Việt Nam có 7 nữ doanh nhân được tôn vinh, trong đó có bà Bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Liên Thái Bình Dương (IPPG).
Được biết, IPPG được thành lập từ năm 1985, theo mô hình Công ty gia đình chỉ với 26 nhân viên. Đến nay, sau 30 năm IPPG đã có 43 Công ty con và Công ty Liên doanh tại Việt Nam, tạo công ăn việc làm cho 22.000 lao động trong nước, trong đó hơn 60% là lao động nữ và 70% lãnh đạo của IPPG là nữ.
Thuyết trình tại diễn đàn, bà Thủy Tiên đã nhấn mạnh:
“Là những Nữ Doanh nhân Việt Nam, chúng tôi rất tự hào vì đã được thừa hưởng truyền thống bất khuất quật cường của Bà Trưng Bà Triệu – các Nữ tướng của Việt Nam từ thời chiến hàng ngàn năm trước, nay đứng giữa thời bình, thương trường sẽ giống như một chiến trường. Trong bối cảnh hội nhập đầy thách thức này, chúng tôi càng phải tự phấn đấu và “chiến đấu” đến cùng để doanh nghiệp mình tồn tại và phát triển vững mạnh. Nhưng muốn ra trận và “thắng” thì phải có những bước chuẩn bị rất bài bản: đó là kế hoạch hành động để Hội nhập sâu rộng, kế hoạch này được đặt bởi nhiệt huyết và sự quyết tâm của cả một tập thể mà trước hết người lãnh đạo phải là người khởi xướng”.
Chia sẻ kinh nghiệm của một doanh nhân nữ Việt Nam với cộng đồng doanh nhân nữ ASEAN, bà Thủy Tiên cho biết:
“Hơn 15 năm với vai trò là Tổng Giám Đốc điều hành IPP, bản thân tôi và Ban Điều Hành luôn rất thận trọng và cân nhắc trong việc phát triển công ty, chúng tôi luôn tự đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi trước khi hoạch định chiến lược bước vào giai đoạn phát triển lớn mạnh tiếp theo”.
Để định vị IPPG trong ngành kinh doanh cùng lĩnh vực, và đánh giá cơ hội mở rộng ra sao, chúng tôi đã phân tích tăng trưởng ngành kinh doanh chủ chốt của IPPG so sánh với chỉ số kinh doanh ngành tại Việt Nam và khu vực, tạo ra vị trí nhất định của Công ty mình trong ngành. Đây là điểm mạnh tuyệt đối của Doanh nghiệp nội địa. IPPG cũng xác định hướng đi dứt khoát không đầu tư hoạt động dàn trải, chạy theo xu hướng “thị trường” trong khi nội lực chưa vững.
Để theo đuổi chiến lược mở rộng quy mô Cty, vốn là bài toán đau đầu nhất của tất cả các Doanh nghiệp và IPPG cần các hỗ trợ tích cực từ các thể chế của Chính phủ và hệ thống ngân hàng để có đủ vốn phát triển. Để nhận được sự hỗ trợ Công ty IPP lớn mạnh được như ngày hôm nay, chúng tôi luôn phải chứng minh tính khả thi của các dự án bằng các nghiên cứu bài bản, đi sát với thực tế, số liệu trung thực, phương thức quản lý khoa học hiệu quả, minh bạch, có phòng ngừa rủi ro chứ không làm dự án toàn màu “Hồng”.
Chúng tôi luôn thực thi theo giá trị là “tiêu tiền để kiếm tiền”, có nghĩa là phải cân đối việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, phần cứng, phần mềm, quy trình để “thích ứng” từng giai đoạn “Phình to” hoặc Mở rộng Công ty, đồng thời phải tạo ra doanh số và lợi nhuận tương ứng, luôn phải tối ưu hóa nguồn vốn…
“Mỗi giấc mơ của chúng ta đều vĩ đại, nhưng sự nhẫn nại tìm tòi cơ hội tỏa sáng là thử thách mà chúng tôi phải vượt qua”. Bà Thủy Tiên nhấn mạnh trong bài thuyết trình. Tâm sự cùng với các doanh nhân nữ bà Thủy tiên cho cho biết: Tôi mong rằng các Đồng nghiệp và tòan thể các chị em phụ nữ các nước Asean phát huy hơn nữa “quyền lực mềm” của mình để phát triển và làm giàu đất nước trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa”.