Uống nước quá ít gây ảnh hưởng tới sức khỏe
Uống ít nước có thể khiến cơ thể bị mất nước và gây ra một số vấn đề sức khỏe chẳng hạn như:
– Gây đau đầu; mệt mỏi: Theo TS.BS Brittain và chuyên gia y học chức năng tại Erika Schwartz, mất nước làm giảm lưu lượng máu và oxy đến não, từ đó có thể gây ra tình trạng đau đầu, mệt mỏi, thay đổi tâm trạng, choáng váng và chóng mặt.
– Táo bón: Uống đủ nước hỗ trợ quá trình tiêu hóa. Việc uống ít nước có thể làm chậm quá trình bài tiết phân, khiến phân cứng hơn, gây táo bón.
– Tăng nguy cơ say nắng: Hiện nay thời tiết đang vào hè, trời nắng nóng, cơ thể ra nhiều mồ hôi, nếu uống không đủ nước có thể gây ra tình trạng kiệt sức vì nóng hoặc say nắng.
– Làm chậm quá trình trao đổi chất: Nghiên cứu trên Tạp chí Nội tiết lâm sàng và Trao đổi chất đã chỉ ra rằng quá trình trao đổi chất của những người tham gia nghiên cứu tăng 30% sau khi uống khoảng 503ml nước.
– Giảm sự tập trung: Theo nghiên cứu, tình trạng mất nước nhẹ cũng có thể ảnh hưởng đến trí nhớ và khả năng tập trung. Còn mất nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng thần kinh như lú lẫn và mê sảng.
– Tăng nhịp tim: Khi cơ thể thiếu nước, tim phải làm việc nhiều hơn để bơm máu đi khắp cơ thể, dẫn đến tăng nhịp tim.
Tiến sĩ Schwartz cho biết khi uống thiếu nước, cơ thể có thể có một số dấu hiệu cảnh báo như khô miệng, khô da, thường xuyên khát nước và nước tiểu sẫm màu hơn hoặc ít hơn.
Uống nước quá nhiều liệu có tốt?
Tương tự như tình trạng uống ít nước gây mất nước, uống quá nhiều nước cũng gây hại cho sức khỏe.
Uống quá nhiều nước có thể gây ra tình trạng ngộ độc nước, hay còn gọi là nhiễm độc nước hoặc hạ natri máu. Lượng nước nạp vào cơ thể quá nhiều làm loãng chất điện giải, đặc biệt là natri trong máu, khiến nồng độ natri giảm xuống dưới 135mmol/l (hạ natri máu). Natri giúp duy trì sự cân bằng của chất lỏng bên trong và bên ngoài tế bào.
Khi nồng độ natri giảm do tiêu thụ quá nhiều nước, chất lỏng sẽ di chuyển từ bên ngoài vào bên trong tế bào, khiến chúng bị phù. Nếu điều này xảy ra với các tế bào não, não bộ có thể bị phù, gây gián đoạn chức năng của não bộ, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, trường hợp nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Khi một người tiêu thụ quá nhiều nước và các tế bào trong não của họ bắt đầu sưng phù, áp lực bên trong hộp sọ sẽ tăng lên và gây ra các triệu chứng như: Nhức đầu; buồn nôn; nôn mửa.
Các trường hợp nhiễm độc nước nghiêm trọng có thể gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như: Hôn mê; co giật; yếu cơ hoặc chuột rút; nhìn đôi; lú lẫn; khó thở.
Uống quá nhiều nước hoặc quá ít nước đều có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Vậy, một ngày nên uống bao nhiêu nước là đủ?
Lượng nước nên uống hàng ngày
Chuyên gia Scott cho biết: “Các khuyến nghị về lượng nước nên uống mỗi ngày sẽ khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và mức độ hoạt động”.
Các khuyến nghị về lượng nước cần bổ sung mỗi ngày cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh thời tiết ở khu vực bạn sinh sống. Chẳng hạn như nếu bạn sống ở nơi có khí hậu nóng ẩm, thời tiết nắng nóng khiến cơ thể toát nhiều mồ hôi, khi hoạt động thể chất, khi đang mang thai hoặc đang cho con bú, bạn có thể cần bổ sung nhiều nước hơn so với khuyến nghị.
Đặc biệt, vào mùa hè nóng bức, cơ thể toát nhiều mồ hôi hơn nên có thể dẫn tới nguy cơ mất nước, mất chất điện giải và gây ra các rối loạn nhịp tim. Do đó, lượng nước cần bổ sung vào mùa hè sẽ nhiều hơn so với thông thường.
Viện Hàn lâm Khoa học, Kỹ thuật và Y học Quốc gia Hoa Kỳ, mỗi ngày một người trưởng thành nên uống khoảng 3,7 lít nước đối với nam giới và khoảng 2,7 lít nước với nữ giới. Lượng nước nên được bổ sung từ từ vào nhiều thời điểm trong ngày và bao gồm cả lượng nước uống thông thường và nước từ thực phẩm như trái cây, rau và súp.
Chuyên gia Scott cho biết: “Ngoài việc uống nước lọc thông thường, mọi người cũng có thể tăng cường ăn các thực phẩm như cần tây, cam, dâu tây, dưa hấu và dưa chuột để bổ sung thêm nước cho cơ thể”.