Học cách tiết kiệm của người Nhật, rủng rỉnh vượt ‘bão giá’: Chỉ sử dụng 5% thu nhập cho hưởng thụ, cuối tháng tiết kiệm được 35% thu nhập

Giá các mặt hàng xăng, dầu tăng đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh. Người dân vốn rất khó khăn do ảnh hưởng sau dịch COVID-19 nay càng khó khăn hơn.

Giữa thời buổi bão giá, việc tìm kiếm một kế sách “thắt lưng buộc bụng” hay một giải pháp tiết kiệm là một điều hết sức thiết yếu. Nhật Bản là một quốc gia có nhiều cách tiết kiệm tiền hiệu quả và được người dân nhiều nước trên thế giới áp dụng. Trong đó, chúng ta không thể không nhắc đến phương pháp Kakeibo. Phương pháp Kakeibo đã giúp người Nhật tiết kiệm tới 35% chi phí tiêu dùng hàng tháng trong suốt hơn 100 năm.

Phương pháp Kakeibo là gì và nguồn gốc ra đời của

phương pháp này

Kakeibo (kah-keh-boh) dịch sang là “sổ cái tài chính gia đình”, cuốn sổ tay quản lý chi tiêu Kakeibo này là một trong những truyền thống rất nổi tiếng của người Nhật Bản. Trong quyển sổ tay tài chính này, bạn có thể viết ra kế hoạch chi tiêu của bản thân và thậm chí là cả gia đình. Trên thực tế, sổ tay đóng vai trò quan trọng giúp bạn dễ dàng kiểm soát ví tiền của mình.

Với niềm tin sự ổn định về tài chính rất quan trọng với hạnh phúc gia đình, vào năm 1904, bà Motoko Hani – nữ nhà báo đầu tiên của Nhật Bản đã cho xuất bản trên tạp chí cuốn sổ chi tiêu đầu tiên thiết kế dành riêng cho các bà nội trợ. Kể từ đó, Kakeibo đồng hành cùng người Nhật trong hành trình xây dựng và duy trì lối sống cần kiệm.

Từ ngày công bố đến nay, phương pháp Kakeibo nhận được sự ủng hộ từ nước Nhật và nhiều nơi trên thế giới. Hiệu quả mà Kakeibo được công nhận và áp dụng ngày càng rộng rãi.

Cách thức hoạt động của phương pháp Kakeibo

Khi bắt đầu sử dụng phương pháp này, bạn cần trả lời được 4 câu hỏi:

Bạn đang sở hữu bao nhiêu tiền?

Bạn muốn tiết kiệm bao nhiêu tiền?

Bạn sẽ chi tiêu bao nhiêu tiền trong thời gian tới?

Bạn có thể làm gì để giảm chi tiêu và tăng thu nhập?

Không khó để thấy rằng 4 câu hỏi của Kakeibo liên quan đến vấn đề tài chính cá nhân và gia đình. Việc tìm ra câu trả lời sẽ giúp bạn có hướng đi mới để kiểm soát và quản lý tài chính một cách hiệu quả nhất.

Sau khi đã tìm ra được các câu trả lời cho 4 câu hỏi trên thì hãy đến ngay với các bước áp dụng phương pháp Kakeibo và chính thu nhập của bản của 5 bước.

Bước 1: Xác định số tiền bản thân đang có

Đầu tiên, hãy ghi chép cẩn thận tất cả các khoản tiền mà bạn có bằng cách liệt kê thật chi tiết các nguồn thu nhập và khoản tiền người khác đang nợ bạn. Các khoản thu nhập trong tháng có thể bao gồm lương chính, lãi tiết kiệm, lãi chứng khoán, tiền công từ công việc phụ, lợi nhuận từ kinh doanh…

Sau đó, hãy tiếp tục liệt kê tất cả các “chi phí cố định” mà bạn cần phải trả trong tháng như tiền nhà, học phí, trả nợ tín dụng,… Tiếp theo, hãy trừ 2 con số này với nhau để biết mỗi tháng bạn sẽ còn chính xác bao nhiêu tiền. Đây là nội dung của câu hỏi đầu tiên “Bạn đang sở hữu bao nhiêu tiền?” trong 4 câu hỏi của phương pháp Kakeibo.

Bước 2: Xác định số tiền tiết kiệm mong muốn

Bạn luôn cần đặt mục tiêu và con số cụ thể để tiết kiệm tiền. Ví dụ như chi tiền vào học phí, ăn uống, sách vở, đi lại và một phần phòng thân khi ốm đau. Con số nhỏ khi gộp lại có thể thành món tiền lớn. Vậy nên tốt nhất là nếu có nhiều tiền lẻ hãy “bỏ lợn” đều đặn.

So sánh, so sánh và luôn luôn so sánh. Trước khi tiêu tiền vào khoản nào đó bạn cần dành thời gian so sánh xem món nào có giá thành và cả giá trị sử dụng tốt nhất. Ví dụ: Bạn có thể mua trà pha rồi cho vào bình thay vì mua nước ở ngoài cửa hàng. Balo có thể sẽ nặng hơn chút nhưng ví của bạn cũng sẽ vì thế mà nặng hơn một chút!

Trong phương pháp tiết kiệm Kakeibo, người ta khuyến khích mọi người chỉ sử dụng 5% thu nhập cho chuyện hưởng thụ cá nhân. Hưởng thụ cá nhân ở đây với phụ có thể hiểu là tiền mỹ phẩm, hàng hiệu còn với đàn ông có thể là tiền đi ăn nhà hàng,…

Bước 3: Trong những trang tiếp theo của cuốn sổ, hãy ghi lại những chi tiêu của bạn theo bốn phân loại:

Nhu cầu thiết yếu: Những chi tiêu dành cho thực phẩm, dược phẩm, di chuyển, con trẻ,…

Có thể lựa chọn: Những chi tiêu dành cho đi cà phê, nhà hàng, mua đồ ăn sẵn, mua sắm,…

Văn hóa tinh thần: Sách, âm nhạc, các buổi biểu diễn, xem phim, tạp chí,…

Khoản chi tiêu ngoài dự kiến/ phát sinh: Quà tặng, hiếu hỉ, sửa chữa nhà cửa,…

Hãy chú ý đến bước này và liệt kê càng chi tiết càng tốt. Khi đó, bạn sẽ có số liệu chi tiết cho mọi nhu cầu tài chính của mình.

Bước 4: Thiết lập chế độ tiết kiệm bằng cách giảm những nhu cầu không cần thiết

Đến bước này, bạn sẽ nhận ra số tiền còn lại ở bước 2 không đủ để chi trả các khoản chi cho bước 3. Lý do bởi vì từ trước đến nay bạn đã có thói quen chi tiêu như vậy và không tiết kiệm được gì. Cho nên khi trừ đi một số tiền để dành cho việc tiết kiệm sẽ khiến ngân sách chi tiêu của bạn bị thiếu hụt đáng kể. Vậy phải làm thế nào để cải thiện điều đó đây?

Câu trả lời là bạn hãy thay đổi thói quen chi tiêu của mình từ bây giờ và cam kết sẽ thực hiện nó đến cùng. Bạn có thể cắt giảm bớt những khoản chi tiêu không cần thiết như mua sắm quần áo theo trends, uống trà sữa mỗi ngày,… Việc hạn chế những buổi cà phê sang chảnh, nhà hàng “sang chảnh” cũng giúp bạn tiết kiệm không ít chi phí. Hãy bắt đầu nấu ăn tại nhà, lựa chọn rau củ thay cho các loại thịt không những giúp bạn tiết kiệm mà còn cải thiện sức khỏe nữa đấy.

Bước 5: Nhìn lại, tổng kết và rút kinh nghiệm

Đây là bước cuối cùng mà bạn cần phải thực hiện khi kết thúc tháng. Bạn sẽ thống kê lại những khoản đã chi tiêu và những khoản đã tiết kiệm được (trừ khoản tiết kiệm ở bước 2). Từ những số liệu đó, bạn sẽ biết được mình đã chi tiêu khoản nào bất hợp lý và đề ra sự điều chỉnh vào tháng sau.

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *