Chỉ tính riêng trong tuần từ 5 – 11/9, bệnh viện đã ghi nhận 151 trường hợp dương tính với Adenovirus, tăng gần 2,2 lần so với tuần trước đó.
Số ca bệnh Adeno dương tính phát hiện tại Bệnh viện Nhi Trung ương đang gia tăng đột biến. Ảnh: BVCC
Tình trạng này hiện đang khiến nhiều bậc phụ huynh lo lắng. Đặc biệt là thông tin liệu Adenovirus có phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?
Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Tâm Anh đã cung cấp thêm những thông tin quan trọng và giải đáp những thắc mắc cơ bản về loại virus này như sau:
Adenovirus là gì?
Adenovirus được phát hiện lần đầu vào năm 1953 từ mạch hạch hạnh nhân trong cơ thể con người. Virus này thuộc họ Adenoviridae, được chia thành 2 nhóm chính: nhóm gây bệnh ở chim (Avi Adenovirus) và nhóm gây bệnh ở động vật có vú (Mastadenovirus). Trong nhóm gây bệnh ở động vật có vú (gồm cả người), các chuyên gia đã phân lập được 47 loại virus Adeno.
Adenovirus gây bệnh ở người được chia thành 6 nhóm ký hiệu A – F dựa trên đặc điểm sinh lý, sinh hóa và sinh học phân tử. Virus này có thể tồn tại, gây bệnh trong thời gian dài ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại khoảng 30 ngày, 40°C có thể sống trong nhiều tháng, -200°C tồn tại được nhiều năm. Tuy nhiên, virus có thể bị tiêu diệt bởi tia cực tím và môi trường nước sôi 100°C. Virus bị mất độc lực nhanh và chết ở 56°C trong 3 – 5 phút.
Adeno có thể gây bệnh ở mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. Trong đó, các đối tượng như trẻ em, người lớn tuổi, người bị bệnh mạn tính… thường có nguy cơ cao nhiễm virus này do có sức đề kháng kém.
Cấu trúc và các tính chất của virus Adeno?
Adeno là virus chứa ADN chuỗi kép, có kích thước đường kính 70 – 80nm, không có vỏ bọc. Virus có hình đa giác đều được tạo bởi 252 capsome. Có 2 loại capsome chính là 240 capsome là hexon (nằm trên 20 mặt hình đa giác đều) và 12 capsome là penton (nằm ở 12 đỉnh của đa giác đều).
Các tính chất của virus Adeno:
– Sức đề kháng của virus: Adeno đề kháng với ete, bền vững trong phạm vi pH rộng 2 – 10. Virus có khả năng tồn tại, không giảm hoạt động xâm nhiễm khi ở 40°C trong nhiều tuần hay ở -250°C trong nhiều tháng.
– Sự nhân lên của virus: Virus Adeno phát triển tốt trong tế bào của cơ thể con người (tế bào ối, tuyến giáp, thận) và những dòng tế bào thường trực HeLa, KB và Hep – 2. Virus nhân lên, chín trong nhân tế bào túc chủ. Những tế bào nhiễm virus tròn lại, trong nhân xuất hiện các hạt vùi. Thời gian cho 1 chu kỳ nhân lên trung bình khoảng 30 giờ.
– Khả năng gây bệnh: Virus Adeno có khả năng gây bệnh ở nhiều cơ quan trong cơ thể con người như đường hô hấp, tiêu hóa, mắt… Trong số nhóm virus gây bệnh, Adenovirus nhóm B có khả năng gây bệnh nhiều, thường gặp nhất. Sau khi gây bệnh, virus có thể tồn tại nhiều năm tại hạch hạnh nhân.
Virus Adeno có thể gây ra những bệnh lý cụ thể nào?
– Viêm họng cấp: Đây là bệnh thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ với những triệu chứng như sốt, đau đầu, sưng họng, ho, chảy nước mũi. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 – 14 ngày, có thể lây lan nhanh, trở thành dịch. Chẩn đoán trên triệu chứng thường khó phân biệt với những trường hợp nhiễm virus khác.
– Viêm họng kết mạc: Triệu chứng tương tự viêm họng cấp, nhưng thường kèm theo triệu chứng viêm kết mạc (kết mạc mắt đỏ, thường không đau, có chảy dịch trong). Bệnh thường lây lan nhanh tạo thành dịch, đặc biệt là vào mùa Hè. Người bệnh có thể bị lây qua đường hô hấp hay khi tiếp xúc với nguồn bệnh khi đi bơi.
– Viêm đường hô hấp cấp: Triệu chứng bệnh là đau và sưng họng, hạch cổ sưng đau, ho, sốt có thể trên 39°C. Bệnh diễn biến cấp tính, thường khỏi sau 3 – 4 ngày. Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao là trẻ em và người lớn.
– Viêm phổi: Biểu hiện bệnh thường xuất hiện đột ngột, sốt cao 39°C, ho, chảy nước mũi, những dấu hiệu tổn thương ở phổi. Các tổn thương này có khả năng lan rộng để lại di chứng, thậm chí gây tử vong.
– Viêm kết mạc mắt: Viêm kết mạc (đau mắt đỏ) thường tạo thành dịch vào mùa Hè. Nguyên nhân là do lây qua nước ở hồ bơi. Biểu hiện bệnh là kết mạc mắt đỏ (một hay cả hai bên), có chảy dịch trong, dễ bội nhiễm vi khuẩn nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
– Bệnh viêm dạ dày, ruột: Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước. Tình trạng này kéo dài khoảng 7 ngày, kèm theo sốt, buồn nôn, nôn, những dấu hiệu viêm đường hô hấp, viêm kết mạc. Virus gây bệnh ở đường tiêu hóa, được đào thải trong phân. Đây cũng là nguồn lây chủ yếu trong cộng đồng.
Adeno còn là nguyên nhân gây viêm bàng quang ở trẻ em, đặc biệt là bé trai. Virus có thể nằm trong nước tiểu của người bệnh. Ở niệu đạo và tử cung cũng có thể xuất hiện virus. Vì thế, đây được xem là bệnh lây qua đường tình dục.
Ngoài ra, một số trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, được gọi là thể ẩn, vẫn có khả năng lây nhiễm trong cộng đồng. Một số trường hợp sau khi điều trị khỏi bệnh, bệnh nhân chỉ có miễn dịch với virus Adeno cùng chủng virus gây bệnh. Họ vẫn có khả năng nhiễm bệnh do những chủng virus Adeno khác gây ra.
Adenovirus rất dễ lây lan trong cộng đồng. Người bệnh có thể đối mặt với nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế, khi nhận thấy các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus, người bệnh cần thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe. Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt để có biện pháp can thiệp kịp thời, ngăn ngừa bệnh tiến triển nặng.
Adenovirus có phải là nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn?
Theo The Lancet (tạp chí Y khoa của nước Anh), virus Adeno đã trở thành tâm điểm trong cuộc điều tra nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn. Khoảng 70% trường hợp người bệnh viêm gan bí ẩn có kết quả dương tính với virus Adeno.
Adenovirus là nguyên nhân phổ biến gây ra các bệnh nhẹ ở đường hô hấp. Trước đây, virus này có liên quan tới viêm gan ở các bệnh nhi suy giảm miễn dịch, gần đây là ở người bệnh trưởng thành bị suy giảm miễn dịch. Một số giả thuyết đã được đưa ra về việc virus Adeno đã thay đổi cách thức sinh bệnh học để gây ra bệnh viêm gan ở trẻ em khỏe mạnh. Sự suy giảm miễn dịch ở trẻ do không tiếp xúc với mầm bệnh trong đại dịch COVID-19 đã khiến nhóm bệnh nhi này dễ bị nhiễm virus Adeno hơn.
Một giả thuyết khác được đưa ra là tình trạng nhiễm trùng hoặc đồng nhiễm trước đó với SARS-CoV-2, hoặc tiếp xúc thường xuyên với các độc tố, thuốc, hoặc yếu tố môi trường đã làm thay đổi phản ứng của vật chủ đối với việc nhiễm virus Adeno. Các kết quả gần đây cho thấy chủng virus Adeno mới có khả năng gây bệnh gan nặng ở trẻ em. Trong đó, nghi phạm hàng đầu gây bệnh được cho là Adenovirus type 41.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA), 18 trường hợp mắc bệnh viêm gan bí ẩn ở nước này đều có liên quan tới Adenovirus type 41. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có bằng chứng cho thấy virus Adeno là tác nhân chính gây bệnh viêm gan bí ẩn. Để có kết luận chính xác hơn về nguyên nhân gây bệnh, các chuyên gia vẫn cần thêm thời gian để theo dõi và nghiên cứu kỹ càng hơn.
Trước đó, nhiều thông tin cho rằng nguyên nhân gây bệnh viêm gan bí ẩn có liên quan vaccine COVID-19. Tuy nhiên, nghi ngờ này đã được loại bỏ. Vì phần lớn bệnh nhi viêm gan bí ẩn đều không phải là đối tượng phù hợp được tiêm vaccine COVID-19.
Adenovirus lây qua đường nào?
Virus Adeno thường có những phương thức lây truyền như:
– Tiếp xúc trực tiếp giữa người và người thông qua đường hô hấp.
– Lây nhiễm qua niêm mạc do bơi lội hay nguồn nước dùng có dịch tiết từ mắt, mũi, phân của người bệnh.
– Tiếp xúc gián tiếp với vật dụng của người bệnh nhiễm virus Adeno.
– Lây nhiễm qua nước bọt như những hạt khí thông qua đường hô hấp.
Phương pháp chẩn đoán?
– Khám lâm sàng.
– Xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase (PCR) những dịch tiết ở đường hô hấp và máu đối với trường hợp bệnh nặng.
Điều trị và phòng ngừa virus Adeno như thế nào?
– Điều trị: Điều trị bệnh do virus Adeno thường là điều trị triệu chứng. Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh do virus này gây ra.
– Phòng bệnh: Vaccine chứa Adenovirus sống type 4 và 7 thường được dùng theo đường uống, dạng 1 viên nang tan trong ruột. Thuốc có tác dụng ngăn ngừa phần lớn bệnh do hai chủng này gây ra. Tuy nhiên, thuốc này chỉ được dùng cho quân nhân.
Để giảm thiểu lây nhiễm virus Adeno, người dân cần lưu ý:
– Luôn sử dụng nguồn nước sạch trong sinh hoạt.
– Vào mùa mưa, lũ lụt, nên tiến hành khử trùng nước giếng bằng cloramin B.
– Chú ý giữ gìn vệ sinh cá nhân và nơi ở, tránh sử dụng chung khăn mặt với người khác. Bạn nên thường xuyên giặt khăn mặt bằng xà phòng.
– Thường xuyên rửa tay với xà phòng hay dung dịch sát khuẩn.
– Kiểm tra thường xuyên tiêu chuẩn vệ sinh nước, vệ sinh môi trường, nhất là ở những bể bơi công cộng.
Nguồn:https://cafebiz.vn/