Loại vắc-xin từ hàng thế kỷ trước mang lại hy vọng chống lại nhiều mầm bệnh nguy hiểm

Trong những ngày đầu đại dịch Covid-19 bùng phát, khi việc phòng ngừa dường như là điều gì đó xa xôi, một số nhà khoa học đã tiến hành các cuộc thử nghiệm để xem liệu một loại vắc-xin phòng bệnh lao được phát triển vào đầu những năm 1900 có thể bảo vệ con người bằng cách tăng cường hệ miễn dịch hay không.

Tìm đến “vũ khí” cũ cho những “trận chiến” mới

Vắc-xin Bacillus-Calmette-Guerin (B.C.G) từ lâu đã được biết đến là có tác dụng mạnh đối với hệ miễn dịch. Việc tiêm loại vắc-xin này cho trẻ sơ sinh ở các nước đang phát triển và các nước có bệnh lao là rất phổ biến.

Nhiều năm trước, các nhà khoa học thấy rằng vắc-xin B.C.G tăng cường hệ miễn dịch để chống chọi lại được nhiều loại bệnh truyền nhiễm, bao gồm vi-rút, vi khuẩn và ký sinh trùng, đồng thời làm giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh.

Khi các mối đe dọa mới như bệnh đậu mùa khỉ và bệnh bại liệt tái xuất hiện đồng thời với sự xuất hiện của các biến chủng Covid-19 mới, các nhà khoa học bắt đầu quan tâm đến tiềm năng của vắc-xin cũ với hy vọng có biện pháp bảo vệ mọi người chống lại các bệnh truyền nhiễm.

Giờ đây, các thử nghiệm lâm sàng trong thời kỳ đại dịch đang dần hé lộ các kết quả, tuy chưa rõ ràng nhưng cũng là điều đáng để mong đợi.

Cuộc thử nghiệm đã được tiến hành từ trước khi Covid-19 xuất hiện, kết quả mới nhất đã được công bố vào hôm thứ Hai trong Báo cáo Y học Tế bào. Các nhà khoa học muốn xem liệu B.C.G có mang lại lợi ích gì cho những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 – những người rất dễ bị nhiễm trùng – hay không.

Vào tháng 1/2020, khi đại dịch bắt đầu, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu theo dõi 144 người nhiễm Covid-19 đồng ý tham gia cuộc thử nghiệm. Tất cả đều mắc bệnh tiểu đường loại 1 và chưa tiêm vắc-xin Covid-19. 2/3 trong số đó đã được tiêm ít nhất 3 liều B.C.G trước đại dịch, 1/3 số còn lại được tiêm giả dược nhiều lần.

Kết quả thu được rất ấn tượng: Chỉ hơn 1% trong số 96 người đã được tiêm B.C.G gặp tình trạng chuyển biến xấu đối với Covid-19, so với 12,5% trong số 48 người được tiêm giả dược.

Mặc dù quy mô cuộc thử nghiệm tương đối nhỏ, nhưng “kết quả cũng ấn tượng không kém gì so với vắc-xin mRNA Moderna và Pfizer,” tiến sĩ Denise Faustman, tác giả chính của nghiên cứu và cũng là giám đốc sinh học miễn dịch tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts cho biết.

Loại vắc-xin từ hàng thế kỷ trước mang lại hy vọng chống lại nhiều mầm bệnh nguy hiểm - Ảnh 1.

Những người mắc bệnh tiểu đường loại 1 đặc biệt dễ bị nhiễm trùng. Tuy nhiên, “chúng tôi đã thấy tình trạng nhiễm trùng bàng quang đã giảm đáng kể. Bệnh nhân ít bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn, cúm và cảm lạnh đều nhẹ hơn. Cùng với đó, tình trạng nhiễm trùng xoang cũng ít hơn so với mức độ mà bệnh nhân tiểu đường thường mắc phải,” tiến sĩ Faustman nói thêm.

Vắc-xin này “dường như đang thiết lập lại phản ứng miễn dịch của cơ thể để trở nên tỉnh táo hơn, nhanh nhạy hơn chứ không còn chậm chạp nữa.”

Nghiên cứu cho tương lai

Một thử nghiệm khác về B.C.G được tiến hành trên 300 người cao tuổi ở Hy Lạp. Tất cả đều có vấn đề về sức khỏe như bệnh tim hoặc phổi. Người ta nhận thấy rằng vắc-xin B.C.G làm giảm 2/3 trường hợp nhiễm Covid-19 và giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường hô hấp khác.

Theo nghiên cứu được công bố vào tháng 7 trên tạp chí Frontiers in Immunology, chỉ có 2 người được tiêm vắc-xin phải nhập viện vì Covid-19, so với 6 người được tiêm giả dược.

“Chúng tôi đã thấy các tác dụng miễn dịch rõ ràng của B.C.G. Chúng tôi rất háo hức nếu có thể dùng nó hoặc các loại vắc-xin khác được tạo ra để tăng cường khả năng miễn dịch và chống lại một mầm bệnh mới sẽ xuất hiện trong tương lai mà chưa từng được biết đến trước đây,” tiến sĩ Mihai Netea, giáo sư tại Trung tâm Y tế Đại học Radboud ở Hà Lan, cho biết.

Ông miêu tả các kết quả của thử nghiệm đối với các bệnh nhân mắc tiểu đường loại 1 là “rất mạnh” nhưng cũng khuyến cáo cần phải thận trọng, bởi các thử nghiệm khác đã có kết quả gây thất vọng.

“B.C.G là một chủ đề gây tranh cãi. Có cả những người tin và không tin,” tiến sĩ Nigel Curtis, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm trẻ em tại Đại học Melbourne ở Úc là lãnh đạo Nhóm các bệnh truyền nhiễm của Viện Nghiên cứu trẻ em Murdoch, cho biết.

Có một số yếu tố để giải thích cho những kết quả khác nhau. B.C.G bao gồm một loại vi khuẩn sống đã yếu đi và được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm trên khắp thế giới trong nhiều thập kỷ. Các đột biến đã tạo ra các chủng khác nhau.

Phòng thí nghiệm của tiến sĩ Faustman sử dụng chủng Tokyo. Tiến sĩ Curtis nói đây là chủng được coi là đặc biệt mạnh. Các nghiên cứu của riêng ông sử dụng chủng Đan Mạch và cũng là chủng dễ kiếm nhất. Số liều dùng cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, vì nhiều loại vắc-xin yêu cầu tiêm mũi nhắc lại để tối đa hóa khả năng bảo vệ.

Tiến sĩ Faustman cho biết công trình của bà đã chỉ ra rằng cần có thời gian để vắc-xin phát huy tác dụng tối đa. Bệnh nhân tiểu đường loại 1 trong nghiên cứu của bà đã được tiêm vài liều B.C.G trước đại dịch.

Giờ đây, các nhà khoa học quan tâm đến tiềm năng của B.C.G để cung cấp khả năng bảo vệ cơ thể một cách tối đa và chống lại được các mầm bệnh. Họ không còn quan tâm đến việc ngăn ngừa Covid-19 nữa, vì các loại vắc-xin hiện tại đã rất hiệu quả.

Thay vào đó, họ muốn phát triển các phương pháp có thể sử dụng được cho trận đại dịch tiếp theo, có lẽ là một loại vi-rút Corona khác, một chủng cúm mới gây chết người hoặc một mầm bệnh chưa xác định.

Tiến sĩ Netea, người đã kêu gọi tiến hành các thử nghiệm lâm sàng lớn đối với B.C.G và các loại vắc-xin khác, đã chứng minh tác dụng bảo vệ rộng rãi của những loại này. “Chúng ta làm vậy là để cho tương lai,” vị tiến sĩ nói.

“Nếu biết điều này ngay từ khi đại dịch bắt đầu, chúng ta đã có thể bảo vệ được rất nhiều người trong năm đầu tiên bùng phát Covid-19.”

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *