Ngày 18/6 tới đây, ca sĩ Minh Hằng sẽ tổ chức đám cưới với bạn trai doanh nhân sau 6 năm gắn bó. Đáng chú ý, trong thiệp cưới gửi tới bạn bè và người thân, ngoài thông tin về thời gian, địa điểm, Minh Hằng còn đưa ra một số lưu ý với khách mời như không dắt theo trẻ em “vì đây là tiệc người lớn”.
Trước đó, vào năm 2019, trong đám cưới của Cường Đô La và Đàm Thu Trang cũng đưa ra quy định từ chối tiếp trẻ em dưới 5 tuổi khiến dư luận lúc bấy giờ bàn tán rất sôi nổi. Nhiều ý kiến phản đối cho rằng vợ chồng doanh nhân 37 tuổi đang làm lố vấn đề. Thậm chí, có người còn cho rằng họ đang thể hiện sự xem thường trẻ em.
Ngày nay, trào lưu đám cưới cấm trẻ em đã khá phổ biến ở nước ngoài vì lý do an toàn, tránh ồn ào cũng như tiết kiệm chi phí cho gia chủ…nhất là ở thời kỳ bão giá, mọi thứ đều đắt đỏ từ đồ ăn, khách sạn, tiền phương tiện di chuyển.
Minh Hằng quy định ”không đính kèm trẻ em” trong đám cưới
Theo Bloomberg, “có hay không nên đón tiếp trẻ em trong đám cưới” luôn là vấn đề gây tranh cãi. Chẳng hạn như trường hợp của Samantha (28 tuổi) tổ chức đám cưới cấm trẻ em ở Nam Carolina, Mỹ vào tháng 10 năm ngoái. Vợ chồng cô không có con và muốn hôn lễ của mình là bữa tiệc vui nhộn thay vì giống sinh nhật của một đứa trẻ.
Trong khi nhiều vị khách vui mừng vì có một đêm thoát khỏi nghĩa vụ làm cha mẹ, những người khác nhất quyết mang theo con cái vì không tìm được nơi giữ trẻ. Số còn lại, lấy lý do đám cưới không đón tiếp trẻ em, thẳng thừng từ chối lời mời.
Meredith Bartel, chuyên gia tổ chức đám cưới ở Mỹ cho biết, giới trẻ ngày nay ưa chuộng hôn lễ “chỉ dành cho người lớn” vì số tiền họ phải chi cho một đêm tiệc tùng là hàng chục nghìn USD. Trong khi đó, mỗi đứa trẻ trong danh sách khách mời đều sẽ tác động đến ngân sách.
Tại châu Á, Hàn Quốc là quốc gia quyết liệt nhất trong việc quy định rõ khu vực hạn chế trẻ em (No kids zone) không chỉ trong đám cưới mà còn tại các nhà hàng, quán cà phê, địa điểm du lịch nổi tiếng.
Cuộc khảo sát của Hankook Research vào tháng 12/2021 cho thấy 71% người lớn ủng hộ “khu vực cấm trẻ em” và chỉ 17% phản đối. Hiện tại, hơn 400 doanh nghiệp trên khắp xứ sở kim chi được gắn thẻ là “nơi hạn chế trẻ em” trên bản đồ.
Song, ở Việt Nam thì định nghĩa về No kids zone vẫn còn khá mới lạ và gần như chưa nhận được sự đồng thuận của mọi người.
Chia sẻ với Infonet về vấn đề này, PGS. TS Trần Thành Nam – Chủ nhiệm Khoa Các khoa học Giáo dục (Trường Đại học Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) nêu quan điểm: “Trẻ em đến những bữa tiệc sang trọng như đám cưới, tiệc sinh nhật… là những trải nghiệm rất hay với những đứa trẻ, để chúng ghi dấu lại những kỷ niệm vui về cuộc sống.
Việc không cho trẻ đến những nơi công cộng, cụ thể là đám cưới, tiệc… là người lớn đang quá khắt khe với chúng”, ông Trần Thành Nam cho hay.
Hơn 400 doanh nghiệp trên khắp xứ sở kim chi được gắn thẻ là “nơi hạn chế trẻ em” trên bản đồ.
Cũng theo PGS. TS Trần Thành Nam, thay vì cấm trẻ em, mọi người nên khuyến khích các bé đến những nơi đông người và dạy cho chúng cách ứng xử văn minh, lịch sự.
Cha mẹ có thể diễn tập với con hoặc ra điều kiện: Bố mẹ sẽ đưa con đến dự một sự kiện trang trọng, sẽ có rất nhiều hoạt động và con cần cam kết thực hiện các việc như luôn ở bên cạnh bố mẹ, không chạy ra khỏi tầm mắt của bố mẹ; tay không tự tiện với lấy bất cứ thứ gì mà không được bố mẹ đồng ý; chào hỏi, mỉm cười và giữ trật tự.
Nếu con làm được thì con sẽ nhận một quyền lợi, 1 phần thưởng khi chúng ta trở về nhà. Ví dụ như con được ăn bim bim trước khi đi ngủ hoặc con được thức khuya hơn một chút để xem 1 bộ phim con yêu thích.
Trẻ con thường quên nhanh do mải chơi, vì vậy, người lớn nên thường xuyên nhắc lại để con nhớ. Có thể trước khi đi, viết những yêu cầu và phần thưởng ra giấy để con để trong túi mang theo. Nhắc lại những nguyên tắc khi gia đình trên đường tới sự kiện và yêu cầu con nhắc lại trước khi vào sự kiện. Với thái độ thân thiện và khuyến khích, con của bạn sẽ làm được.