“Tốt lành” chính là đạo kinh doanh cốt lõi nhất

Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký quyết định số 1846/QĐ-TTG ngày 26/9/2016 lấy ngày 10/11 hằng năm là ngày Văn hóa Doanh nghiệp. 6 năm qua, ngày Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã khẳng định vai trò, vị trí và tầm quan trọng của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế bền vững cho đất nước. 

Theo tôi, văn hóa là chiều sâu bên trong, đó chính là tâm địa, bản tính, là niềm tin, lẽ sống, là giá trị, nguyên tắc… những thứ sẽ dẫn đường cho ta đi, sẽ định hình cách ta nghĩ, cách ta sống, cách ta làm, cũng như chi phối mọi thái độ và hành xử của ta.

Văn hóa quốc gia chính là gốc rễ hình thành nên bản tính, dân tộc tính của con người trong quốc gia đó. Ví dụ nói về dân tộc tính, khi hỏi: “Người Nhật có dân tộc tính gì nổi bật? Nhiều người có thể kể ra ngay rất nhiều “dân tộc tính” của người Nhật như tín thực, kỷ luật, cẩn trọng, chất lượng… Một ví dụ khác là dân tộc tính của Hàn Quốc, không phải tự nhiên mà họ có Samsung, LG… chinh phục toàn thế giới, có nhóm nhạc BTS và BlackPink làm say mê giới trẻ 5 châu, hay có kiệt tác điện ảnh Ký sinh trùng và gần đây nhất phim Trò chơi con mực trở thành hiện tượng toàn cầu – tất cả đều xuất phát từ khát vọng trở thành một quốc gia chinh phục thế giới của Hàn Quốc, không chỉ về kinh tế, mà còn về làn sóng văn hóa… Khi họ có một lý tưởng, một niềm tin, một khát vọng thì tất cả ngành, nghề, lĩnh vực của họ cũng sẽ kéo theo. Lý tưởng, khát vọng và niềm tin đó chính là một phần trọng yếu của văn hóa.

Vậy khi nói về dân tộc tính của Việt Nam thì chúng ta sẽ kể ra những điều gì? Có thể có nhiều điều để tự hào, nhưng cũng có rất nhiều điểm khiến chúng ta hổ thẹn trước thế giới. Thế nên, muốn vươn lên, chúng ta phải bắt đầu từ văn hóa, trong đó có văn hóa doanh nghiệp (DN).

Với góc nhìn này, khát vọng 2045 của Việt Nam chỉ có thể được hiện thực hóa khi từng DN Việt có thể xây dựng được một chiến lược văn hóa theo cùng một chí hướng. Cụ thể hơn, tôi cho rằng, cộng đồng DN Việt Nam cần cùng nhau khai mở một nền quản trị mới. Đó là một nền quản trị với “khát vọng dân tộc và chuẩn mực toàn cầu”, với “tinh thần Việt Nam và tinh hoa thế giới”.

Và trong kỷ nguyên mới này, đất nước chúng ta cũng cần hướng đến một thế hệ doanh nhân mới, một thế hệ doanh nhân không chỉ có cá tính lãnh đạo, mà còn có chiều sâu văn hóa, với tính nhân bản và tinh thần ái quốc; một thế hệ doanh nhân “rất nhân loại, rất dân tộc và cũng rất chính mình”.

Picture1-6070-1636447946.jpg

Thật ra, bình thường thì có thể ít ai để tâm đến văn hóa, nhưng bất kỳ khi nào gặp khó khăn, nghịch cảnh, hay bất kỳ lúc nào có khát vọng bứt phá mạnh mẽ thì đó là lúc văn hóa sẽ xuất hiện. Hiện nay, DN Việt Nam đang trong giai đoạn khủng hoảng của đại dịch. Covid-19 không chỉ là tên của đại dịch, mà còn là tên của “phép thử” cho quốc gia, DN và người dân. Thứ nhất là “phép thử tầm nhìn”. Thứ hai là “phép thử nội lực”. Thứ ba là “phép thử bản lĩnh”. Nếu DN có tầm nhìn xa, có nội lực mạnh và có bản lĩnh vững thì sẽ vượt qua đại dịch này bất kể họ bị ảnh hưởng nhiều hay ít. Còn ngược lại, đại dịch này là cơ hội để nhận ra chính mình, đó là nội lực của mình còn yếu, tầm nhìn mình còn hạn chế và bản lĩnh cũng chưa thực sự vững vàng như mình vẫn nghĩ.

Trên thực tế, có ba nhóm DN bị ảnh hưởng rõ rệt bởi Covid-19. Nhóm 1 đã sụp ngay khi gặp khó khăn, nhóm 2 ít bị ảnh hưởng và phất lên nhờ hưởng lợi từ Covid-19 (nhất là những ngành liên quan đến online), còn nhóm 3 thì bị ảnh hưởng nhiều nhưng không bị sụp mà xem đại dịch là một phép thử để vượt qua. Tôi rất thích nhóm 3, vì họ biết “biến nguy thành cơ”, biết cách tái sinh chính mình không chỉ để sinh tồn, mà còn mở ra những vận hội mới chưa từng có.

Trong sự thành công của họ, yếu tố văn hóa là then chốt, bởi vì tầm nhìn, nội lực, bản lĩnh đều là văn hóa cả. Trong khốn khó, văn hóa DN cũng được bộc lộ qua cái tâm và cái tầm của công ty với nhân viên, và nhân viên cũng thấy rõ được đây là một công ty mà mình có thể gắn bó và phát triển. Ở chiều ngược lại, trong khó khăn cũng giúp công ty hiểu hơn về văn hóa của từng nhân viên trong đội ngũ của họ. Bởi lẽ, giàu có hay khốn khó không làm thay đổi con người, mà nó chỉ làm lộ ra con người thực và văn hóa thực của mình mà thôi.

Hiểu rõ giá trị của văn hóa DN, 20 năm trước, kể từ khi ra đời vào năm 2001, Trường Doanh nhân PACE trở thành nơi đầu tiên tại Việt Nam biến văn hóa DN thành một môn học chính thức của nhà trường để triển khai rộng rãi cho cộng đồng DN cả nước, song song đó là những đầu sách quý trên về văn hóa DN mà chúng tôi biên dịch, biên soạn và xuất bản để không chỉ chia sẻ lý thuyết mà còn minh họa cụ thể về văn hóa DN và văn hóa kinh doanh cổ – kim, Đông – Tây.

Khi hiểu được tầm quan trọng của văn hóa DN, chúng ta đến với câu hỏi tiếp theo đã làm đau đầu không biết bao nhiêu nhà lãnh đạo DN, đó là: “Tại sao rất nhiều DN muốn xây dựng văn hóa, nhưng lại có rất ít DN xây dựng văn hóa thành công?”. Tôi cho rằng, có 4 nguyên nhân chính như sau:

Thứ nhất, thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa và tầm quan trọng của nó đối với sự tồn vong của tổ chức. Ai cũng có thể nói hay bàn về văn hóa, nhưng để hiểu một cách sâu sắc là điều không hề dễ dàng. Chúng ta không thể xây dựng hay kiến tạo một thứ mà chúng ta còn đang mơ hồ về nó, cũng như giá trị mà nó mang lại.

Thứ hai là thiếu sự định hình rõ ràng về văn hóa mà mình mong muốn. Chúng ta không thể biết là sẽ đi đâu về đâu, nếu như không biết rõ đích đến của mình là gì.

Thứ ba là thiếu phương pháp khoa học để xây dựng văn hóa. Giống như mình có ý thức về căn nhà mình muốn nhưng không biết cách xây.

Thứ tư là thiếu giải pháp cụ thể và thuyết phục để xây dựng văn hóa DN. Nguyên nhân thứ tư này cực kỳ phổ biến. Có nhận thức sâu sắc, có định hình rõ ràng, có phương pháp kiến tạo, nhưng nếu không có một giải pháp cụ thể để hiện thực hóa thì cũng khó mà triển khai rộng rãi cho toàn DN, vì văn hóa không chỉ là chuyện của lãnh đạo, mà nó phải ở trong từng “tế bào” của DN.

Thứ năm là thiếu nỗ lực bền bỉ trong hành trình xây dựng văn hóa. Bởi lẽ, văn hóa không thể hình thành sau một đêm vì nó là hành trình sửa bản tính, sửa đạo sống, giá trị sống và thái độ sống của mình. Chỉ có những DN mong muốn làm ăn đàng hoàng, có khát vọng bứt phá và phát triển bền vững thì mới thật sự đầu tư thời gian, công sức và tiền của cho văn hóa.

17 năm trước, nhân sự kiện Ngày Doanh nhân Việt Nam đầu tiên 13/10, tôi có chia sẻ một định nghĩa về kinh doanh với cộng đồng DN, đó là: “Kinh doanh là kiếm tiền bằng cách phục vụ xã hội thông qua các sản phẩm dịch vụ tốt lành của mình”.

Phụng sự xã hội lớn nhất của một DN với xã hội chính là sản phẩm và dịch vụ tốt lành mà họ mang đến cho người dùng. Cho nên đạo kinh doanh cốt lõi sẽ nằm ở sản phẩm dịch vụ tốt lành. Vậy nên, “tốt lành” chính là đạo kinh doanh cốt lõi nhất!

* DNSG lược ghi ý kiến của TS. Giản Tư Trung – Hiệu trưởng Trường Doanh nhân PACE, Viện trưởng Viện Giáo Dục IRED

nguồn: cafef.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *