Cách đây 100 năm, hãng Coca Cola đã đi tiên phong trong việc thu hồi chai thủy tinh khi thu thêm 1-2 Penny cho mỗi đơn vị sản phẩm và trả lại khách hàng khi họ hoàn lại vỏ rỗng. Thế nhưng khi chai nhựa ra đời và câu chuyện bảo vệ môi trường ngày càng được quan tâm, thương hiệu ngành giải khát này lại đang gặp vấn đề lớn với khả năng tái chế của nền kinh tế số 1 thế giới Mỹ không theo kịp nhu cầu.
Vào cuối thập niên 1940, tỷ lệ hoàn chai rỗng của ngành giải khát tại Mỹ lên đến 96% với kẻ đi tiên phong không ai khác ngoài Coca Cola. Tại thời điểm đó, nghiên cứu của nhà sử học Bartow J. Elmore thuộc trường đại học Ohio State cho thấy bình quân mỗi chai thủy tinh Coca được tái sử dụng 22 lần trước khi hủy bỏ.
Thế rồi lon nhôm ra đời vào thập niên 1960 và tiếp đó là chai nhựa đã làm đảo lộn tất cả. Nếu trước đây việc thu hồi vỏ chai thủy tinh tiết kiệm chi phí thì thay vào đó sử dụng nguyên liệu rẻ tiền như hiện nay lại có lợi hơn. Hậu quả là các công ty dù vẫn khuyến khích khách hàng thu thập lại vỏ chai để tái chế nhưng động lực để làm điều đó thì không còn được như trước đây.
Vào thập niên 1970, các cử tri Washington đã cố gắng thông qua đạo luật bắt buộc thu hồi chai nhựa nhưng không thành công. Bước sang thập niên 1990, cuộc cạnh tranh gay gắt với Pepsi cũng như ý thức bảo vệ môi trường lên cao đã khiến Coca phải thay đổi trọng tâm, chú ý nhiều hơn đến giữ hình ảnh thương hiệu.
Lần đầu tiên trong lịch sử, hãng đề ra mục tiêu tái chế chai nhựa với cam kết sử dụng nguyên liệu này cho 25% bao bì sản phẩm. Thế nhưng mục tiêu này thất bại và họ tiếp tục đề ra lời hứa mới mỗi vài năm. Năm 2007, Coca cam kết tái chế 100% chai nhựa PET tại Mỹ và tiếp tục không thành công và một phần nguyên nhân là do năng suất có hạn của ngành tái chế Mỹ. Năm 2010, Pepsi cũng cam kết nâng tỷ lệ tái chế chai nhựa tại Mỹ đến 50% vào năm 2018.
Số liệu của NAPCOR cho thấy tỷ lệ tái chế chai nhựa PET tại Mỹ vẫn loanh quanh 24,6% năm 2007; 29,1% năm 2010 và 26,6% năm 2020.
Theo CEO Bob Daviduk của nhà máy tái chế nhựa rPlanet Earth ở Vernon-bang California, ngành nhựa tái chế đang gặp khủng hoảng vì năng suất thấp. Bình quân mỗi năm nhà máy rPlanet tái chế được khoảng 2 tỷ chai nhựa nhưng con số này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu hiện nay.
CEO Daviduk cho biết anh đang có kế hoạch xây dựng thêm ít nhất 3 nhà máy nữa để đáp ứng nhu cầu lớn với giá trị 200 USD cho mỗi cơ sở. Thế nhưng việc tìm kiếm nguồn vốn và địa điểm là cả một vấn đề.
Theo hãng tin Bloomberg, 3 thương hiệu kinh doanh nước ngọt giải khát lớn nhất thế giới là Coca Cola, PepsiCo và Keurig Dr Pepper đã chiếm đến 121 triệu tấn khí thải nhà kính trong năm 2020, tương đương tổng mức khí thải nhà kính của cả nước Bỉ.
Rất rõ ràng, việc đóng góp cho môi trường và thay đổi hình ảnh thương hiệu trở thành vấn đề cấp thiết với những ông lớn ngành giải khát. Cả Coca và Pepsi đã cam kết giảm mức khí thải nhà kính của mình xuống 0 trong những thập niên tới, trong khi Dr Pepper cam kết cắt giảm ít nhất 15% lượng khí thải nhà kính vào năm 2030.
Thế nhưng hãng tin Bloomberg cho biết để đạt được những mục tiêu to lớn này, các công ty trên sẽ phải vượt qua một rào cản rất lớn, đó chính là khả năng tái chế của nước Mỹ.
Chai nhựa là một trong những yếu tố chính khiến Pepsi hay Coca thải nhiều khí thải nhà kính ra môi trường đến vậy. Phần lớn các chai nhựa này được làm từ vật liệu “PET” có nguồn gốc dầu khí và khó phân hủy.
Bình quân mỗi năm, các công ty giải khát tại Mỹ sản xuất khoảng 100 tỷ chai nhựa cho đồ uống có ga, nước khoáng, nước tăng lực và nước trái cây. Năm 2021, riêng Coca đã sản xuất tới 125 tỷ chai nhựa ra trên toàn cầu, tương đương 4.000 chai mỗi giây.
Hãng tin Bloomberg cho biết việc sản xuất và thải loại các chai nhựa này đóng góp 30% số khí thải nhà kính mà Coca thải ra, tương đương 15 tấn khí thải nhà kính mỗi năm. Con số này bằng với lượng khí thải nhà kính của những nhà máy nhiệt điện chạy than bẩn nhất toàn cầu.
Trong khi đó, báo cáo của Hiệp hội tài nguyên nhựa PET Mỹ (NAPCOR), chỉ có khoảng 26% sản phẩm dùng nguyên liệu này được tái chế tại Mỹ năm 2020, số còn lại bị vứt ra ngoài môi trường. Cá biệt tại những nơi như quận Miami-Dade, một trong những nơi đông dân nhất bang Florida-Mỹ, tỷ lệ tái chế chỉ là 1 trên mỗi 100 chai nhựa.
Theo đánh giá của Bloomberg, khả năng tái chế của nền kinh tế số 1 thế giới đã nằm dưới 30% trong hơn 20 năm qua và đang thua kém cả những nước như Lithuania (90%), Thụy Điển (86%) hay Mexico (53%).
“Có thể nói Mỹ là một trong những nước ít thân thiện với môi trường nhất thế giới”, giám đốc Elizabeth Balkan của tổ chức phi lợi nhuận Reloop Platform chi nhánh Bắc Mỹ nhận định.
Đây là một tổn thất khá to lớn khi chai nhựa tái chế có thể được dùng cho nhiều thứ, từ quần áo, thảm trải sản cho đến chai đồ uống mới. Các nghiên cứu của Hiệp hội Franklin Asociates cho thấy dùng chai nhựa tái chế tiết kiệm đến 40% năng lượng và chi phí so với dùng nguyên liệu nhựa nguyên bản.
Chính điều này đã thôi thúc Coca hay Pepsi đặt mục tiêu sử dụng ¼ số chai nhựa của mình bằng nhựa tái chế vào năm 2025 và nâng tỷ lệ lên 50% vào 2030. Thế nhưng với công suất tái chế hạn hẹp như hiện nay tại Mỹ, mục tiêu này có vẻ sẽ khó thực hiện.
Báo cáo của NAPCOR cho thấy Mỹ cần nâng gấp đôi công suất tái chế vào năm 2025 và gấp 3 vào năm 2030 để có thể đáp ứng cung ứng nguyên liệu cho các hãng giải khát đóng chai như mục tiêu đã đề ra.
“Điểm yếu chết người ở đây là khả năng cung ứng chai nhựa tái chế”, chuyên gia Alexandra Tennant của hãng Wood Mackenzie Ltd nhấn mạnh.
Hãng tin Bloomberg cho biết điều trớ trêu là chính những công ty giải khát là thủ phạm khiến năng suất tái chế hiện nay của Mỹ thấp như vậy. Trong nhiều thập niên, ngành giải khát và thực phẩm Mỹ đã có vô số cuộc chiến pháp lý nhằm ngăn chặn các động thái bảo vệ môi trường.
Ví dụ vào năm 1971, 10 bang tại Mỹ đã ban hành thuế chai nhựa, qua đó khách hàng phải trả thêm 5-10 cent khi mua đồ uống đóng chai. Họ sẽ được hoàn tiền nếu trả số chai này lại cho điểm thu thập. Động thái này đã khiến tỷ lệ tái chế nhựa ở các bang trên tăng lên đến 57%, cao hơn nhiều so với mức 17% tại những bang khác.
Thế nhưng ngành giải khát cùng nhiều ngành khác đã vận động hành lang chống lại quyết định trên, cho rằng chúng không hiệu quả và gây tổn hại đến doanh số do nâng giá sản phẩm, qua đó tác động xấu đến nền kinh tế. Hệ quả là cho đến hiện tại, mới chỉ có thêm Hawaii chấp nhận quy định trên vào năm 2002.
“Họ không muốn gia tăng thêm chi phí”, Cựu chuyên gia Judith Enck của Hiệp hội bảo vệ môi trường Mỹ (EPA) nói.
Vào năm 2019, thái độ của ngành giải khát Mỹ đã thay đổi sau khi phong trào bảo vệ môi trường bùng nổ mạnh mẽ. Lần đầu tiên trong lịch sử, Hiệp hội doanh nghiệp kinh doanh giải khát Mỹ (AB) cho biết họ sẽ ủng hộ những chính sách tái chế chai nhựa.
“Bạn sẽ được chứng kiến quan điểm khá khác từ ngành giải khát chúng tôi so với trước đây”, CEO Katherine Lugar của AB nhấn mạnh.
Tuy nhiên bà Lugar cũng nhấn mạnh mọi thứ cần được đặt lên bàn đàm phán bởi các doanh nghiệp cần nhiều nhựa tái chế hơn nếu muốn đạt mục tiêu giảm khí thải nhà kính của mình. Điều này đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên chứ không riêng gì bản thân doanh nghiệp.
Tháng 10/2019, giám đốc của hàng loạt doanh nghiệp lớn trong ngành như Coca, Pepsi đã cùng nhau ra tuyên bố chung gọi là “Every Bottle Back”. Theo đó, họ sẽ đóng góp 100 triệu USD trong 10 năm tới cho các dự án tái chế trên toàn nước Mỹ nhằm nâng cao năng suất. Số tiền này sẽ đi kèm với khoản 300 triệu USD nữa từ nhà đầu tư và chính phủ.
Theo các đánh giá, số tiền này sẽ giúp tái chế thêm 80 triệu pound chai nhựa PET mỗi năm.
Trong khi đó, chuyên gia Daviduk của rPlanet thì nhận định các ông lớn ngành giải khát như Coca nên trở lại với chiến dịch thu hồi vỏ nhựa như đã từng làm với chai thủy tinh. Bằng việc tăng giá 10 cent cho mỗi sản phẩm, tỷ lệ thu hồi và tái sử dụng chai nhựa có thể tăng gấp 3 lần hiện nay.
“Câu chuyện không hề phức tạp chút nào. Nếu muốn thành công, bạn cần đặt lợi ích thực sự của cả doanh nghiệp và khách hàng lên những vỏ chai nhựa tái chế đó”, ông Daviduk nhận định.
Nguồn:https://cafebiz.vn/