Vợ chồng thay đổi chi tiêu như thế nào sau khi có con?
Sinh con là bước ngoặt lớn dẫn đến sự thay đổi trong cách quản lý tài chính của cặp đôi trẻ, và vợ chồng Ngân Kim (26 tuổi TP. Hà Nội, đang làm kinh doanh tự do) cũng không ngoại lệ.
“Trước khi có bé, vợ chồng mình chi tiêu trung bình khoảng 15 triệu đồng/tháng. Nhưng sau khi con chào đời, mức chi tăng lên 20 triệu đồng/tháng, có tháng đỉnh điểm lên đến 25 – 30 triệu đồng vì con nhỏ, chi phí phát sinh chủ yếu liên quan đến bạn”, Ngân Kim kể lại.
Với tổng thu nhập hàng tháng, cặp đôi dành đến 40% cho chi phí sinh hoạt, 30% để xoay vòng vốn kinh doanh, số tiền còn lại dùng để tiết kiệm và đầu tư. Hiện cặp đôi trẻ chỉ gửi tiền tiết kiệm online và đầu tư vàng.
Sau khi đón em bé đầu lòng, do tổng chi phí sinh hoạt tăng lên nên họ đã cắt giảm nhiều nhu cầu tiêu dùng để hướng đến tiết kiệm tiền, mang đến cho con cuộc sống tốt hơn.
“Ví dụ hồi trước, mình thường dành 5-7 triệu đồng mua mỹ phẩm, quần áo, túi xách…. nhưng sau khi có bé, mình đã cắt khoản đó chỉ còn 1-2 triệu đồng thôi. Về phía chồng, anh đã bớt các cuộc gặp mặt bạn bè thường xuyên để dành thêm thời gian cho con. Nếu như trước đây, bọn mình hứng lên là sẽ đi du lịch khoảng 2-3 lần/năm thì giờ đã chỉ còn 1-2 lần/năm và phải đợi con lớn, cứng cáp mới có thể chuẩn bị đi dễ dàng được”, Ngân Kim tâm sự.
Việc gia đình có con cũng ảnh hưởng đến cách vợ chồng Kim Ngân đưa ra các quyết định về tài chính và đầu tư là một trong số đó. Cặp đôi trẻ quan niệm không nên “để hết trứng vào một giỏ”, thế nên với số tiền kiếm được, họ sẽ quan sát biến động của thị trường và phân bổ nguồn tiền hợp lý.
“Vợ chồng mình chọn kinh doanh ‘ăn chắc mặc bền”, đầu tư an toàn vì nuôi con nhỏ nên cả hai cũng có tính thận trọng. Trong tương lai, mình cũng muốn mạo hiểm một chút. Có thể mình sẽ học thêm về đầu tư chứng khoán hoặc bất động sản nhỏ nhằm hiểu rõ về chúng. Mình chỉ dám đầu tư khi thật sự nắm được cách hoạt động, còn nếu tư duy còn mơ hồ thì chắc mình sẽ không ‘xuống tiền’ đâu”, Ngân Kim chia sẻ.
Một trường hợp khác, Minh Hoa (27 tuổi, Hà Nội) đang sống cùng chồng và hai con nhỏ. Vợ chồng cô nàng kết hôn khi còn là sinh viên. Lúc đó, tổng thu nhập của cặp đôi chỉ khoảng 10 triệu đồng/tháng, còn đi thuê nhà và chỉ có một em bé nhưng cuộc sống vẫn rất vui vẻ.
Tuy nhiên, Minh Hoa nhấn mạnh rằng điều này không có nghĩa là mọi người không cần cố gắng để tiến lên. Mỗi gia đình cần nhận thức đúng về thu nhập cũng như nhu cầu chi tiêu thực tế của bản thân. Ngoài ra, lúc đó vợ chồng Minh Hoa vừa sinh em bé, nhu cầu chi tiêu không nhiều. Còn bây giờ khi mức chi phí tăng lên, số tiền để duy trì cuộc sống cũng khác.
Hiện tại, gia đình Minh Hoa chi khoảng 31 – 33 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt, trong đó bao gồm chi phí thực phẩm được ông bà 2 bên hỗ trợ gửi từ quê và một khoản vay nợ ngân hàng 10 triệu đồng/tháng.
Theo trải nghiệm của Minh Hoa, cô cho rằng gia đình 4 người sống ở ven đô, nếu không thuê nhà thì cần tối thiểu 22 triệu đồng/tháng để trang trải chi phí sinh hoạt. Còn nếu sống tại quận trung tâm, con số này sẽ lớn hơn vì chi phí cho sinh hoạt cao hơn so với sống ven đô.
“Theo mình tính, gia đình 4 người cơ bản sẽ chi 250-300 nghìn đồng/ngày cho ăn uống, mỗi tháng khoảng 9 triệu đồng. Tiền điện nước khoảng 1,5 triệu đồng, xăng xe điện thoại thêm 1 triệu đồng.
Chi phí cho con đi học bao gồm học phí ở trường công, học thêm các bộ môn năng khiếu và ngoại ngữ khoảng 6 triệu đồng. Hai vợ chồng dành khoảng 3,5 triệu đồng để mua sắm thỏa mãn nhu cầu cá nhân và gia đình, khoảng 2 triệu đồng để tiết kiệm cũng như dự phòng cho tương lai. Tổng cộng, mỗi gia đình cần có ngân sách 22 triệu đồng/tháng”, Minh Hoa nói.
Minh Hoa cũng có nhiều bí quyết để chi tiêu phù hợp với tình hình tài chính của gia đình. Cô nàng tâm sự: “Nhà mình ở cùng với ông bà nhưng lại ăn riêng. Vợ chồng mình thường sẽ đi siêu thị vào cuối tuần để mua thức ăn, rau củ cho cả tuần.
Tụi mình đều đi làm về muộn, có sẵn thức ăn trong tủ lạnh đỡ phải nghĩ đến việc tối nay ăn gì, hạn chế gọi đồ ăn ngoài. Lên kế hoạch cụ thể giúp vợ chồng mình luôn kiểm soát được khoản chi cho thực phẩm”.
Vợ chồng nên chuẩn bị nền tảng tài chính như thế nào trước khi quyết định sinh em bé?
Ngân Kim quan niệm, điều kiện tài chính là thứ rất quan trọng và không thể thiếu trong cuộc sống vợ chồng. Thời đại ngày nay sẽ không tồn tại viễn cảnh “một túp lều tranh hai trái tim vàng”. Cô cho rằng hai vợ chồng nên có tổng thu nhập từ 20 triệu đồng trở lên mới nên tiến tới hôn nhân.
Và riêng với những gia đình dự định sinh con đầu lòng, vợ chồng Ngân Kim có lời khuyên: “Các bạn hãy chuẩn bị tài chính thật vững chắc, tối thiểu là chi phí sinh hoạt cho khoảng 1 năm đầu tiên. Khi cả hai có sự chuẩn bị về kinh tế thì mọi việc sẽ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều, tinh thần cũng ít bị ảnh hưởng. Vì thế, cuộc sống gia đình sẽ hạnh phúc hơn, tránh bị rơi vào khủng hoảng hôn nhân. Chúc các bạn sáng suốt!”.
Còn với Minh Hoa, cô cho rằng với những người trẻ chuẩn bị lập gia đình, lời khuyên phù hợp nhất là phải tiết kiệm, biết từ chối, biết kiềm chế với bản thân. Vì nếu bạn không tự kỷ luật với bản thân mình thì kiếm bao nhiêu cũng là không đủ tiêu. Khi bạn đã vững vàng về suy nghĩ, có thu nhập đều đặn và ổn định, Minh Hoa cho rằng đây là thời điểm có thể sẵn sàng kết hôn và có con.