Theo Psychology Today, khủng hoảng tuổi trung niên xảy ra khi con người trở nên hoài nghi về sự sống chết của bản thân. Đây là khoảng thời gian khá nhạy cảm, thôi thúc con người đạt được và tạo ra những điều có ý nghĩa hơn trong cuộc đời mình.
“Sự hữu hạn của cuộc đời càng trở nên rõ ràng hơn khi chúng ta trải qua một vài đổi thay, biến cố”, bác sĩ Heather Z. Lyons – co-founder của trang WithTherapy.com – cho biết. Ngoài ra, đây cũng là thời điểm mà người trung niên dễ mắc các chứng rối loạn cảm xúc.
Bên cạnh đó, bác sĩ William Nathan Upshaw – Giám đốc Trung tâm Trị liệu NeuroSpa – cũng lưu ý, mọi người cần phân biệt rõ giữa khủng hoảng tuổi trung niên với bệnh lý trầm cảm để tìm hướng giải quyết phù hợp nhất.
“Điểm khác biệt nằm ở tần suất mà cảm xúc tiêu cực xuất hiện. Người bị khủng hoảng tuổi trung niên vẫn có những lúc cảm thấy ổn định và vui vẻ. Ngược lại, người bị trầm cảm thường xuyên cảm thấy chán nản và trải qua những triệu chứng tiêu cực gần như mỗi ngày”, ông giải thích.
“Trầm cảm là tình trạng rối loạn cảm xúc sinh học kéo dài, còn khủng hoảng tâm lý thì không.”
Dưới đây là một số dấu hiệu khủng hoảng tuổi trung niên mà bạn có thể bỏ qua.
1. Giảm hoặc tăng cân
Khủng hoảng tuổi trung niên có các triệu chứng khá tương đồng với trầm cảm. Một trong số đó là sự thay đổi về cân nặng. Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ đã liệt kê tăng/giảm cân là một trong những yếu tố rối loạn ở người bị khủng hoảng tâm lý.
Ở tuổi trung niên, việc trải qua một số thay đổi lớn là rất bình thường. Tuy nhiên, nếu sự thay đổi diễn ra quá đột ngột hoặc bất thường, hãy tìm đến sự trợ giúp của chuyên gia tư vấn.
2. Thờ ơ và chán nản
Nếu bỗng nhiên bạn mất hứng thú và nhiệt huyết với những hoạt động nằm trong sở thích trước đây, đây có thể là dấu hiệu của khủng hoảng tinh thần tuổi trung niên.
Ngoài ra, gánh nặng trưởng thành khiến họ cảm thấy áp lực và lạc lối. Từ đó, họ mắc kẹt trong những suy nghĩ tiêu cực, bỏ lỡ những cơ hội để tận hưởng niềm vui.
Lời khuyên dành cho bạn: hãy nghĩ đến những điều tích cực đang xảy ra xung quanh mình mỗi ngày. Bạn cũng cần học cách tiếp nhận những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời giữ vững tinh thần lạc quan và ý chí mơ ước.
Bạn cũng có thể thử thách bản thân bằng những thú vui mới mẻ. Xem chương trình học nấu ăn, đăng ký một lớp học khiêu vũ, tham gia CLB thể dục trong khu phố… là những ý tưởng không tồi.
3. Cảm thấy bản thân không đủ
Ở độ tuổi 40-50, bạn sẽ giật mình khi nhận ra rằng nửa đời người đã trôi qua, và cái chết đang ngày càng gần. Bạn tìm cách thấu hiểu hiện tại và kết nối với quá khứ và tương lai.
“Câu hỏi ‘Mình đã làm đủ chưa?” là cốt lõi của giai đoạn này, bác sĩ Mark Mayfield – CEO Trung tâm tư vấn Mayfield – giải đáp.
“Khi không thể đối mặt và trả lời một cách thành thật, chúng ta có thể rơi vào khủng hoảng. Từ đó, chúng ta sẽ có xu hướng làm những điều bốc đồng để đối phó hoặc làm tê liệt cảm xúc rối bời.”
Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội tuyệt vời để bạn điều chỉnh mục tiêu và làm lành với quá khứ. Bạn nên tận dụng cơ hội này để nhìn lại bản thân và thay đổi lối sống của mình.
4. Cơ thể xuất hiện những cơn đau bất thường
Khủng hoảng tuổi trung niên không chỉ là vấn đề tâm lý mà còn tác động trực tiếp tới cơ thể. Đau đầu hoặc đau dạ dày không rõ nguyên nhân cũng là những dấu hiệu bạn cần chú ý.
Bạn có thể nhờ bác sĩ kê một số loại thuốc để giảm nhẹ những triệu chứng không mong muốn này. Tuy nhiên, cách giải quyết triệt để nhất vẫn là tìm tới chuyên gia để được tư vấn.
5. Khó ngủ buổi đêm
Nếu bạn là phụ nữ trong độ tuổi trung niên và thường xuyên cảm thấy khó ngủ vào buổi đêm, nguyên nhân có thể là do mãn kinh hoặc những thay đổi về hormone khác.
Hiệp hội Giấc ngủ Quốc gia Hoa Kỳ từng cảnh báo, nồng độ estrogen trong thời kỳ tiền mãn kinh có thể khiến phụ nữ nhạy cảm hơn trước môi trường và các yếu tố khác. Do đó, họ dễ bị tỉnh giấc giữa đêm, dần dần chuyển thành mất ngủ.
Tuy nhiên, mất ngủ cũng có thể là dấu hiệu của khủng hoảng tuổi trung niên. Chính vì thế, những phụ nữ trong độ tuổi này cần chú ý hơn để tránh nhầm lẫn giữa hai nguyên nhân này.
6. Cảm thấy mình già hơn tuổi
Nếu lúc nào cũng cảm thấy mình già hơn tuổi thật, có thể bạn đang rơi vào khủng hoảng tuổi trung niên.
Giả thuyết này được củng cố bởi một nghiên cứu kéo dài 10 năm do ĐH Waterloo (Canada) thực hiện. Các nhà nghiên cứu nhận thấy, những người cảm thấy già hơn tuổi có sức khỏe tinh thần và mức độ hài lòng cuộc sống thấp hơn những người có thái độ lạc quan về tuổi tác.
Một nghiên cứu khác được tiến hành bởi ĐH bang Florida năm 2016 cũng cho thấy, nhiều phụ nữ trung niên cải thiện tâm trạng và nâng cao sức khỏe tinh thần bằng cách nghĩ rằng mình trẻ trung.
7. Đưa ra những quyết định hấp tấp
Trong quá trình tìm hiểu bản thân, bạn có thể sẽ vội vã đưa ra những kết luận quan trọng. Ví dụ: hôn nhân không hạnh phúc như mình tưởng, công việc chẳng còn phù hợp,… Đây là cách mà bạn trốn tránh hiện thực khi rơi vào khủng hoảng.
Điều nguy hiểm là, nếu đưa ra những quyết định bốc đồng chỉ dựa vào cảm xúc của mình, nhiều khả năng bạn sẽ phải đối mặt với kết quả không mong muốn. Bạn sẽ hối hận vì đã hành động mà không xem xét hậu quả về lâu dài.
8. Nhìn cuộc đời bằng con mắt bi quan
Thời còn trẻ, con người thường nghĩ rằng mình có tất cả thời gian trên thế gian, rằng mọi ước mơ của mình sẽ thành hiện thực trong tương lai. Tuy nhiên, khi bạn bước vào ngưỡng tuổi 40-50, tương lai không còn sáng sủa như xưa, thậm chí còn khá đáng sợ.
Ở tuổi trung niên, mọi người không còn nhìn cuộc đời dưới lăng kính màu hồng nữa. Hiện tại vô vị và tương lai ảm đạm có thể sẽ khiến bạn ngày càng suy nghĩ theo chiều hướng bi quan.
Bạn bắt đầu cảm thấy hoài nghi về cuộc sống và tự hỏi liệu mình có đang đi đúng đường. Lc này, có thể bạn chợt nhận ra mình chỉ đang sống cho vừa lòng gia đình, hoặc tự gò bó mình trong “chuẩn mực xã hội”. Bạn đột nhiên cảm thấy lạc lõng hơn bao giờ hết.
Dù vậy, khủng hoảng tuổi trung niên cũng cho bạn cơ hội nhìn nhận lại bản thân, loại bỏ những thứ không còn phù hợp ra khỏi cuộc sống của mình.
9. Cảm thấy mất mát
Đã bao giờ bạn trải qua cảm giác khó chịu như thể một thứ gì đó trong cuộc sống vừa tuột khỏi tay mình? Cảm giác mất mát này chính là một phần của khủng hoảng tuổi trung niên.
Không còn hoài bão tuổi trẻ, chẳng biết mình là ai giữa dòng đời xô bồ,… – những cảm giác này đẩy con người vào cảm giác thất vọng và bất an. Đối với một số người, việc hoàn thành các mục tiêu đặt ra cũng đem lại cảm giác mất mát, bởi họ không biết mình sẽ làm gì tiếp theo.
Để thoát khỏi tình trạng này, bạn nên tin rằng nhiều điều tốt đẹp đang chờ mình phía trước. Ở tuổi 40-50, bạn không chỉ khôn ngoan hơn mà còn hiểu rõ hơn về bản thân mình. Dù ở trong hoàn cảnh nào, bạn vẫn có thể đặt ra cho mình những mục tiêu mới để phấn đấu.
10. Quan tâm thái quá hoặc bỏ bê ngoại hình
Ai cũng muốn mình trông thật chỉn chu và bảnh bao khi ra ngoài đường. Thế nhưng, nếu bạn dành hàng giờ đồng hồ soi gương chỉ tìm nếp nhăn và tóc bạc, đây có thể là dấu hiệu khủng hoảng tâm lý.
Hiện tượng này xảy ra ở cả nam giới và nữ giới, nhưng thường xuất hiện nhiều hơn ở những người độc thân. Không chỉ lo lắng, một số người còn tìm đến các biện pháp cực đoan để lấy lại vẻ đẹp thời trẻ của mình.
Ngược lại, cũng có không ít người trung niên bỏ bê ngoại hình khi gặp khủng hoảng. Họ chán nản đến mức vứt hết các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp, thậm chí còn không buồn chăm chút cho bản thân.
nguồn: cafef.vn