Nếu như 15 năm trước, mọi người lo lắng ti vi sẽ hủy hoại đứa trẻ, tiếp đó là trò chơi điện tử thì ngày nay, kẻ thù của giáo dục chính là chiếc điện thoại. Theo nhiều nghiên cứu chỉ ra, trẻ tiếp xúc với điện thoại thông minh để lướt web, chơi game, dùng mạng xã hội… trong thời gian dài gây ra nhiều hệ lụy. Trẻ có nguy cơ bị hủy hoại khả năng diễn đạt ngôn ngữ, tư duy logic, và khiến não bộ bị tổn thương, khó phục hồi.
Trong một nghiên cứu về não bộ của trẻ sử dụng điện thoại thường xuyên và trẻ ít dùng điện thoại, các nhà nghiên cứu đã thấy được sự khác biệt rõ rệt. Não bộ của đứa trẻ không tiếp xúc nhiều với điện thoại có kích thước lớn hơn, các thùy não hình thành rõ ràng. Ngược lại, não bộ của đứa trẻ dùng điện thoại nhiều bị teo lại, kém phát triển. Không chỉ vậy, ánh sáng xanh do màn hình phát ra còn gây tổn thương tế bào não, gây lão hóa và là nguyên nhân xuất hiện nhiều bệnh lý.
Ngày nay nhiều trẻ em trở thành “tù nhân” của điện thoại di động. Mặc dù chiếc điện thoại mang lại cho trẻ niềm vui, sự phấn khích ngắn hạn nhưng cũng ăn mòn não bộ và tư duy. Đồng thời, dùng điện thoại nhiều còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất của trẻ. Trước những nguy hại trên, cha mẹ cần tham khảo những phương pháp sau nhằm giúp trẻ giảm tình trạng lệ thuộc vào điện thoại thông minh.
Cha mẹ dành cho trẻ tình yêu và sự đồng hành
Ngày nay, có nhiều đứa trẻ lớn lên trong những căn nhà “kín cổng, cao tường”, chỉ biết làm bạn với màn hình điện thoại, máy tính, ti vi. Về điều kiện vật chất, trẻ chẳng thiếu thốn điều gì. Nhưng trẻ lại thiếu đi sự quan tâm, đồng hành của cha mẹ. Chính vì thế, trẻ coi điện thoại thông minh là “cứu cánh” để xua đi nỗi cô đơn.
Do đó, để giúp trẻ tránh xa điện thoại di động, cha mẹ nên dành thời gian mỗi ngày cho con. Hãy cùng con trò chuyện, chơi trò chơi hay tham gia các hoạt động thể chất giúp trẻ phát triển toàn diện. Vào cuối tuần, cha mẹ có thể đưa trẻ đi dã ngoại, chơi thể thao… Nếu có thời gian hơn, hãy cùng con đi du lịch nhiều nơi. Hãy lắng nghe con mình nói về những niềm vui và khó khăn mà trẻ gặp phải trong học tập cũng như trong cuộc sống.
Những điều này vừa giúp trẻ bỏ đi thói quen dùng điện thoại, vừa là cơ hội để cha mẹ và con cái gần gũi, gắn bó với nhau hơn.
Thiết lập giới hạn thời gian sử dụng điện thoại
Cha mẹ hãy thử thương lượng với trẻ bằng cách tạo ra nội quy mà con phải tuân thủ nếu như muốn sử dụng điện thoại. Ví dụ như cha mẹ có thể quy định cho trẻ được phép dùng điện thoại trong vòng 1 tiếng mỗi ngày sau khi học bài xong. Hết thời gian đó, cha mẹ tuyệt đối phải thu lại điện thoại.
Bên cạnh đó, các ông bố bà mẹ cũng nên rèn cho con thói quen nói không với điện thoại trong giờ ăn, giờ học hay trong phòng tối. Thay vì cấm hoàn toàn, tại sao chúng ta không giúp con trở thành người dùng điện thoại một cách thông minh?
Cha mẹ cần làm tấm gương sáng cho trẻ
Trên thực tế, không chỉ trẻ em mà tình trạng nghiện smartphone có thể xảy ra ở mọi độ tuổi. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích đáng kể và cũng rất cần thiết như gọi điện, nhắn tin… mà điện thoại đem lại.
Song, điều thiết yếu nhất nếu muốn con mình loại bỏ thói quen bám chặt với chiếc điện thoại thì bản thân cha mẹ phải là người “tiên phong” làm gương cho trẻ. Sau khi trở về nhà, các bậc phụ huynh hãy tạm đặt chiếc điện thoại xuống và dành nhiều thời gian bên con hơn.
Trao thưởng nếu trẻ giảm thời lượng sử dụng điện thoại
Trẻ nhỏ vốn thích được khen thưởng, và trong trường hợp “cai nghiện” điện thoại cũng không ngoại lệ. Hãy thử tặng những món quà để khích lệ tinh thần khi trẻ chủ động cắt giảm thời lượng dùng điện thoại hằng ngày.
Chẳng hạn, cha mẹ có thể nói với con rằng: “Nếu con dành 30 phút để chạy bộ cùng mẹ thay vì ngồi lì ở nhà chơi điện thoại thì cuối tuần, cả gia đình ta sẽ đi cắm trại”, “Nếu ngày hôm nay con không động vào điện thoại, mẹ sẽ cho con đi chơi với bạn 20 phút sau khi tan học”... Hãy tập trung vào những thứ con bạn thích và sẵn sàng từ bỏ điện thoại để được món quà đó
Nguồn:https://cafebiz.vn/