Đó là dữ liệu được Bộ trưởng Bộ Tài chính cập nhật trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội trước thềm hoạt động chất vấn bắt đầu từ chiều mai (07/6).
Tại báo cáo này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chỉ đề xuất hai giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thời gian tới – một trong các nội dung Quốc hội quyết định chất vấn ông.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể Bộ Tài chính có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát, ban hành kịp thời quyết định điều chỉnh bổ sung bảng giá đất cụ thể đối với từng vị trí, đảm bảo phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường và giá bán của chủ đầu tư.
Bộ đã chỉ đạo cơ quan thuế không được gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế trong quá trình xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản. Đồng thời đã quán triệt cán bộ, công chức ngành thuế tham gia vào công tác xử lý hồ sơ chuyển nhượng bất động sản thực hiện nghiêm túc các quy định về trình tự, thủ tục xử lý hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính và quy trình làm việc trực tiếp với người nộp thuế theo quy định và có cơ chế giám sát cán bộ, công chức trong quá trình tuyên truyền, hướng dẫn việc kê khai giá chuyển nhượng bất động sản cho người nộp thuế.
Bộ cũng chỉ đạo các Cục Thuế triển khai rà soát các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản và yêu cầu giải quyết, xử lý kịp thời cho người dân và doanh nghiệp đúng theo quy định của pháp luật.
Kết quả đạt được là số thu thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản năm 2021 đạt 21 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 4,9 nghìn tỷ đồng (tỷ lệ tăng 30%) so với năm 2020. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2022, kết quả thu từ thuế thu nhập cá nhân của hoạt động chuyển nhượng bất động sản dự kiến đạt được 16 nghìn tỷ đồng; tăng 68,6% so với 5 tháng đầu năm 2021, tương ứng tăng 6,6 nghìn tỷ đồng.
Tại báo cáo, Bộ trưởng cũng chỉ ra hạn chế trong quá trình thực hiện, đó là hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản chịu sự điều chỉnh của pháp luật thuế về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế.
Công tác thu thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn gặp một số khó khăn, như các chính sách liên quan đến đất đai đã được quy định, các văn bản này được quy định bởi nhiều cơ quan, ban ngành quản lý nhà nước, các quy định này chưa đồng bộ nên việc xác định giá thị trường của bất động sản vẫn gặp rất nhiều khó khăn.
Khó nhất hiện nay là Luật Đất đai quy định bảng giá đất ổn định 5 năm, trong khi thực tế giá thị trường bất động sản lại biến động liên tục, vì vậy dẫn đến việc giá đất do UBND cấp tỉnh quy định không sát với giá của thị trường.
Khó khăn tiếp theo là văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định cơ chế kiểm soát dòng tiền đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản. Ý thức tự giác thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân chưa cao. Nhận thức chưa đầy đủ về chính sách pháp luật thuế và pháp luật có liên quan, chưa nhận thức được hậu quả khi khai thuế với giá không đúng với giá thực tế chuyển nhượng.
Văn phòng đăng ký đất đai chuyển hồ sơ đến cơ quan thuế thường sát ngày hẹn trả kết quả hoặc chậm dẫn đến áp lực về thời gian trả kết quả xác định nghĩa vụ tài chính về đất, gây chậm trễ về thủ tục hành chính.
Về giải pháp khắc phục thời gian tới, Bộ trưởng cho biết sẽ sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất với Chính phủ để thực hiện một số giải pháp, như tổ chức rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung đảm bảo thống nhất, đồng bộ.
Giải pháp thứ hai là bổ sung quy định thanh toán qua ngân hàng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản tại Điều 16 Luật kinh doanh bất động sản số 66/2014/QH13 ngày 25/11/2014.