Là một người có bằng Tiến sĩ về sự phát triển và giáo dục trẻ em, Fan cảm thấy tự tin mà phớt lờ những cuộc gọi này. Dựa trên kiến thức nghiên cứu được của mình, cô cho rằng đại đa số trẻ sơ sinh đều tự học cách bò vào 5-9 tháng tuổi. Nhưng các cuộc gọi không hề buông tha cô mà liên tục xuất hiện đến kể cả khi cô đã từ chối. Trong hai năm kể từ đó, Fan đã phải từ chối không biết bao nhiêu cuộc gọi tiếp thị, từ bơi lội đến “liệu pháp tích hợp các giác quan” và thậm chí là khóa học giúp trẻ ‘nghe lời’ bố mẹ hơn.
Nắm được điểm mấu chốt là các bậc cha mẹ rất coi trọng việc giáo dục con cái của họ, thường tin vào triết lý “mọi thành công trong đời phụ thuộc những năm đầu đời”, những khoá học cho trẻ sơ sinh ngày càng mọc lên như nấm.
“Nhưng liệu có phụ huynh nào thực sự đăng ký cho con mình theo những khóa học này không và tại sao?”, Fan thắc mắc. Để tìm hiểu, cô quyết định cho con mình học thử vài buổi.
Những lớp học “vô thưởng, vô phạt”
Lớp học đầu tiên mà Fan tham gia là một khóa học nghệ thuật được giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Lớp mở đầu với việc một giáo viên nước ngoài sử dụng tiếng Anh để nói về 4 học sinh 2-4 tuổi cần làm gì trong buổi hôm đó. Ở nhiệm vụ đầu tiên, lũ trẻ phải cuộn những miếng nhựa dẻo thành hình ống, rồi nối chúng thành một cái vòng. Ở nhiệm vụ thứ 2, học sinh phải cắt các hình tam giác từ những tấm giấy màu, sau đó cuộn dây thép để tạo thành hình xoắn ốc.
PGS.TS Fan khẳng định ngay cả khi giáo viên nói tiếng Trung Quốc, những nhiệm vụ này đều quá khó đối với trẻ em đang trong giai đoạn phát triển. Trong lớp học hôm đó, chỉ đứa trẻ bốn tuổi – ít nhất đã có nền tảng về ngôn ngữ mới có thể hiểu được sơ qua những gì người hướng dẫn đang nói. Những đứa trẻ khác, bao gồm cả con trai của Tiến sĩ, đều bối rối. Cuối cùng, các phụ huynh lại là những người bận rộn nhất, vừa phải nỗ lực dịch lời giáo viên sang tiếng mẹ đẻ cho trẻ, vừa tất bật làm theo hướng dẫn của giáo viên.
Lớp học thể dục mà Fan đưa con đến sau đó có phần phù hợp với lứa tuổi hơn. Sáu trẻ cùng bố mẹ ngồi thành một vòng tròn, trong khi một giáo viên với “kinh nghiệm thể thao chuyên nghiệp” đi vòng quanh hướng dẫn một vài động tác, trước khi trẻ được yêu cầu xếp hàng để thực hành. Tuy nhiên, việc phải chờ lâu với nhiều hướng dẫn khó khiến trẻ dần mất hứng thú.
Sau lớp học, một trong những nhân viên bán hàng của trung tâm nghiêm túc giải thích rằng lũ trẻ “đang ở độ tuổi quan trọng nhất để phát triển vận động”. Người này cũng không quên thuyết trình thêm cho PGS.TS Fan về những nghiên cứu khoa học thần kinh mới nhất.
Sự lo lắng đến mức cảm thấy “tội lỗi” của các bậc phụ huynh
Những năm gần đây, phụ huynh có con trong độ tuổi mầm non tại trở nên lo lắng hơn sau hàng tá bài viết, video với nội dung “giáo dục trẻ một cách khoa học”. Dần dần, các bố mẹ tin vào triết lý “toàn bộ thành công trong đời trẻ đều phụ thuộc vào những năm đầu đời”. Khi niềm tin này lớn dần trong xã hội, các trung tâm giáo dục mọc lên khắp nơi. Điều đáng nói hơn, theo PGS.TS Fan, là phụ huynh tin rằng khoản đầu tư cho những lớp học “vô thưởng vô phạt” này mang đến hiệu quả.
Hơn nữa, các trung tâm giáo dục mầm non rất khôn khéo khi đánh vào tâm lý phụ huynh. Khi lắng nghe những bài thuyết trình đầy “tính khoa học”, nhiều người cảm thấy mình không đủ để giáo dục con cái, từ đó chuyển giao một phần vai trò cha mẹ cho những cơ sở này. Đến một người có chuyên môn sâu về giáo dục như TS. Fan cũng không thể phủ nhận được việc cô cảm thấy tương tự. Cô bộc bạch rằng mỗi khi từ chối một lớp học nào đó qua tiếp thị, cô lại cảm thấy bản thân rất tồi tệ, không quan tâm đến sự phát triển của con mình.
“Đây là vấn đề chung của nhiều bậc phụ huynh tôi biết. Trong bối cảnh thiếu các lớp chăm sóc trẻ em công lập, những khóa học trên vẫn sẽ tốt hơn việc để con cái ngồi nhà cả ngày với ông bà và xem tivi”, cô cho biết.
Nguồn:https://cafebiz.vn/