Trong quá trình xây dựng các SVĐ để chuẩn bị cho World Cup 2022, ban tổ chức giải luôn khẳng định rằng khán giả không phải lo lắng về khí hậu khắc nghiệt của vùng Trung Đông bởi 7/8 SVĐ phục vụ cho giải đấu sẽ được trang bị hệ thống điều hòa nhiệt độ tối tân. Bất kể ngoài trời ra sao, nhiệt độ của toàn bộ khu khán đài và sân bóng luôn được giữ ở mức 20 độ C.
SVĐ duy nhất tại World Cup 2022 không có hệ thống điều hòa là sân 974. Tuy nhiên nơi đây chỉ tổ chức các trận ban đêm nên các đội không phải lo lắng về nguy cơ nhiệt độ lên quá cao trong thời gian thi đấu.
Trước thềm World Cup 2022, FIFA đã ca ngợi hệ thống điều hòa nhiệt độ của Qatar là “giải pháp thần kỳ”. Mục tiêu ban đầu của việc lắp đặt hệ thống này là giúp các trận đấu có thể diễn ra vào mùa hè – khi nhiệt độ ngoài trời tại Qatar có thể lên tới 45 – 50 độ C. Dù sau đó giải đấu được chuyển sang thi đấu vào mùa đông, nhưng ban tổ chức giải vẫn lắp đặt hệ thống điều hòa tại các SVĐ để phục vụ các trận đấu vào ban ngày.
“Nước chủ nhà Qatar đã phải đối mặt với một thử thách khổng lồ về công nghệ. Nhưng giờ đây, hệ thống điều hỏa của họ đã trở thành biểu tượng của khả năng điều khiển khí hậu”, Michel D’Hooghe – cựu thành viên Ban chấp hành FIFA nói.
“Kết cấu của SVĐ giống như một rào chắn và biến khu vực trong sân giống như một bong bóng. Hệ thống điều hòa của chúng tôi sẽ làm mát, lọc sạch không khí và đẩy vào trong sân cho cầu thủ và CĐV”, tiến sĩ Saud Abdulaziz Abdul Ghani – người chịu trách nhiệm thiết kế hệ thống điều hòa nhiệt độ cho các SVĐ tại World Cup 2022 cho biết.
Bên cạnh hệ thống làm mát không khí trực tiếp, các sân bóng phục vụ cho World Cup 2022 còn có một hệ thống ngầm để lưu trữ không khí đã được làm mát. Không khí nóng vào ban ngày tại Qatar sẽ được hút vào một hệ thống đặt ở lưng chừng khu vực khán đài. Tiếp đó, luồng khí này sẽ chạy vào khu vực làm mát ngầm. Từ đó, hệ thống điều hòa sân sẽ có một lượng khí lưu trữ và giảm tiêu hao điện năng khi phục vụ các trận đấu diễn ra ban ngày.
Ngoài ra, hệ thống điều hòa nhiệt độ trên các sân bóng Qatar cũng được tối ưu hóa để tập trung vào một số khu vực nhất định. Nếu cần thiết, hệ thống chỉ được mở trước giờ bóng lăn khoảng 2 tiếng để tiết kiệm điện.
Theo Ban tổ chức giải, hệ thống điều hòa nhiệt độ này chỉ chiếm khoảng 20% tổng lượng điện năng mà toàn bộ sân bóng tiêu thụ.
Dẫu vậy, tiến sĩ Ghani cho rằng đa số quốc gia trên thế giới khó lòng ứng dụng công nghệ làm mát này bởi chi phí của nó đắt gấp đôi, thậm chí gấp ba hệ thống điều hòa nhiệt độ bình thường. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường.
Đó là lý do quốc gia này đã khánh thành nhà máy điện mặt trời khổng lồ Al Kharsaah vào ngày 18/10. Ban tổ chức World Cup 2022 ước tính lượng điện năng mà các SVĐ tiêu thụ trong đợt World Cup có thể chiếm tới 10% tổng số điện của quốc gia này, và nhà máy Al Kharsaah chính là nơi cung cấp nguồn điện chính cho các sân bóng.
“Hệ thống điều hòa nhiệt độ này xứng đáng là một tuyệt phẩm công nghệ và đáng để trải nghiệm. Tuy nhiên tình hình sử dụng điện năng cho điều hòa nhiệt độ tại các quốc gia nói chung đã ở mức khổng lồ rồi, thế nên chúng ta cũng phải tính toán tới nguy cơ môi trường nếu công nghệ này phổ biến ra toàn thế giới”, tiến sĩ Morgane Colombert thuộc khoa kiến trúc đô thị của trường đại học Gustave-Eiffel nói.
Ngoài ra, nhiều CĐV có mặt tại SVĐ Al Bayt để theo dõi trận khai mạc giữa ĐT Qatar và và ĐT Ecuador cho biết họ cảm thấy lạnh. Nguyên nhân là bởi thời tiết buổi tối khai mạc tại Qatar khá nhiều gió, trong khi hệ thống điều hòa luôn giữ ở mức 20 độ C.
“Thực sự thì đêm vừa rồi khá lạnh vì trời nhiều gió”, CĐV người Mỹ tên là Mario Sanchez nói.
Dẫu vậy, Sanchez cho rằng khán giả sẽ được trải nghiệm công nghệ điều hòa không khí một cách trọn vẹn trong các trận đấu ban ngày.