, ưu tiên tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu thay vì đầu tư cho những mặt hàng xa xỉ.
Tuy nhiên, theo các sàn TMĐT, dù sức mua theo cách đi chợ truyền thống có giảm nhưng với sự liên kết giữa các sàn TMĐT với các ngành hàng, siêu thị, cửa hàng đơn lẻ thì sức mua tiêu dùng vẫn không giảm. Đây chỉ là cách chuyển đổi hình thức đi chợ truyền thống sang online nhờ các sàn TMĐT có nền tảng phù hợp, tiếp cận được nhiều khách hàng, tối ưu được quy trình mua sắm của khách hàng…
Mặc dù vậy, để có thể giữ chân khách hàng lâu dài hay các cửa hàng liên kết bán trên sàn TMĐT, ứng dụng đi chợ online có thể bán được nông sản, thực phẩm tươi sống ổn định, cần phải đảm bảo chất lượng mặt hàng. Bên cạnh đó, đại diện các sàn TMĐT cho biết, các sàn cũng phải có kho lạnh, tổng kho bảo quản thực phẩm và bộ quy chuẩn đóng gói sản phẩm, phương tiện vận chuyển chuyên dụng… mới có thể duy trì xu hướng đi chợ online bền vững trong tương lai.
Nguồn:https://cafebiz.vn/