San hô Vịnh Nha Trang hiện bị suy giảm.
UBND tỉnh Khánh Hòa đặt ra 16 nhiệm vụ, giải pháp gồm: nâng cao nhận thức, kiến thức về cách ứng xử thân thiện với môi trường vịnh Nha Trang; tạm dừng các hoạt động có nguy cơ gây hại đến môi trường và rạn san hô tại khu vực biển Hòn Mun và vịnh Nha Trang; phục hồi san hô tại khu vực Hòn Mun và vịnh Nha Trang… Tỉnh sẽ khảo sát, phân vùng chức năng khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, xây dựng sinh kế bền vững của cộng đồng gắn với bảo tồn rạn san hô; hỗ trợ phục hồi và bảo tồn rùa biển trong khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang và vùng biển lân cận; rà soát, khoanh vùng bảo vệ các khu vực biển có san hô đang phục hồi, có bãi giống và bãi đẻ của thủy sản…
Hoạt động nuôi trồng, du lịch trên vịnh Nha Trang tác động đến rạn san hô.
Hiện nay, phần lớn rạn san hô tại Hòn Mun bị suy giảm. Ngoài nguyên nhân khách quan do biến đổi khí hậu, thiên tai còn do con người tác động lên hệ sinh thái biển vịnh Nha Trang như nạn khai thác thủy sản trái phép, nạo vét, xây dựng các công trình ven biển không đúng quy định; xả thải từ các hoạt động du lịch… Hiện nay, thành phố Nha Trang tạm dừng hoạt động du lịch lặn biển tại các khu vực dễ làm tổn hại rạn san hô trong vùng vịnh, đặc biệt là ở Hòn Mun.
Ông Đàm Hải Vân, Phó Trưởng Ban quản lý Vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Sau khi UBND tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể phục hồi Vịnh Nha Trang, chúng tôi tiếp tục khảo sát, đánh giá, phân vùng các khu chức năng bảo tổn biển. Khu vực nào nhạy cảm không thể tác động bởi việc xây dựng các dự án ven biển, ven bờ, xây lắp có tác động đến hệ sinh thái ven bờ như vậy, phải có kế hoạch, chiến lược quản lý tổng quát. Từ đó, tham mưu cho UBND thành phố, UBND tỉnh trong việc đầu tư, xây dựng các hạng mục trong và ven vịnh Nha Trang có khả năng tác động đến hệ sinh thái của vịnh”.
Nguồn:https://cafebiz.vn/