Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương

Sydney Steenland đã trở thành một gương mặt trẻ góp phần phá bỏ các rào cản và tạo ra sự thay đổi với ý tưởng độc đáo của mình. Câu chuyện của cô không chỉ khiến mọi người ngạc nhiên, mà còn là nguồn cảm hứng rất lớn.

Chia sẻ với truyền thông, Sydney Steenland cho biết, cô đã sống trên thuyền với gia đình kể từ khi còn là một đứa trẻ. Nguyên nhân ban đầu gia đình cô chuyển lên thuyền là vì họ gặp khó khăn về tài chính. Tuy nhiên, lối sống độc đáo này đã cho Sydney cơ hội được nhìn thấy rất nhiều nơi trên thế giới mà hầu hết trẻ em chỉ có thể mơ ước.

“Ở trên thuyền nên chúng tôi luôn có thể dễ dàng di chuyển đến nhiều nơi, tận mắt chứng kiến những địa điểm tuyệt vời, thiên nhiên tinh tế”, cô gái 16 hào hứng cho biết. “Tuy nhiên, tôi cũng thấy một số cảnh tượng khá kinh khủng, đó chính là rác thải nhựa đang có mặt ở khắp mọi nơi. Bất kể chúng tôi đi đâu, ở quốc gia nào, tình trạng tài chính của khu vực như thế nào, luôn có nhựa được vứt bừa bãi trong mọi môi trường”.

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 1.

Sydney Steenland và cha cô, Carlos Steenland, chụp ảnh cùng chiếc thuyền của họ ở Pahang, Malaysia. Ảnh: Wen Chen

Nỗi lo về 14 triệu tấn rác nhựa trên đại dương

Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, có ít nhất 14 triệu tấn nhựa bị thải ra đại dương trên thế giới mỗi năm. Các mảnh vụn nhựa là loại rác biển phổ biến nhất, chiếm 80% trong tổng số được thống kê trên toàn thế giới.

Chứng kiến mức độ ô nhiễm nhựa trên các đại dương trên thế giới, Sydney và gia đình quyết định thành lập một dự án doanh nghiệp xã hội “The Sea Monkey Project” để tái chế nhựa bỏ đi và biến chúng thành những món quà lưu niệm.

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 2.

Sydney Steenland và cha cô thu gom lưới đánh cá bỏ đi ở Malaysia. Ảnh: Wen Chen

Bắt đầu hành động

“Bạn có đang quan tâm tới các vấn đề thế giới, cho dù đó là nghèo đói, biến đổi khí hậu, ô nhiễm nhựa, hay bất cứ điều gì? Khi bạn muốn bắt đầu thay đổi điều gì đó, đừng chờ đợi người khác, chính bạn phải bắt đầu hành động. Đó có thể là bất cứ điều gì, không quan trọng lớn hay nhỏ như thế nào,” Sydney nói với tờ Scenes.

Với suy nghĩ như vậy, Sydney cùng gia đình đã thành lập The Sea Monkey Project khi cô mới 11 tuổi và đặt tên dự án theo tên con thuyền của gia đình họ.

“Cái tên ‘The Sea Monkeys’ bắt nguồn từ lúc tôi và anh trai còn rất nhỏ. Chúng tôi giống như những con khỉ nhỏ leo trèo trên thuyền, rong ruổi trên biển”, cô kể lại.

Tới thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành tái chế hơn 22.500 sản phẩm và đã tổ chức gần 10.000 hội thảo để nâng cao nhận thức.

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 3.

Gia đình Sydney tự tay tham gia tái chế rác thải nhựa. Ảnh: Wen Chen

Dự án tái chế nhựa được thực hiện bằng các thiết bị do chính gia đình chế tạo và phân phối.Họ tạo nên chiếc máy này nhờ các bản thiết kế mã nguồn mở của một nhà thiết kế công nghiệp người Hà Lan tên là Dave Hakkens. Sydney giải thích: “Chúng tôi đã tham khảo ý tưởng tuyệt vời của ông ấy để đưa vào thử nghiệm trong thiết bị của mình. Trải qua nhiều lần sai rồi lại sửa, cuối cùng mọi người đã tạo ra những chiếc máy của riêng mình.”

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 4.

The Sea Monkey Project tái chế rác thải nhựa và biến chúng thành những vật dụng hàng ngày. Ảnh: Wen Chen

Máy có ba phần riêng biệt; một máy hủy để phá vỡ các khối nhựa lớn thành các mảnh nhỏ hơn, một máy làm tan chảy các mảnh nhựa tạo ra nhựa nóng chảy và một kim phun để bơm nhựa nóng chảy vào các khuôn.

Cô nói: “Chúng tôi thường dành thời gian đi khắp nơi để thu gom rác thải nhựa bị vứt bừa bãi khắp nơi. Sau đó, chúng tôi sẽ biến nó thành những vật dụng mà mọi người có thể sử dụng trong cuộc sống hàng ngày, để đi học hoặc sử dụng trong nhà bếp của họ.”

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 5.

Sydney Steenland và cha cô thu thập rác thải dọc theo bờ biển Pahang, Malaysia. Ảnh: Wen Chen

Đến thời điểm hiện tại, gia đình của Sydney đã có tới 26 cơ sở rải rác khắp đất nước, trụ sở chính của dự án vẫn nằm tại Malaysia. Thế nhưng kể từ năm 2018, dự án cũng có tới 57 máy tái chế tại 15 quốc gia khác trên thế giới.

“Chúng tôi cung cấp cơ hội việc làm cho các cộng đồng bị thiệt thòi trên khắp thế giới, chẳng hạn như nhóm những người tị nạn, đồng thời cũng tổ chức các hội thảo giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của mọi người,” cha của Sydney, Carlos Steenland nói.

Cô gái trẻ tìm ra cách biến rác thành tiền từ nỗi lo 14 triệu tấn nhựa trên đại dương - Ảnh 6.

The Sea Monkey Project hợp tác với The Body Shop để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Ảnh: Wen Chen

Các buổi hội thảo luôn là trọng tâm không thể bỏ qua của The Sea Monkey Project. Bản thân Sydney đích thân thuyết trình trong nhiều buổi. “Tôi thường xuyên chia sẻ và giải thích về quy trình tái chế, đồng thời khuyến khích mọi người tự làm các sản phẩm tái chế bằng máy của chúng tôi,” cô nói. “Tôi cũng đi tới các quốc gia khác nhau để nói về vấn đề ô nhiễm nhựa ở các khu vực, với hy vọng phần nào truyền cảm hứng cho mọi người. Một nguồn cảm hứng nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt trong cộng đồng của mỗi người.”

Bản thân Sydney cũng có động lực từ chính khao khát được “giải cứu đại dương”, nơi đã gắn liền với cuộc sống của gia đình cô.

“Tôi tin rằng, trái đất hiện nay đang ở trong tình trạng khá tồi tệ về mọi mặt. Dù ít dù nhiều, xung quanh chúng ta cũng đang dần xuất hiện một số thay đổi theo hướng tích cực hơn. Nếu tất cả mọi người đều có thể chung tay góp sức nho nhỏ vào quá trình làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thì giải pháp cuối cùng sẽ được tìm ra sớm thôi,” cô kết luận.

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *