Đề xuất thu thập ADN, giọng nói làm cơ sở dữ liệu căn cước công dân

Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số chứng minh nhân dân của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích; người giám hộ, người được giám hộ; thông tin về diện chính sách (như lao động, thương binh, xã hội; giáo dục, y tế, bảo hiểm); thông tin khác của công dân được chia sẻ từ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Công an tỉnh Thanh Hóa làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa (Ảnh minh họa: Trần Lê).

Đối với cơ sở dữ liệu căn cước công dân thì ngoài những thông tin trên, Bộ Công an đề xuất thu thập thêm thông tin về đặc điểm nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); họ, tên gọi khác; nghề nghiệp, trừ quân nhân tại ngũ; trình độ học vấn; ngày, tháng, năm công dân thông báo mất chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân; thông tin tài khoản định danh điện tử (có hoặc không có).

Gửi ý kiến góp ý cho dự án luật, Bộ Quốc phòng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc việc bổ sung các thông tin sinh trắc học vào căn cước công dân.

Chung quan điểm, Bộ Tư pháp thấy rằng việc bổ sung các nhóm thông tin để bảo đảm quản lý được toàn bộ dân cư sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác hoạch định chính sách, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội là thực sự cần thiết.

Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi của giải pháp, Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an có đánh giá đầy đủ tác động, chi phí và lộ trình thực hiện đối với nội dung đề xuất bổ sung một số nhóm thông tin vào cơ sở dữ liệu căn cước gồm thông tin sinh trắc học.

“Đề nghị giải trình và cân nhắc kỹ việc lựa chọn các yếu tố thuộc thông tin sinh trắc học để thu thập cho phù hợp với yêu cầu, mục đích của căn cước công dân. Việc bổ sung thông tin về ADN là cần cân nhắc kỹ tính khả thi trong việc lấy mẫu, xác định nội dung với việc bảo mật các thông tin này do liên quan trực tiếp tới các quyền nhân thân của con người” – Bộ Tư pháp nêu quan điểm.

Bộ Ngoại giao cũng đề nghị cơ quan soạn thảo dự án luật rà soát bổ sung một số nhóm thông tin trong cơ sở dữ liệu căn cước công dân và cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm bảo đảm quyền con người, quyền bảo đảm bí mật cá nhân trong Hiến pháp, các quy định pháp luật khác của Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đồng thời, đánh giá kỹ năng lực bảo vệ thông tin của người dân trong hệ thống cơ sở dữ liệu nêu trên trong trường hợp bị tin tặc tấn công, tránh trường hợp bị lộ lọt thông tin cá nhân.

Mẫu thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử đang được cấp trên cả nước (Ảnh: Q.Đ).

Giải đáp các thắc mắc trên, Bộ Công an cho rằng, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật. Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

“Quy định này tương đồng với quy định của nhiều nước trên thế giới như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc….” – Bộ Công an đưa ra thông tin để bảo vệ quan điểm của mình.

Nguồn:https://vietnamnet.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *