Từ cửa chuồng lên bàn nhậu, giá thịt heo tăng gấp đôi: Xử lý thế nào?

Từ cửa chuồng lên bàn nhậu, giá thịt heo tăng gấp đôi: Xử lý thế nào?

Xăng giảm giá liên tục, giá thịt heo vẫn “dậm chân tại chỗ”.
Trả lời báo chí mới đây, ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) nhấn mạnh, giá thịt heo ở cửa chuồng ra đến bàn ăn đang chênh nhau từ 1,5 – 1,7 lần, nhiều lần Thủ tướng đã chỉ đạo các Bộ, ngành điều tiết song việc chuyển biến còn chậm.

Phân tích về tình trạng trên, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) nêu quan điểm: kinh doanh thì phải có lãi, nhưng ở đây rõ ràng là có việc lợi dụng giá xăng dầu của một số tiểu thương, khiến người tiêu dùng và cả người chăn nuôi heo đều chịu thiệt, trong khi lợi nhuận chủ yếu về tay các tiểu thương.

“Thời gian qua, giá xăng dầu liên tục tăng cao khiến nhiều loại hàng hóa tăng mạnh. Khi giá xăng dầu giảm mạnh qua nhiều đợt thì giá nhiều loại hàng hóa, thực phẩm vẫn không chịu giảm, thậm chí giá còn tăng là điều bất hợp lý. Dù đây là câu chuyện không hề mới mẻ song lời giải cho bài toán này dường như vẫn chưa có”, ông Thịnh nói.

Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, cũng cho rằng việc phải trải qua 3 – 4 khâu trung gian là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng “1 kg thịt lợn từ trang trại đến bán lẻ tăng giá gần gấp đôi, thậm chí có lúc tới 70%”. Khâu phân phối đang tồn tại nhiều vấn đề, cấp trung gian hưởng lợi nhiều trong khi người sản xuất chưa chắc lãi nhiều và người tiêu dùng phải mua hàng giá đắt.

“Nếu không giải quyết được điểm nghẽn này thì vấn đề “té nước theo mưa””, lên nhanh xuống chậm khó chấm dứt”, ông Phú nhận định.

Tương tự, theo TS. Cấn Văn Lực, Kinh tế trưởng BIDV, một trong những “điểm nghẽn” trong câu chuyện này chính là chi phí ở khâu trung gian. Điểm thứ hai cũng rất quan trọng trong câu chuyện quản lý giá cả là văn hóa kinh doanh.

“Nông dân luôn là người yếu thế, nhiều khi bị các lái buôn ép giá. Câu chuyện này tôi nghĩ đạo đức kinh doanh là vô cùng quan trọng và rõ ràng là cần phải có biện pháp chế tài xử lý tình trạng thật nghiêm”, chuyên gia nói.

Theo ông Phùng Đức Tiến, thời gian tới,  Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sẽ cố gắng điều chỉnh sao cho tốc độ tăng trưởng với giá thịt heo thị trường không quá cao nhưng cũng không quá thấp, do giá heo hơi đã giảm thời gian dài gần 2 năm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 30-45%. Như vậy, người tiêu dùng và người chăn nuôi đều được hưởng lợi.

Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho rằng “khi giá heo hơi và nguồn cung ổn định thì giá thịt ở chợ sẽ ổn định theo”.

Trong khi đó, theo chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, để kéo giá thịt heo về đúng giá thị trường, ngoài biện pháp hành chính bất đắc dĩ phải làm, phải sử dụng sức mạnh của cả hệ thống, phát huy vai trò của các Hiệp hội bán lẻ, Hiệp hội doanh nghiệp vừa và nhỏ, Hiệp hội chăn nuôi, Hội phụ nữ ở các chợ…để làm sao những người buôn bán nhận thức, tự giác giảm một phần theo tiến độ giảm giá xăng dầu, chia sẻ khó khăn chung với xã hội.

Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý trường hợp có dấu hiệu trục lợi theo giá xăng dầu. Đồng thời, động viên các tiểu thương chủ động hạ giá bán, có trách nhiệm hơn với người dân.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, không thể chỉ trông chờ sự tự giác của doanh nghiệp và nhà cung ứng tự động giảm giá khi giá xăng dầu giảm, mà phải phát huy vai trò của nhà nước trong giai đoạn này, khi thị trường có biến động bất thường. Làm sao phải kiểm soát, đăng ký, kê khai giá trước hết đối với các mặt hàng có sức ảnh hưởng lan tỏa đến các loại hàng hóa khác, kiểm soát các yếu tố hình thành giá để yêu cầu giảm giá tương ứng, phù hợp với giá xăng dầu khi giảm.

Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *