Kinh nghiệm quản lý dân cư bằng công nghệ tại Singapore
Singapore là một trong những quốc gia đi đầu châu Á về phát triển năng lực quốc gia trong kỷ nguyên số. Ngay từ năm 2003, Singapore đã triển khai việc sử dụng định danh kỹ thuật số cấp quốc gia hay còn được gọi là SingPass được cấp cho các công dân Singapore từ 15 tuổi trở lên. Nhờ vậy mà người dân đảo quốc sư tử có thể truy cập 1 cách thuận tiện, nhanh chóng và an toàn vào hàng nghìn dịch vụ kỹ thuật số.
Không cần phải ghi nhớ mật khẩu phức tạp, chỉ cần sử dụng khuôn mặt định danh để truy cập các dịch vụ cần thiết. Ứng dụng SingPass sẽ giúp hàng triệu người dân Singapore truy cập 1 cách thuận tiện và an toàn tới hơn 2.000 dịch vụ số của hơn 700 cơ quan chính phủ và doanh nghiệp trong tầm tay.
Ban đầu, SingPass được sử dụng nhằm giải quyết vấn đề chính là việc mỗi cơ quan chính phủ cần phải có bộ công cụ xác thực thông tin cá nhân của riêng cơ quan đó để xác minh danh tính người dùng. Nhưng sau đó, SingPass đã phát triển thành một cổng điện tử và mỗi năm xử lý khoảng 300 triệu giao dịch giúp nó trở thành một trong những hệ thống định danh kỹ thuật số quốc gia được áp dụng rộng rãi nhất trên thế giới.
Chỉ cần mở ứng dụng Singpass trên điện thoại thông minh, người dân đã có thể tiếp cận với rất nhiều dịch vụ, từ ngân hàng, bảo hiểm cho đến chăm sóc sức khỏe và các dịch vụ công khác. Hiện tại, 97% người dân Singapore từ 15 tuổi trở lên đã có tài khoản Singpass. Được Cơ quan Công nghệ Chính phủ quản lý, Singpas là 1 trong 8 dự án quốc gia chiến lược giúp định hướng tầm nhìn Quốc gia thông minh của Singapore.
Tầm quan trọng của phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư
Đến nay đã 6 tháng triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án được khởi động trên nền tảng thành công của 2 đề án rất quan trọng được hoàn thành trong năm ngoái: Thứ nhất là đề án xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thứ 2 là Đề án sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân. Đây là một bước tiến trong quá trình đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp để người dân và doanh nghiệp được thụ hưởng.
5 nhóm tiện ích cốt lõi được xây dựng, với lộ trình đưa hầu hết các dịch vụ công trực tuyến lên mức độ 4. Kết nối, chia sẻ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và đưa vào vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử, công dân sẽ được định danh số thống nhất, chính xác, mức độ tin cậy cao. Công dân chỉ phải cung cấp thông tin một lần khi thực hiện các thủ tục hành chính khác nhau. Dự kiến, năm 2022, nếu hoàn thành việc tái cấu trúc, tích hợp, chia sẻ dữ liệu dân cư phục vụ định danh, xác thực và giải quyết 25 thủ tục hành chính thiết yếu sẽ giúp tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm.
Phát huy vai trò “nguồn tài nguyên số quý báu về dân cư”, Đề án sẽ thúc đẩy chuyển đổi số không chỉ trong các cơ quan, tổ chức, mà còn dần hình thành công dân số, hoàn chỉnh hệ sinh thái số, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Việc cấp căn cước công dân gắn chip và cấp tài khoản định danh điện tử có liên kết gì với nhau? Liệu có phải không có căn cước gắn chip thì không thể có tài khoản định danh điện tử? Vấn đề được quan tâm nhất là tính bảo mật của hệ thống. Vậy việc này được tính toán thế nào? Việc cấp tài khoản định danh điện tử thời điểm này là chưa bắt buộc. Vậy lộ trình dự kiến sẽ như thế nào?
Cùng tìm hiểu những vấn đề này trong chương trình Vấn đề hôm nay với khách mời là Đại tá Vũ Văn Tấn – Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an.
Nguồn:https://cafebiz.vn/