Từ “robot” hay người máy, ngày càng phổ biến hơn trong vốn từ vựng của chúng ta, mặc dù hầu hết mọi người vẫn coi nó như một thứ gì đó mới mẻ. Robot không phải là công nghệ mới như chúng ta nghĩ bởi nó đã xuất hiện từ năm 1773 với tên gọi “Drawing Boy Automata”. Tuy nhiên, trước đây, mọi người không gọi những loại công nghệ như vậy là robot, mà là máy móc hoặc cơ chế.
Robot này đã bị lãng quên trong thời gian vì con người trong thế kỷ 18 không thể hiểu được phần công nghệ này, đặc biệt là nó đã đi trước thời đại của họ. Một số người gọi robot này là “Nhà văn” do những gì nó có thể làm.
Người đàn ông đã chế tạo ra con robot vượt thời đại này chính là Pierre Jaquet-Droz. Pierre là nhà sản xuất đồng hồ đầu tiên đứng sau thương hiệu Automata nổi tiếng. Sinh ra ở Thụy Sĩ, Pierre luôn quan tâm đến đồng hồ và cụ thể là cách chúng hoạt động. Ngay từ khi còn rất nhỏ, ông đã tháo dỡ những chiếc đồng hồ cũ để khám phá hệ thống phức tạp bên trong.
Thậm chí cho đến ngày nay, Pierre Jaquet -Droz vẫn được cho là người thợ đồng hồ giỏi nhất trong thời đại của ông và tài năng của ông đã chứng minh điều đó. Năm 1772, khi lượng người bị mù chữ còn khá lớn, ông đã muốn chứng minh rằng máy móc có thể làm được những điều mà nhiều người không thể.
Đó là lý do tại sao Pierre quyết định tạo ra một cỗ máy viết có thể lập trình được. Với sự giúp đỡ của người con trai Henri Louis Jaquet-Droz và một người bạn có tên Jean-Frederic Leschot, Pierre đã tạo ra hơn 6.000 thành phần cơ khí tùy chỉnh để tạo ra “Writer”.
Chiếc máy này có thể dùng bút lông và mực để viết bất kỳ chữ cái nào trong bảng chữ cái tiếng Anh được hiển thị trên bánh xe ở phía sau. Điều đáng kinh ngạc là con robot này có thể tự mình làm việc bằng cách bôi mực vào bút lông và không sử dụng bất kỳ nguồn năng lượng nào.
Bạn có thể xem qua cách thức hoạt động của robot trong phim tài liệu ngắn này do giáo sư Simon Schaffer thực hiện. Video cho thấy robot hoạt động như thế nào và chuyển động tự nhiên như thế nào khi viết. Điều kỳ lạ hơn nữa là đôi mắt của con robot cũng tập trung vào từng chữ cái mà nó viết trên giấy, như thể nó đang sống.
Trong sự nghiệp của mình với tư cách là một nhà phát minh sáng tạo, Pierre cũng đã chế tạo ra hai loại robot khác như vậy có tên “The Draftsman” có thể dùng bút vẽ bốn bức tranh, trong đó có một bức chân dung của Vua Louis XV và “The Musician” có thể chơi năm bài hát khác nhau trên một cây đàn organ đầy đủ chức năng. Một số nhà sử học nói rằng Pierre là cha đẻ của máy tính với các cơ chế mà ông đã tạo ra, ít nhất là những điều cơ bản của máy tính.
Khi những sáng tạo này được giới thiệu với công chúng, mọi người chỉ đơn giản là ngạc nhiên. Một số người không hiểu cơ chế phức tạp nghĩ rằng những cỗ máy thực sự bị sở hữu bởi một loại sức mạnh ma quỷ nào đó, trong khi nhiều người khác chỉ nhầm chúng với những món đồ chơi đơn giản do vẻ ngoài của chúng.
Thế giới chưa bao giờ thực sự hiểu được bước nhảy công nghệ và thời điểm lịch sử quan trọng đó là gì. Ngay cả cho đến ngày nay không nhiều người biết về sự sáng tạo này và một số vẫn nghĩ rằng đó là một trò lừa bịp. Những ai còn chưa tin có thể tận mắt chiêm ngưỡng cỗ máy tại Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật ở Neuchatel, Thụy Sĩ.
Cũng giống như Leonardo da Vinci hay Nikola Tesla, Pierre Jaquet-Droz chỉ là một người có tầm nhìn xa trông rộng khác, có tư duy đi trước công nghệ có sẵn vào thời điểm đó hoặc đơn giản là sinh ra nhầm thời.
Nguồn:https://cafebiz.vn/