“Đạo đức làm người là nền tảng của đạo đức kinh doanh”

TS. Lê Hoàng Dũng

TS. Lê Hoàng Dũng

* Thưa ông, vì sao ban tổ chức lại chọn thời điểm này để tổ chức hội thảo?  

– Cụ Lương Văn Can là một trí thức yêu nước đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp Duy Tân về văn hóa và đặc biệt là về kinh doanh, thương mại. Cuộc đời, sự nghiệp và tư tưởng của Lương Văn Can đã chứng minh kinh doanh, thương mại là những nguồn lực trọng yếu của xã hội, có ảnh hưởng đến sự thịnh suy của quốc gia. Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can vừa tận dụng những giá trị đạo đức truyền thống được ông sàng lọc lại, vừa hướng tới tương lai với việc cung cấp cho hậu thế những tư duy kinh doanh và tri thức kinh doanh tân tiến mà ông tích lũy được. Những tư tưởng ấy cho đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị và cần được phát huy để làm kim chỉ nam cho doanh nhân Việt Nam.

* Ông nhận thấy sự khác biệt nào của doanh nhân ngày nay và thời xưa?  

– Trở lại với lịch sử đã thấy, hoạt động sản xuất và thương mại của Việt Nam đã khá phát triển từ thời Bắc thuộc chứ không phải tự cung tự cấp như nhiều người lầm tưởng. Nhưng trải qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm, doanh nhân người Việt vẫn là lực lượng yếu thế so với doanh nhân ngoại quốc, ngoại kiều. Trong thời phong kiến, nghề buôn bán và thương nhân bị coi khinh, vì ý thức hệ phong kiến và cũng vì đạo đức kinh doanh của doanh nhân thời ấy. Thời Pháp thuộc, Việt Nam bắt đầu có tầng lớp doanh nhân mới, có lòng yêu nước và ý chí tự cường, nhưng rất non yếu so với doanh nhân ngoại quốc, ngoại kiều.

Ngày nay, doanh nhân Việt Nam đang là một lực lượng xã hội có năng lực tài chính, có trí, có tài, có vị thế kinh tế và vị thế xã hội. Sự đóng góp của doanh nhân ngày nay đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam và phản ánh sức mạnh của nền kinh tế Việt Nam.

* Theo ông, doanh nhân có thể học được gì từ tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can?

– Trong sự phát triển của doanh nhân và nền kinh tế, mặc dù tư tưởng kinh doanh của cụ Lương Văn Can thể hiện trong các trước tác và cả trong những hoạt động thực tiễn kéo dài gần 30 năm đầu thế kỷ XX, nhưng vẫn luôn là kim chỉ nam soi đường cho doanh nhân ngày nay. Thế nhưng, cần phải nghiên cứu công phu mới có thể thấu hiểu và diễn giải đầy đủ. Theo những gì mà các nhà nghiên cứu đã phát hiện và đóng góp cho hội thảo này, doanh nhân thời đại mới có thể học hỏi tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can trên ba phương diện:

fanpagebanner-1636083164-750x0-3463-1636

Về “thương học” – tức là khoa học kinh doanh, Lương Văn Can xác định vị trí của kinh doanh như là một bộ phận trong chiến lược lớn thuộc đại cuộc quốc gia, dân tộc, để quan tâm nghiên cứu, phát triển nó theo cách vừa mang ý nghĩa giá trị thiết thực đối với sự nghiệp giải phóng đất nước lúc đương thời, cũng như đối với mục tiêu dân giàu nước mạnh về lâu dài.

Về “thương đức” tức là đạo đức kinh doanh, Lương Văn Can nhấn mạnh giá trị đạo đức trong kinh doanh, xây chữ đức trong đạo kinh doanh: kinh doanh phải có “tâm” và có “đạo”. Đó là cái “tâm” trung thực và cái “đạo” công bằng. Người kinh doanh phải biết cần kiệm, tận tụy với nghề, sử dụng của cải, tiền bạc sao cho có ích, đúng nơi, đúng lúc. Doanh nhân ngày nay phải vượt khỏi tầm vóc “con buôn” thời trước, tự nhận về mình trách nhiệm đối với sự phát triển xã hội và vận mệnh đất nước.

Về “thương tài” (tài năng, năng lực kinh doanh), Lương Văn Can khuyến cáo người kinh doanh muốn thành công cần phải có tài năng, năng lực kinh doanh thật sự, chứ không thể “được chăng hay chớ”. Bởi vì ngày nay, tổ chức buôn bán đã mang tính chuyên môn hóa, người kinh doanh phải tự nâng tầm chứ không thể lơ mơ về phương tiện và cách thức hoạt động kinh doanh.

* Thưa ông, vì sao phải phổ biến tư tưởng làm giàu “trung thực – hiếu nghĩa” của danh nhân Lương Văn Can trong thời điểm hiện nay?

– Theo những gì thu hoạch được, có thể diễn đạt vắn tắt tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can dành cho thế hệ hôm nay như sau: người kinh doanh cần có cả đạo đức làm người, đạo đức kinh doanh và tri thức kinh doanh. Trong đó, đạo đức làm người là nền tảng của đạo đức kinh doanh. Đạo đức kinh doanh bao gồm “đạo” và “đức”, nhưng chung quy là người kinh doanh phải có cái “tâm” trung thực và cái “đạo” công bằng. Tri thức kinh doanh bao gồm nhận thức về tầm quan trọng của “thực nghiệp” và các tri thức khoa học về kinh doanh, thương mại, về đạo đức kinh doanh và tài trí kinh doanh.

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn tổ chức hội thảo “Tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can” vào ngày 10/11/2021. Thông qua hoạt động học thuật này, ban tổ chức mong góp phần hỗ trợ tinh thần cho doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam và các bạn trẻ đang khởi nghiệp.

Trong bối cảnh Việt Nam đã bước vào thời kỳ hội nhập, những tư tưởng kinh doanh của Lương Văn Can vẫn còn giá trị soi đường cho các thế hệ hôm nay, cả đối với những người khởi nghiệp kinh doanh và những người kinh doanh thành đạt. Bởi vì trong kỷ nguyên của nền kinh tế dịch vụ, kỷ nguyên thông tin và xã hội tri thức của thế kỷ XXI này, bên cạnh thông tin, tri thức và những yếu tố khác làm nên dân giàu nước mạnh, Việt Nam vẫn cần phải gia cố phần nền móng là giáo dục. Và trong nền móng giáo dục ấy, rất cần những vật liệu là các di sản văn hóa có giá trị lâu dài như sự nghiệp và tư tưởng của các nhà cách mạng Duy Tân.

Đối với doanh nhân, tạo ra sản phẩm tốt đúng là một cách để phụng sự xã hội. Tuy nhiên, phụng sự xã hội đâu phải chỉ là chế tạo sản phẩm, cung ứng hàng hóa. Để phụng sự xã hội tốt hơn nữa, thiết tưởng doanh nhân còn phải có tâm thế đồng hành, đồng tiến cùng xã hội, để luôn cầu thị, tự nâng tầm tri thức kinh doanh, văn hóa kinh doanh và đạo đức kinh doanh.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ.

nguồn: cafef.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *