Định lý Giegler: Mục tiêu xác định bạn có thể đi bao xa
Khoảng cách cơ bản nhất giữa một cuộc sống bình thường và một cuộc sống xuất sắc là gì? Câu trả lời không phải tài năng hay cơ hội mà nằm ở việc người đó có mục đích sống hay không.
Đạo diễn Michael Apted dành 56 năm để làm phim tài liệu, ghi lại cuộc đời của 14 người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Người ta thấy rằng số phận đời họ không hoàn toàn phụ thuộc vào xuất thân của họ mà phụ thuộc vào việc họ có mục tiêu và sẵn sàng hành động vì mục tiêu đó hay không.
Andrew, John và Charles, xuất thân từ tầng lớp thượng lưu đã có những mục tiêu rõ ràng và cụ thể về việc sẽ học cấp hai ở đâu, vào trường đại học nào và học chuyên ngành gì khi 7 tuổi. Dù có hoàn cảnh xuất thân thuận lợi nhưng họ vẫn nỗ lực 100% cho mục tiêu của mình, lập kế hoạch chỉn chu và từ đó đạt được mục tiêu học tại ĐH danh giá Cambridge và Oxford.
Nick xuất thân từ nông thôn, luôn có niềm yêu thích mãnh liệt với khoa học và có mục tiêu được nghiên cứu khoa học. Nhờ sự chăm chỉ, Nick được nhận vào ĐH Oxford để nghiên cứu Vật lý, sau đó đến Mỹ để giảng dạy và nghiên cứu, thành công “đổi đời”.
Tony xuất thân từ một vùng quê nghèo khó, học vấn không cao, cũng không có những lý tưởng gì to lớn nhưng khi trưởng thành anh lại muốn trở thành tài xế taxi. Vậy nên anh đã băng qua quãng đường dài để đến London, vượt qua bài kiểm tra lái xe taxi tại thành phố này, nơi bài thi được coi là khó nhất thế giới. Hành động kiên định với mục tiêu rõ ràng của Tony tuy muộn hơn so với bạn đồng trang lứa nhưng cũng giúp anh có cuộc sống đầy đủ nhờ công việc này.
Với những người không có bất kỳ mục tiêu nào, cuộc sống của họ giống như một chuyến tản bộ, lạc lối lang thang vì không có điểm đến, cuối cùng chán nản cả về thể xác lẫn tinh thần vì kiệt sức. Vậy nên để bắt đầu hành trình thành công, chắc chắn bạn phải biết mình đang đi về hướng nào. Như nhà hành vi học người Mỹ J. Giegler từng nói, đặt ra một mục tiêu cao, đồng nghĩa với việc hoàn thành được một phần của mục tiêu.
Quy luật hoa sen: Đừng mưu cầu thành công ngày một ngày hai
Hoa sen nở rộ sau 30 ngày nhưng 29 ngày đầu tiên, nó chỉ nở đến một nửa ao còn ngày cuối cùng, hoa nở với tốc độ của 29 ngày trước. Thành công trong cuộc sống cũng vậy, không thể đến ngay lập tức hay chỉ đến lưng chừng con đường mà phải được tích lũy qua từng bước đến đích cuối cùng.
Một blogger Trung Quốc nổi tiếng họ Vũ kể lại câu chuyện anh và những người bạn của mình khi mới tập tành viết lách. Những người bạn của anh tham gia nhiều khóa học khác nhau và nhanh chóng có kết quả nhờ những “mẹo” được phía lớp học chỉ. Anh Vũ chọn tự mình học và chạy blog, dù ghen tỵ với kết quả của bạn bè nhưng anh không tin có thể dễ dàng đạt được mọi thứ chỉ sau một đêm.
Vậy nên blogger này trau dồi kỹ năng của mình mỗi ngày bằng cách học toàn bộ thơ Đường trong 2 năm để rèn nhịp điệu câu văn, đọc nhiều cuốn sách kinh điển để học logic viết lách, thậm chí còn đọc đi đọc lại từ điển. Kết quả là anh Vũ có đến 4 triệu người hâm mộ trên tài khoản của mình, còn bạn bè anh chỉ dừng lại ở con số 10.000.
Thay vì quá vội vàng trong mọi việc và muốn thấy kết quả càng sớm càng tốt, bạn nên chọn đi con đường phát triển lành mạnh từng bước với một tốc độ thích hợp và một thái độ vững vàng, nóng vội chỉ làm mọi công sức nhanh “đổ sông đổ bể”.
Không có gì có thể đạt được trong một sớm một chiều, thành công luôn cần sự tích lũy kinh nghiệm và thời gian, đó là con đường bền vững nhất.
Luật bọ chét: Ra khỏi vùng an toàn để không bị đào thải
Các nhà sinh vật học đã từng làm một thí nghiệm với bọ chét, loài có thể bật xa gấp vài chục lần chiều dài cơ thể. Họ đặt bọ chét trong cốc và chúng có thể dễ dàng nhảy ra khỏi cốc mà không gặp bất kỳ trở ngại nào. Nhưng khi đậy nắp cốc, bọ chét sẽ đập vào nắp mỗi khi nó nhảy. Sau một thời gian, dù có mở nắp ra thì bọ chét cũng chỉ tung tăng trong cốc, không dám nhảy cao hơn nữa và chúng bị mắc kẹt hoàn toàn.
Cô gái họ Lý làm việc trong tạp chí được 6 năm và đạt đến cấp bậc trung trong công ty. Thời điểm đó các phương tiện truyền thông online mới đang dần thay thế kiểu tiếp nhận thông tin cũ, vậy nên cô Lý 30 tuổi quyết định rời khỏi tạp chí để dấn thân vào lĩnh vực mới. Các đồng nghiệp đều cho rằng cô Lý có chút mạo hiểm khi bắt đầu lại từ đầu, không như họ đã sớm ổn định cuộc sống.
Sự thật đã chứng minh rằng sự lựa chọn của cô ấy là chính xác, khi truyền thông mạng xã hội bùng nổ, lúc này cô Lý đã có chỗ đứng trong lĩnh vực này, tạo dựng thương hiệu cá nhân và có cả 1 studio riêng.
Trong thời đại mọi thứ đều thay đổi khó đoán định, sự trì trệ của bạn chính là một loại thụt lùi. Một khi bạn bị sự ổn định trước mắt làm mê muội, bạn sẽ bị sự lười biếng nuốt chửng. Đến một ngày vùng an toàn không còn thoải mái nữa, bạn sẽ thấy mình không còn sức để bắt đầu lại với lĩnh vực mới. Hãy luôn giữ sự tò mò và không ngừng học hỏi, bạn sẽ dễ dàng bứt phá và nhảy khỏi vùng an toàn bất cứ khi nào cảm thấy sẵn sàng.
Nguồn:https://cafebiz.vn/