Phở bò, bún riêu, bún ốc, bún chả từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống ẩm thực của người Việt Nam. Khẩu vị của người Việt vốn yêu thích hương vị đậm đà, cân bằng giữa mặn, ngọt, chua, cay. Vì thế khi ăn, chúng ta đã quen bổ sung tương ớt, đặc biệt là vài thìa giấm tỏi, hay một vài giọt chanh để tăng thêm hương vị cho món ăn.
Tưởng chừng vắt chanh vào bát phở là chuyện chẳng có gì đáng để bàn. Nhưng mới đây, lời cảnh báo của một chuyên gia dinh dưỡng đến từ Ấn Độ đã khiến không ít người phải hoang mang.
Cụ thể:
Chuyên gia dinh dưỡng Juhi Kapoor (nhà giáo dục lối sống nổi tiếng của Ấn Độ) khuyên mọi người nên tránh vắt chanh vào thức ăn nóng. Bởi trong chanh chứa nhiều vitamin C, một chất dinh dưỡng thiết yếu mà cơ thể cần hằng ngày.
Đây là chất dinh dưỡng chống oxy hóa thiết yếu – giúp cải thiện khả năng miễn dịch, hấp thụ sắt, sức khỏe của xương, da, tóc và mắt. Do cơ thể không thể dự trữ vitamin C nên lượng vitamin C nạp vào cơ thể hằng ngày thực sự quan trọng để có sức khỏe tốt và tăng cường tuổi thọ.
Trong khi đó, vitamin C trong chanh rất nhạy cảm với nhiệt độ cao và dễ bị phá hủy bởi nhiệt. Chuyên gia khuyên hãy đợi thức ăn nguội một chút rồi mới vắt chanh.
Chuyên gia Việt lên tiếng phân tích
Bàn luận về vấn đề trên, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh (Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng đây là vấn đề mang tính chất “suy diễn” chứ “Không có ai nghiên cứu rằng cho chanh vào các món nóng như phở sẽ làm giảm đi cụ thể bao nhiêu % vitamin C trong món ăn”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nói: “Việc vắt chanh vào phở có nên hay không là vấn đề không cần phải lăn tăn. Bởi mục đích lớn nhất của việc vắt chanh vào món ăn này không phải để bổ sung vitamin C mà là để ngon miệng. Theo phân tích, đồ nóng làm bay hơi vitamin C, tuy nhiên nó chỉ bay hơi một phần nào đó chứ không làm mất hoàn toàn.
Vắt chanh không ảnh hưởng đến chất lượng món ăn, càng không gây hại cho sức khỏe vì thế mọi người hãy yên tâm sử dụng.
Nếu còn lăn tăn về việc nước nóng từ bún phở làm mất vitamin C thì sau đó hãy sử dụng các món giàu vitamin C khác như nước cam, nước chanh, súp lơ, đu đủ, bưởi… thay thế”.
Không phải chanh, đây mới là những thực phẩm giàu vitamin C bậc nhất
Nếu nói đến nguồn cung cấp vitamin C tự nhiên, nhiều người sẽ nghĩ ngay đến chanh. Theo phó giáo sư Fan Zhihong (Khoa Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm, Đại học Nông nghiệp Trung Quốc): Chanh không phải thực phẩm chứa vitamin C nhiều nhất.
Trong khi 100g chanh chứa 29,1mg vitamin C thì còn có nhiều loại rau củ khác chứa lượng vitamin C cao hơn nhiều, chẳng hạn như cải xoăn, ớt xanh, ớt chuông, súp lơ trắng…
1. Mướp đắng: Gấp 6 lần chanh
Trong Đông y, mướp đắng vị đắng, tính hàn, có công dụng thanh nhiệt, sáng mắt, giải độc, nhuận tràng, bổ thận tráng dương. Khi mướp đắng còn xanh, hàm lượng vitamin C được ghi nhận là 188mg vitamin C/100g mướp đắng (gấp hơn 6 lần so với chanh).
Khi mướp đắng chín, hàm lượng vitamin C sẽ còn một nửa. Khi dùng mướp đắng để chế biến món ăn chín sẽ mất đi 40% vitamin C, tức là còn khoảng 56mg vitamin C/100g mướp đắng.
2. Súp lơ trắng: Gấp 2 lần chanh
Cũng giống như các thành viên thuộc họ cải khác, súp lơ trắng là thực phẩm tuyệt vời để phòng ngừa bệnh viêm, vốn là nguyên nhân khởi phát các bệnh mãn tính.
Khả năng này đến từ hàm lượng chất chống oxy hóa cao và các hợp chất chống viêm, bao gồm vitamin C chất lượng cao. 100g súp lơ trắng cung cấp 61mg vitamin C, gấp 2 lần so với chanh.
Nhờ vậy, ăn súp lơ trắng giúp giảm viêm, tránh tình trạng nhiễm khuẩn, nhiễm trùng và cảm lạnh thông thường.
3. Cải bẹ xanh: Gấp hơn 2 lần quả chanh
Cải bẹ xanh được biết đến với công dụng tăng cường hệ miễn dịch, chống lão hóa vì có lượng vitamin C cao. 100g cải bẹ xanh giúp bổ sung 72mg vitamin C cho cơ thể.
Bên cạnh đó, chất dinh dưỡng thực vật glucosinolates trong cải bẹ xanh có đặc tính chống lại sự phát triển của ung thư, bao gồm ung thư buồng trứng, ung thư dạ dày, ung thư phổi, ung thư bàng quang.
Ăn cải bẹ xanh hàng ngày giúp thanh nhiệt, tăng cường tiêu hóa và trị táo bón hiệu quả.