Tăng cường phát triển bảo hiểm xã hội cho người dân vùng cao

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền

Lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu ổn định là những đặc trưng của lao động vùng miền núi, DTTS. Bà con hằng ngày phải xoay vần với gánh nặng mưu sinh, lo cho từng miệng ăn chứ chưa nói đến tham gia BHXH, BHYT. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn.

Theo bà Ma Thị Duyên ở huyện Chiêm Hoá (tỉnh Tuyên Quang): “Đa phần người DTTS chúng tôi tại đây chủ yếu thu nhập dựa vào nguồn thu từ nương rẫy để sống. Mùa màng tốt thì đủ ăn, mất mùa thì cuộc sống lao đao. Dù thu nhập không ổn định nhưng khi được nghe tuyên truyền về lợi ích của BHXH và việc được Nhà nước hỗ trợ để người dân tham gia BHXH, dù gia đình còn gặp khó khăn nhưng tôi cùng các thành viên vẫn quyết định tham gia, xem như về già có chỗ dựa, đỡ vất vả cho con cháu”.

Nhưng cũng theo bà Ma Thị Duyên, không phải ai trong bản làng của bà cũng hiểu được điều này.

Thực tế cho thấy, tham gia BHXH, BHYT, đồng bào các dân tộc thiểu số được hưởng rất nhiều quyền lợi trong khám, chữa bệnh cũng như chế độ khi về già. Có mặt tại bộ phận giao dịch một cửa của BHXH huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái), ông Đinh Trọng Đức được cán bộ BHXH hướng dẫn nhiệt tình các thủ tục xin cấp lại thẻ BHYT.

Vợ ông Đinh Trọng Đức không may bị bệnh, thẻ BHYT bị thất lạc nên ông vội vã đến BHXH huyện Mù Cang Chải để xin cấp lại thẻ BHYT. Nhà xa điểm giao dịch, đi bộ từ sáng sớm đến nơi cũng gần 11 giờ rưỡi trưa nhưng ông vẫn được cán bộ đón tiếp nhiệt tình. Thủ tục cấp lại thẻ BHYT cho vợ ông cũng được cán bộ giải quyết nhanh do nắm được nguyện vọng của ông.

“Các cán bộ dặn dò tôi cách bảo quản thẻ BHYT, những quy định cần chú ý và thực hiện khi đưa vợ đi viện. Cầm tấm thẻ BHYT trong tay, tôi yên tâm phần nào đưa vợ đi chữa bệnh. Tôi rất mong các gia đình khác hãy hiểu về lợi ích của tấm thẻ BHYT mà nỗ lực tham gia”, ông Đinh Trọng Đức chia sẻ.

Vì lợi ích của người dân

Vùng DTTS và miền núi là “lõi nghèo” của cả nước. Đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, thu nhập bình quân đầu người chỉ bằng khoảng 1/3 so với thu nhập bình quân cả cả nước. Ngoài ra do điều kiện địa lý, phương tiện thông tin, truyền thông còn hạn chế nên hầu hết bà con chưa hiểu hết giá trị, lợi ích mà BHXH, BHYT mang lại.

Vì thế, việc tuyên truyền, vận động để bà con hiểu, chủ động trích một phần thu nhập tham gia BHXH hưởng lương hưu khi về già, BHYT để bảo vệ sức khỏe cho gia đình luôn là thách thức không nhỏ với những người làm công tác BHXH.

Chị Nguyễn Thị Oanh, chuyên viên tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thủ tục hành chính của BHXH huyện Mù Cang Chải tâm sự: “Đến từng hộ gia đình, chúng tôi nhận thấy nhận thức của bà con về hiểu biết pháp luật, chính sách BHXH, BHYT còn hạn chế. Tuyên truyền để bà con hiểu cũng không phải dễ dàng do bất đồng ngôn ngữ. Đôi khi còn phải rất kiên nhẫn, giải thích lại nhiều lần, dùng hình ảnh minh hoạ dễ hiểu để người dân địa phương hiểu và ghi nhớ”.

Khác với việc triển khai BHXH miền xuôi, ở miền núi, rất nhiều hộ gia đình nằm ở khu vực có địa hình hiểm trở, phương tiện khó di chuyển.

Chị Nguyễn Thị Oanh cho biết thêm: “Cán bộ BHXH chúng tôi luôn tâm niệm phải tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất khi người dân đến làm thủ tục. Chúng tôi thường xuyên làm việc ngoài giờ hành chính, thực hiện phương châm chờ dân đến chứ không để dân phải chờ. Nhiều khi 9 giờ tối, người dân đến, chúng tôi vẫn ra trụ sở để tiếp nhận hồ sơ, giải quyết. Có phần vất vả nhưng vì thấu hiểu những khó khăn cũng như để đảm bảo lợi ích chính đáng cho bà con, chúng tôi sẵn sàng tạm gác việc nhà để đến cơ quan làm việc thêm ngoài giờ”.

Hay tại tỉnh Tuyên Quang, bà Hà Thị Nhung, Phó Giám đốc Phụ trách BHXH tỉnh Tuyên Quang cho hay: “Với đặc thù địa phương có đông bà con DTTS, đồng bào sống ở vùng cao, không còn cách nào khác là cán bộ BHXH phải bám bản, bám làng để tăng cường công tác tuyên truyền, vận động. Có tích cực làm thì bà con mới hiểu hết giá trị tích cực của BHXH và BHYT. Đây là những chính sách an sinh, xã hội đầy giá trị thiết thực của Đảng và Nhà nước; mở ra cơ hội cho người dân, nhất là người dân sinh sống ở những vùng gặp nhiều khó khăn được ổn định cuộc sống”.

Ngoài tuyên truyền, một số địa phương cũng đang nỗ lực ban hành chính sách hỗ trợ đóng BHYT cho người cao tuổi, người DTTS.

Cụ thể mới đây, HĐND tỉnh Lào Cai đã ban hành Nghị quyết số 25/2022/NQ-HĐND về hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người DTTS có hoàn cảnh khó khăn đặc thù trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, tỉnh Lào Cai sẽ hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho nhóm người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi, người dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Bố Y, dân tộc Lô Lô…) đang thường trú trên địa bàn tỉnh Lào Cai chưa được hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế theo quy định. Mức hỗ trợ bao gồm hỗ trợ 50% mức đóng cho người cao tuổi từ đủ 60 tuổi đến dưới 80 tuổi; hỗ trợ 100% mức đóng cho người dân tộc có khó khăn đặc thù (dân tộc Bố Y, dân tộc Lô Lô…).

Người nào thuộc nhiều nhóm đối tượng được hỗ trợ thì chỉ được hưởng theo mức hỗ trợ cao nhất. Thời gian hỗ trợ từ ngày 1/1/2023 đến hết ngày 31/12/2025. Nguồn kinh phí hỗ trợ được trích từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh.

Trong thời gian tới, tại cơ quan BHXH các huyện vùng cao, biên giới sẽ tiếp tục đẩy mạnh phối hợp, chia sẻ dữ liệu với cơ quan Bưu điện và hệ thống đại lý thu để tăng cường vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đồng thời phối hợp các ngành chuyên môn, đại lý thu BHXH tự nguyện tăng cường tuyên truyền, giải thích rõ cho người dân hiểu được những lợi ích khi tham gia BHXH tự nguyện để người dân hưởng ứng tích cực, tạo sự lan tỏa của chính sách trong cộng đồng

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *