Vì sao vitamin A quan trọng với sự phát triển của trẻ?

Theo dược sĩ Hoàng Trọng Tín, Phó khoa Dược, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM, vitamin A là loại vitamin tan trong dầu, nhóm vitamin có chức năng điều hòa tổng hợp protein, tác dụng bảo vệ mắt, chống quáng gà, các bệnh khô mắt. Vitamin A còn đảm bảo sự phát triển bình thường của bộ xương, răng, bảo vệ tính toàn vẹn của tế bào biểu mô, niêm mạc, da. Ngoài ra, dưỡng chất còn đóng vai trò trong tăng trưởng, tăng cường miễn dịch của cơ thể chống lại các bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm virus.

Bao nhiêu vitamin A là đủ?

Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng và cần thiết cho cơ thể. Nhu cầu vitamin A cho cơ thể thay đổi tùy độ tuổi, đối tượng, được tính bằng hoạt tính của vitamin A, biểu thị bằng đương lượng hoạt tính retinol (RAE).

Tuổi Nhu cầu vitamin A

hàng ngày (RAE)

0-6 tháng 400
7-12 tháng 500
1-3 tuổi 300
4-8 tuổi 400
Trên 8 tuổi 600-900
Phụ nữ cho con bú 1.200-1.300

Phụ nữ sau sinh và trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi có nguy cơ thiếu vitamin A cần bổ sung liều phòng ngừa mỗi 6 tháng như sau:

Đối tượng Liều lượng
Trẻ em Dưới 6 tháng tuổi, không được bú sữa mẹ 50.000 đơn vị
Từ 6 đến dưới 12 tháng tuổi 100.000 đơn vị
Trên 12 tháng tuổi 200.000 đơn vị
Bà mẹ sau sinh, cho con bú bằng sữa mẹ Trong vòng 1-2 tháng sau sinh 200.000 đơn vị

Cách cho trẻ uống vitamin A an toàn

Theo dược sĩ Hoàng Trọng Tín, việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ phải đúng liều lượng và đúng cách. Khi cho trẻ sử dụng vitamin A phụ huynh cần lưu ý:

Đối với trẻ 6-12 tháng tuổi: giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp đếm số giọt trong một viên nang. Cha mẹ cho trẻ uống 3-4 giọt vitamin A (nửa viên), sau đó cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.

Đối với trẻ 12-23 tháng tuổi: giữ viên nang bằng ngón trỏ và ngón cái, dùng kéo cắt đầu núm viên nang, bóp hết dịch vitamin A vào miệng trẻ, sau đó cho trẻ uống một thìa nước tráng miệng.

Đối với trẻ trên 24 tháng tuổi: cho trẻ nhai hoặc nuốt viên nang vitamin A rồi cho trẻ uống nước.

Phụ huynh đưa trẻ uống vitamin A cần lưu ý, dù Vitamin A rất an toàn, nhưng phụ huynh cũng nên theo dõi sức khỏe của trẻ sau uống bổ sung trong vòng 2 ngày để xử trí nếu có các trường hợp tác dụng không mong muốn.

Theo dược sĩ Hoàng Trọng Tín, một số tác dụng không mong muốn có thể xảy ra khi trẻ uống vitamin A là nôn ói, tiêu chảy, đầy bụng, thóp hơi phồng, đau đầu, sưng tấy, ngứa da, sưng mặt hoặc môi, dị ứng. Các triệu chứng này chỉ kéo dài trong 1-2 ngày sau khi bổ sung vitamin A có thể do trẻ quá nhạy cảm với thuốc, không phải tình trạng ngộ độc và không gây nguy hiểm cho trẻ.

Không lạm dụng vitamin A

Dược sĩ Hoàng Trọng Tín cho biết, việc tự ý bổ sung vitamin A quá mức cần thiết sẽ gây nhiều hệ lụy, ngộ độc, ảnh hưởng gan, thậm chí tử vong.

Cụ thể, người lớn nếu dùng vitamin liều cao trên 1.500.000 đơn vị mỗi ngày, trẻ em trên 300.000 đơn vị mỗi ngày sẽ nguy cơ ngộ độc cấp sau khi uống thuốc từ 4-6 giờ. Trường hợp dùng liều cao trên 100.000 đơn vị mỗi ngày liên tục trong 10 – 15 ngày có nguy cơ ngộ độc mạn với các triệu chứng điển hình tiêu chảy, gan to, da đổi màu, tăng calci, phù. Trẻ nhỏ ngộ độc có nguy cơ tăng áp lực nội sọ, ù tai…

Sử dụng vitamin A liên tục kéo dài gây hại cho gan, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Người uống có nguy cơ tổn thương gan khi uống 15.000 – 40.000 đơn vị mỗi ngày trong một năm, nếu sử dụng liều cao hơn, chỉ mất vài tháng sẽ ngộ độc.

Thông thường, vitamin A có trong sữa mẹ, đặc biệt sữa non. Do đó trong vòng 6 tháng đầu đời, trẻ bú mẹ hoàn toàn không cần bổ sung vitamin này. Ngoài ra, vitamin A có trong thực phẩm như gan, thịt, cá, trứng, sữa, Các loại rau quả màu xanh, vàng, đỏ đậm như bông cải xanh, cà rốt, bí đỏ, đu đủ, gấc, rau dền… có chứa nhiều provitamin A carotenoid (chủ yếu là beta carotene).

Dù vitamin A có vai trò rất quan trọng đối với cơ thể, song không được tự ý sử dụng vitamin A một cách tùy ý. Nếu nghi ngờ trẻ thiếu hụt vitamin A, phụ huynh cần đưa đi khám bác sĩ chuyên khoa để xác định liều bổ sung phù hợp.

Theo số liệu của cuộc Tổng điều tra dinh dưỡng năm 2020, tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng tại Việt Nam đã được cải thiện đặc biệt trên 2 đối tượng bà mẹ, trẻ em. Tỷ lệ thiếu vitamin A ở nhóm trẻ 6 đến 59 tháng tuổi trên cả nước giảm xuống 9,5%. Tỷ lệ này cao nhất ở khu vực miền núi phía Bắc (gần 14%) và Tây Nguyên (11%). Tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ em 5 đến 9 tuổi là 4,9%, ở mức nhẹ về ý nghĩa sức khỏe cộng đồng theo đánh giá của WHO. Đây là thành quả chiến dịch bổ sung viên nang vitamin A một năm 2 lần cho trẻ em trong độ tuổi được uống.

Trong ngày 1-2/6 hàng năm, hàng triệu trẻ dưới 5 tuổi được bổ sung vitamin A liều cao tại các trung tâm y tế xã phường trên toàn quốc.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *