Tàu du lịch siêu độc đáo sắp hoạt động trên tuyến Huế – Đà Nẵng

Kết nối ray với đường sắt quốc gia

Tổng công ty Đường sắt VN vừa gửi văn bản kiến nghị Bộ GTVT cho phép kết nối ray đường sắt chuyên dùng Dự án Tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước đoạn Huế – Đà Nẵng với đường sắt quốc gia.

Trước đó, DN này đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Du lịch ịch vụ đường sắt Đông Dương Hợp tác vận chuyển khách du lịch trên đoàn tàu kéo bằng đầu máy hơi nước trên tuyến Thống Nhất đoạn Huế – Đà Nẵng.

Tàu du lịch siêu độc đáo sắp hoạt động trên tuyến Huế - Đà Nẵng - 1

Đầu máy hơi nước đã được khôi phục xong, chờ kéo tàu du lịch Huế – Đà Nẵng

Để đưa đầu máy hơi nước vào khai thác sẽ đòi hỏi một số công trình phụ trợ kèm theo như cầu quay để quay đầu đầu máy, nhà chỉnh bị, đường chỉnh bị, hệ thống cấp than và cấp nước…; Khu vực chỉnh bị toa xe. Cùng đó là khu hạ tầng phụ trợ như trạm nghỉ…

Vì vậy, cần kết nối ray đường sắt chuyên dùng các khu vực này với đường sắt quốc gia tại các ga đường sắt quốc gia hiện hữu để phục vụ chỉnh bị đầu máy, toa xe của dự án.

Do đó, TCT Đường sắt VN đề nghị Bộ GTVT chấp thuận chủ trương kết nối tuyến đường sắt chuyên dùng của của dự án tàu du lịch bằng đầu máy hơi nước với tuyến đường sắt Hà Nội – TP.HCM với thời gian khai thác, sử dụng kết nối là 30 năm.

Cụ thể, địa điểm vị trí kết nối là tại ga Huế, ga Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế) và tại ga Kim Liên (TP. Đà Nẵng).

Cấp kỹ thuật của đường sắt có nhu cầu kết nối là đường sắt chuyên dùng; Khổ đường 1.000mm. Sau khi kết nối, sẽ chạy tàu với tải trọng đoàn tàu 14T/trục; Khai thác 2 đôi tàu trên cung đoạn Huế – Lăng Cô – Kim Liên với thành phần đoàn tàu: 1 đầu máy hơi nước, 5 toa khách và 1 toa xe công vụ phát điện.

Kinh phí đầu tư xây dựng, quản lý, bảo trì, khai thác do Công ty TNHH Du lịch Dịch vụ đường sắt Đông Dương chịu trách nhiệm.

Về phương án quản lý, Tổng công ty Đường sắt VN sẽ sử dụng và bảo vệ, đất và tài sản trên đất dành cho đường sắt tại vị trí kết nối khi kết nối; Quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt tại vị trí kết nối sau khi kết nối.

Đoàn tàu du lịch “hoài cổ”

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Quốc Minh, đại diện Công ty Đông Dương cho biết, công ty đã khảo sát, đánh giá kĩ nhu cầu của khách du lịch, chủ yếu là khách nước ngoài. Chính vì vậy, công ty đã theo đuổi dự án từ năm 2016 đến nay với tổng mức đầu tư lên đến cả trăm tỷ đồng.

Tàu du lịch siêu độc đáo sắp hoạt động trên tuyến Huế - Đà Nẵng - 2

Đoàn tàu khách đầu máy hơi nước.

Hợp tác với Tổng công ty Đường sắt VN, Công ty Đông Dương bỏ vốn đầu tư toàn bộ từ đóng mới, cải tạo đầu máy, toa xe để kinh doanh vận tải đường sắt cũng như hạ tầng công trình phụ trợ; Thuê kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đất giành cho đường sắt để phục vụ tổ chức chạy tàu.. Tổng công ty Đường sắt VN cung cấp dịch vụ điều hành giao thông vận tải, biểu đồ chạy tàu…

Về quy mô dự án, cải tạo hoặc đóng mới 10 toa xe vận dụng và 3 toa xe dự trữ, dự kiến bao gồm 1 toa VIP, 1 toa xe ngồi, 1 toa hành lý, máy phát điện với thiết kế nội thất theo phong cách châu Âu cổ; Khôi phục 3 đầu máy hơi nước để chạy hai đôi tàu.

Về hạ tầng phụ trợ, cần xây dựng hạ tầng trạm cầu quay chỉnh bị đầu máy đầu máy hơi nước. Ngoài ra, cần khoảng 5.000m để xây dựng trạm nghỉ, cung cấp các dịch vụ ăn uống, giải trí, bán đồ lưu niệm… cho hành khách.

“Sau khi được Bộ GTVT chấp thuận cho phép kết nối ray, hai bên sẽ tiến hành xây dựng hạ tầng phụ trợ. Hoàn thành hạ tầng này mới lên phương án tổ chức chạy tàu cụ thể”, ông Minh cho hay.

Nhận định hiệu quả dự án về mặt xã hội, đại diện Tổng công ty Đường sắt VN cho biết, khi đi vào hoạt động dự án làm tăng thị phần vận tải đường sắt, tăng lượng khách du lịch đến Huế và Đà Nẵng, thúc đẩy ngành du lịch địa phương phát triển, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Mặt khác do lượng khách du lịch tăng lên đáng kể vì vậy sẽ làm tăng lưu lượng vận chuyển trên các phương tiện, tăng thêm số lượng việc làm, góp phần ổn định an sinh xã hội.

Dự án khôi phục đầu máy hơi nước cũ để kéo tàu. Đây là đầu máy MIKADO (Tự lực) có tải trọng trục 10,50 tấn đã được khôi phục xong và đã được Cục Đăng kiểm VN cấp giấy chứng nhận kiếm định.

Công ty CP Xe lửa Dĩ An, đơn vị đảm nhận phục hồi đầu máy hơi nước và đóng mới toa xe cho biết, các đầu máy hơi nước được phục hồi nguyên bản với công suất 900 mã lực, đủ sức kéo 5 toa xe khách qua đèo Hải Vân vì các toa xe khách tổng trọng nhỏ, trong khi đó đầu máy này trước kia vẫn thường sử dụng kéo cả tàu hàng.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *