Tầm ảnh hưởng của ChatGPT là gì thì phải đợi tương lai mới biết. Nhưng trước mắt, chatbot này hiện là một công cụ thú vị mà nếu biết cách tận dụng, đời sống của con người sẽ được hỗ trợ đắc lực.
ChatGPT là gì?
ChatGPT cho phép người dùng đặt câu hỏi hoặc kể một câu chuyện và bot sẽ trả lời bằng các chủ đề và câu trả lời có liên quan với vẻ tự nhiên nhất có thể. Giao diện được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người, tạo ra sự tương tác tự nhiên với bot. Dựa trên GPT-3.5, một mô hình ngôn ngữ được đào tạo để tạo văn bản, ChatGPT được tối ưu hóa cho đối thoại trò chuyện. Phản hồi từ ChatGPT nghe khá giống con người vì chúng được đào tạo dựa trên lượng dữ liệu khổng lồ do chính con người viết.
ChatGPT được tạo ra bởi OpenAI, một công ty nghiên cứu công nghệ có trụ sở tại San Francisco, Mỹ. OpenAI đã ra mắt ChatGPT vào ngày 30 tháng 11 năm 2022. Công ty trước đó cũng đã tạo Whisper, một hệ thống nhận dạng giọng nói tự động và DALLE•2, một trình tạo tác phẩm nghệ thuật và hình ảnh AI phổ biến.
Trong vài năm qua, các phòng thí nghiệm nghiên cứu hàng đầu đã đạt được những bước tiến lớn với các công cụ văn bản do AI tạo ra như ChatGPT. Nó đào tạo bot về hàng tỷ từ được viết, bao gồm mọi thứ từ bài đăng trên blog đến sách cổ điển. Với việc phát hành ChatGPT, các trình tạo văn bản dựa trên AI dễ sử dụng giờ đây đã có thể tiếp cận được với đại chúng.
ChatGPT được thiết kế đặc biệt để bắt chước các cuộc trò chuyện thực và có khả năng giải thích, ghi nhớ những gì đã nói trước đó trong cuộc trò chuyện, xây dựng ý tưởng khi được hỏi và thậm chí xin lỗi khi hiểu sai.
ChatGPT có thể được ứng dụng như thế nào?
Nếu chỉ mới chỉ sử dụng bản beta để hỏi đáp với ChatGPT, một số người sẽ cảm nhận đây không khác gì một công cụ tương tự như Google, nhưng “thông minh” hơn trong cách trình bày và tốc độ hơn nhiều.
Khi ChatGPT được ứng dụng vào các mảng đời sống, nó có thể được sử dụng cho mọi ngành nghề, từ dịch vụ khách hàng, mua sắm trực tuyến, tuyển dụng và đào tạo nhân viên, dịch thuật văn bản, hợp lý hóa hoạt động và cung cấp trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa hơn. Ví dụ, với người làm báo hoặc nội dung sáng tạo, bot sẽ lên ý tưởng nội dung về từ khóa hoặc chủ đề, tóm tắt tài liệu. ChatGPT cũng có thể được sử dụng để tạo trải nghiệm kể chuyện tương tác, cho phép người dùng khám phá và học hỏi từ thế giới ảo.
Khi biết cách đặt câu hỏi và sử dụng đúng cách, ChatGPT giúp ích rất nhiều trong cả học tập, làm việc. Thế nhưng như thế nào là “đúng cách” mới là vấn đề gây rắc rối. Trong vài tháng qua, trên thế giới đã nổi lên không ít vụ sinh viên sử dụng ChatGPT để làm bài tập hộ mình. Đây là hình thức gian lận nên đã có cả trường học cấm ChatGPT.
Lưu ý là ở thời điểm hiện tại, ChatGPT vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm và mới được tung ra thị trường chỉ hơn 2 tháng. Chatbot AI này có khả năng tự học hỏi, trau dồi với tốc độ cực nhanh nên khả năng của ChatGPT trong tương lai có thể thay đổi, khác biệt so với những gì chúng ta đã biết hiện tại.
Hạn chế của ChatGPT
Mặc dù ChatGPT là một hệ thống chatbot mạnh mẽ dựa trên AI, nhưng nó vẫn có một số hạn chế. Nó chỉ có thể đưa ra câu trả lời dựa trên dữ liệu mà nó đã được huấn luyện.
ChatGPT không phải là một công cụ tìm kiếm, do đó nó không có khả năng tìm kiếm thông tin trên internet. Thay vào đó, nó sử dụng thông tin đã học được từ dữ liệu huấn luyện để tạo phản hồi. Điều này có thể xảy ra sai sót. Vì vậy, tất cả đầu ra phải được kiểm tra thực tế về tính chính xác và kịp thời.
Chatbot có thể không cung cấp thông tin chuyên sâu hoặc hiểu ngữ cảnh hoặc sắc thái trong cuộc trò chuyện. Nếu dữ liệu ChatGPT được đào tạo ban đầu bị sai lệch, thì câu trả lời mà nó cung cấp cũng sẽ bị sai lệch. Bên cạnh đó, chatbot được cho là cũng không có cảm xúc, trải nghiệm như con người. Ví dụ như khi yêu cầu tư vấn tâm lý, ChatGPT sẽ cho đáp án chung chung và sáo rỗng, không đáp ứng được nhu cầu người hỏi như bác sĩ tâm lý.
Vì sao AI đã xuất hiện từ lâu nhưng ChatGPT lại “gây bão”?
AI vẫn đã và đang hiện hữu từ nhiều năm nay. Nhưng ChatGPT là cấp độ tiếp theo.
Chúng ta đã sử dụng AI trong cuộc sống hàng ngày, chẳng hạn như dùng Google Maps để chỉ đường, sử dụng Google Dịch hỗ trợ AI. Nếu bạn có dùng dịch vụ gọi xe như Grab thì cũng có nghĩa là bạn đang tận hưởng ứng dụng của AI. Hơn cả việc cung cấp các tiện ích, AI còn có thể dự đoán ung thư vú chính xác hơn các chuyên gia, giúp cảnh sát phát hiện hình ảnh lạm dụng trẻ em và cải thiện hệ thống cảnh báo thảm họa khí hậu.
Vậy tại sao ChatGPT được chú ý đến vậy? Đáp án rất đơn giản: Sự tinh vi của ChatGPT đã làm cả những người trong ngành AI ngạc nhiên. Nó có tính chính xác, tốc độ, tương tác cao (dù vẫn còn rất nhiều lỗ hổng) và dễ sử dụng với đại chúng. Cùng với hiệu ứng của truyền thông, ChatGPT bỗng chốc được coi là một “vị thần” có thể thay đổi cuộc chơi và khiến công chúng thêm bất ngờ trước sức mạnh của AI.
Một lý do nữa khiến ChatGPT gây sợ hãi là với những công cụ AI như thế này, một khi đã phát hành, con người không thể thu hồi lại. Việc “đối phó” với các chatbot AI như thế nào mới hợp lý đang khiến các nhà chức trách, chủ doanh nghiệp và cả nhà sản xuất công nghệ – người tạo ra chúng bối rối.