Công thức 20 năm
Theo tờ Financial Times (FT), ngành công nghệ đã có những bài học nhớ đời trong năm 2022. Trên thực tế, Thung lũng Silicon và các Big Tech (ông lớn trong ngành công nghệ Mỹ) đã luôn tuân thủ một quy tắc phát triển suốt 20 năm qua, đó là nhanh chóng cải tiến kỹ thuật và tung ra thị trường để gây phấn khích cho khách hàng.
Những thành công của Microsoft, Apple, Amazon, Facebook hay Tesla đã khiến vô số công ty công nghệ theo đuổi tốc độ hơn là sự hoàn thiện. Nhanh chóng ra sản phẩm mới gây bất ngờ và thành công, mở rộng kinh doanh, bành trướng thị phần, mua lại các đối thủ là công thức của vô số những Big Tech đi trước và cho những startup sau này noi theo.
Với các nhà đầu tư đang khát khao tăng trưởng trong bối cảnh lãi suất thấp thời kỳ đó, họ cũng vui mừng vì những lời hứa hẹn doanh thu khổng lồ trong thời gian ngắn. Trong giai đoạn đại dịch, sự bùng nổ của các hãng công nghệ không có lợi nhuận được đầu tư, thông qua chỉ số “Goldman Sachs Non-Profitable Technology Index” (GSNPTI), đã lên mức cao chưa từng thấy.
Thế nhưng, năm 2022 đã dạy cho cả làng công nghệ những bài học nhớ đời khi công thức làm giàu 20 năm qua trở nên mất hiệu nghiệm.
Lạm phát và lãi suất tăng đã khiến thị trường tín dụng, nguồn vốn trở nên thắt chặt hơn bao giờ hết. Khi nhà đầu tư có thể kiếm lời từ gửi tiền tiết kiệm ngân hàng cho lãi suất cao, hay thị trường trái phiếu, thì những kênh đầu tư startup hứa hẹn lợi nhuận nhưng mạo hiểm trở nên không còn thu hút.
Thậm chí, giá cổ phiếu của các Big Tech như Google, Amazon hay Facebook cũng mất đến 40-60% giá trị trong năm qua vì nỗi lo khủng hoảng kinh tế. Trong khi những hãng công nghệ non trẻ hơn thì còn thêm thảm hơn nữa.
Chỉ số GSNPTI đã giảm đến 77% kể từ mức đỉnh tháng 2/2021, qua đó cho thấy nhà đầu tư đã mất hứng với các hãng công nghệ không cho kết quả kinh doanh như ý mà chỉ toàn những lời hứa suông.
Thế rồi cuộc chơi trên thế giới cũng ngày càng thay đổi với nỗi lo về sức khỏe, các tiêu chuẩn về môi trường, nội dung số lành mạnh, bảo mật thông tin cá nhân… gây ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng sản xuất, dịch vụ của ngành công nghệ, qua đó buộc các Big Tech phải thay đổi cho phù hợp.
Bài học cho Tesla
Theo FT, phần lớn các Big Tech hiện nay đều có thế mạnh về phần mềm (Software), qua đó có thể dễ dàng nâng cấp và phân phối rộng khắp trên thế giới. Nhờ sự phát triển của Internet mà các Big Tech này có thể ra mắt những sản phẩm mới nhanh chóng, nâng cấp và phủ sóng sản phẩm đi khắp nơi trên thế giới và hoàn thiện các lỗi vặt sau.
Thế nhưng lợi thế này không thể áp dụng cho ngành xe hơi, dược phẩm hay thậm chí thực phẩm. Chúng đều cần được sản xuất đúng tiêu chuẩn cũng như phù hợp các quy định về chất lượng trước khi xuất xưởng. Các nhà máy sản xuất và hệ thống phân phối không thể tự xuất hiện như từ trên trời rơi xuống, hay dễ dàng xây dựng như mảng phần mềm của công nghệ.
Tờ FT nhận định trong thị trường kinh doanh phần cứng, các hãng công nghệ đi đầu có thể bị mất ngôi vương trước các đối thủ có kinh nghiệm về sản xuất và phân phối. Ví dụ điển hình nhất có lẽ là Tesla.
Hãng xe điện của tỷ phú Elon Musk đã giảm thị phần tại Mỹ từ 79% cách đây 5 năm xuống còn chỉ 65% hiện nay. Thậm chí S&P Global Mobility còn dự đoán con số này sẽ giảm xuống dưới 20% vào năm 2025 nếu các hãng ô tô truyền thống có thể cho ra mắt những sản phẩm rẻ hơn, mới hơn như xe tải điện so với đà xây nhà máy và cung ứng của Tesla.
“Thế giới kinh doanh rất khắc nghiệt. Kể cả khi bạn có một chiếc xe tốt thì bạn cũng cần phải có nhà máy và chuỗi cung ứng. Bạn sẽ phải kiếm đất, tìm được khu sản xuất, tuyển nhân lực. Đây là câu chuyện không hề dễ như nâng cấp một phần mềm rồi tung ra thị trường”, đồng CEO David Millstone của hãng Standard Industries cảnh báo.
Hiện Standard đang cố gắng cạnh tranh với Tesla về mảng tấm năng lượng mặt trời. Sau nhiều năm phát triển, Tesla được dự đoán là lắp đặt bình quân 23 tấm năng lượng mặt trời cho khách hàng mỗi tuần, tương đương 1.200 tấm mỗi năm.
Khi Standard mở nhà máy thứ 2 vào năm 2023, hãng dự kiến sẽ sản xuất được tới 50.000 tấm năng lượng mỗi năm. Đặc biệt hơn, sản phẩm của hãng có giá thành rẻ hơn Tesla, với việc lắp đặt cũng thuận tiện hơn.
Tất nhiên, việc gia tăng sản lượng không nói lên được nhiều điều cho Standard, hãng sản xuất vật liệu mái nhà lớn nhất thế giới. Cũng tương tự như các tập đoàn khác, Standard đang thiếu nhân lực trong mảng tấm năng lượng mặt trời và phải đào tạo thêm để cả những lao động mới ra tù hay cựu quân nhân nhằm đáp ứng nhu cầu.
Trung thành
Tờ FT nhận định sai lầm thứ 3 mà nhiều hãng công nghệ mắc phải trong năm 2022 là lầm tưởng khách hàng sẽ “trung thành” với sản phẩm của công ty. Lượng người hâm mộ hùng hậu của Apple, Tesla là nguyên nhân chính dẫn đến lầm tưởng này.
Trong đại dịch, nhiều công ty cho rằng đà tăng trưởng mạnh của họ là một xu thế kéo dài chứ không phải chỉ là một cú bật nhảy tức thời.
Vậy nhưng, sự suy giảm của những cái tên sáng chói trong đại dịch như Zoom Video Communications, Delivery Hero hay Peloton đã chứng minh sai lầm này.
Thậm chí, những tên tuổi lớn như Meta (Facebook), Tesla hay Apple cũng luôn phải lo lắng bị thay thế bởi một đối thủ hấp dẫn người dùng hơn.
“Trong ngành công nghệ nói chung và phần mềm nói riêng, hiệu ứng mạng là một lợi thế rất lớn, nhưng nó không phải là cây đũa thần hiệu nghiệm cho mọi trường hợp”, giám đốc David Garfield của Alix Partners cảnh báo.
Hiệu ứng mạng (Network Effects) là một hiện tượng mà theo đó, số lượng người hoặc người tham gia tăng lên sẽ nâng cao giá trị của một hàng hóa hoặc dịch vụ. Một ví dụ điển hình về hiệu ứng mạng chính là Internet.
Rõ ràng, việc tập trung hoàn thiện sản phẩm kém hấp dẫn hơn so với mục tiêu phát triển cái mới và phá vỡ công nghệ cũ. Thế nhưng theo FT, lối đi này với phần lớn doanh nghiệp cũng như ngành nghề lại là công thức để có thể tồn tại được lâu.
Tất nhiên, mọi thứ đều cần sự song hành để tránh rơi vào vết xe đổ của Nokia khi đánh mất thị trường vào tay Apple lẫn Samsung.
Nguồn:https://cafebiz.vn/