Cũng theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, Bamboo Airways có tổng tỷ lệ chậm, huỷ chuyến thấp nhất toàn ngành năm 2022, với 4,9%. Tổng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của các hãng lần lượt là Pacific Airlines (6,1%), Viettravel (7,2%), VASCO (9%), Vietjet Air (11,7%), Vietnam Airlines (13,1%). Tổng tỷ lệ chậm, hủy chuyến của toàn ngành là 10,7%.
Đáng chú ý, toàn ngành Hàng không Việt Nam nói chung duy trì tỷ lệ bay đúng giờ ở mức tương đối cao so với khu vực, trong bối cảnh năm 2022 ghi nhận sự tăng trưởng mạnh của khách nội địa, đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68,3% so với mục tiêu 60 triệu.
Ngay sau khi Việt Nam mở cửa toàn bộ các đường bay nội địa và quốc tế, các hãng hàng không đã nhanh chóng tăng tần suất và mở rộng quy mô các đường bay để phục vụ nhu cầu của hành khách.
Từ tháng 4/2022, thị trường hàng không trong nước đã ở mức tương đương cùng kỳ năm 2019. Với sự bùng nổ của nhu cầu di chuyển trong dịp hè, thị trường nội địa vào các tháng 7 và 8 đã hồi phục hoàn toàn và có sự tăng trưởng trên 30% so với so cùng kỳ 2019.
Đối với thị trường quốc tế, các hãng hãng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam (Bamboo Airways, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Pacific Airlines) khai thác thường lệ hơn 100 đường bay quốc tế kết nối hơn 20 quốc gia/vùng lãnh thổ ở Bắc Mỹ, châu Âu, Trung Đông, châu Á, châu Úc và cả châu Phi, trong đó có nhiều đường bay thẳng liên lục địa lần đầu tiên được khai thác trong lịch sử hàng không Việt Nam như đường bay Hà Nội – Melbourne do Bamboo Airways khai thác.
Dự báo năm 2023, ngành Hàng không Việt Nam sẽ tăng trưởng tích cực, doanh thu phục hồi mạnh, trong bối cảnh triển vọng là đại dịch COVID-19 được kiểm soát và giá nhiên liệu giảm. Cục Hàng không Việt Nam đánh giá tổng thị trường vận tải hàng không năm 2023 dự kiến đạt xấp xỉ 80 triệu khách và 1,44 triệu tấn hàng hóa, tăng tương ứng 45,4% và 15% so với năm 2022.
Nguồn:https://cafebiz.vn/