Chỉ mới 2 tháng sau khi đăng clip đầu tiên, tài khoản TikTok của cô T.H này hiện có hơn 150.000 lượt theo dõi. Các video đăng tải cũng nhận được lượt xem lớn, trong khoảng từ 100 nghìn đến vài triệu lượt xem, có video gần 11 triệu lượt xem.
Trong các video này, cô đồng T.H luôn xưng với người xem bói là cô và con, chuyên xem về đường tình duyên, đất cát nhà cửa, công danh sự nghiệp, vận hạn… cô vừa bổ cau vừa phán cùng câu nói cửa miệng “đúng nhận sai cãi” sau mỗi lần “phán” về lá số tử vi bản mệnh. Câu nói này cũng đã trở thành trend giới trẻ học theo trên nền tảng TikTok.
Nhiều bạn trẻ “ngán” câu nói trào lưu “đúng nhận sai cãi”
Qua các video đăng tải trên Tiktok, có thể thấy cô đồng T.H. có thể đọc tên của những người xung quanh đến xem khiến nhiều người nửa tin nửa ngờ. Cô đồng này cũng nhận đặt lịch để xem bói cho nhiều người khác. Theo thông tin được cô đồng T.H. chia sẻ thì cô không bao giờ nhận đặt cọc trước và mọi yêu cầu chuyển khoản đều là giả mạo.
Khi phán cho một người khác, cô đồng T.H. đưa ra những lời lẽ khiến người nghe cảm thấy… sợ như: “Không có các cụ đỡ cho thì giờ mồ yên mả đẹp, đỏ hương cứ ngồi mà ngắm chuối xanh với gà khoả thân thôi. Đúng nhận sai cãi cho tôi cái. Bàn tay này làm ăn lộc kinh doanh đấy, đúng nhận sai cãi cho cô, lá số tử vi trong cung mệnh đất cát nhà mình ở ngoài đường, trong ngõ thôi nhưng đều có cửa lớn…”
Nhiều người cho rằng đây không khác gì mê tín dị đoan.
Bạn Đặng Huyền (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Những ngày nay khi lên mạng lướt đâu cũng thấy “đúng nhận, sai cãi”. Giờ câu nói cũng thành câu cửa miệng của nhiều người thân quen, bạn bè. Mình cảm thất rất ám ảnh”.
“Theo mình, xem bói thì chính là hoạt động mê tin dị đoan. Và việc những hoạt động này phát tán trên mạng xã hội lại khiến trở thành 1 trào lưu giới trẻ bắt chước theo, sẽ có thể gây ra những hệ lụy, vì trong tương lai gần sẽ có thêm nhiều kẻ tự xưng là ông Thầy, cô Đồng lợi dụng sức ảnh hưởng của mạng xã hội phát tán những video mang đậm chất mê tín dị đoan để tư lợi các nhân, ảnh hưởng không tốt đến đời sống xã hội.” Huyền nói.
Chuyên gia văn hóa và luật sư lên tiếng
Trước sự việc cô đồng T.H. bổ cau với câu nói gây xôn xao dư luận “đúng nhận sai cãi” những ngày vừa qua, PGS.TS Lê Quý Đức, nguyên Phó Viện trưởng Viện Văn hóa và phát triển, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã lên tiếng khẳng định, hiện tượng bói toán, chiêm bái, đoán mộng, phán bảo điều này điều kia dưới góc độ thần thánh đã tồn tại hàng nghìn năm qua.
PGS.TS Lê Quý Đức cho hay: “Trước đây hoạt động này bị ngăn cấm, mấy năm gần đây nền kinh tế phát triển kéo theo một số hệ luỵ tồn tại khiến lực lượng chức năng khó xử lý. Hiện tượng hầu đồng mấy năm qua cũng có mặt tích cực nhưng cũng có mặt hạn chế như mê tín, dị đoan.
Mặt tích cực của hầu đồng đó là có thể giải thích bằng khoa học như là yếu tố tâm lý tác động vào cá nhân, xã hội cần được giải toả, giải phóng, có thể làm cho con người bớt đi nỗi ưu tư, bớt đi nỗi lo toan. Nếu vi phạm pháp luật về tuyên truyền mê tín dị đoan thì cơ quan chức năng nên xử lý về mặt hành chính. Bên cạnh đó, giới trẻ không nên đua theo trào lưu và phải nâng cao nhận thức”.
Theo ông Đức, để người dân khỏi lo lắng, các cơ quan quản lý cấp Nhà nước cần phải làm cho nền kinh tế lành mạnh để mọi người hoạt động kinh tế đi vào bình thường, kết quả tốt cũng tạo ra sự yên tâm và ít tin vào tâm linh, may rủi hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề trên, luật sư Diệp Năng Bình -Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, từ sự việc trên, chúng ta có thể thấy đây là lối suy nghĩ sai lệch, thiếu hiểu biết, mê tín dị đoan. Đó chính là những người không có kiến thức rõ ràng, tin vào những điều sai trái. Những hành vi mê tín dị đoan này gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tiền tài, thậm chí là cả tính mạng của con người. Đây là những việc làm rất nguy hiểm và cần lên án, ngăn chặn nếu không sẽ để lại những hậu quả vô cùng nghiêm trọng cho bản thân người đó và những người xung quanh.
“Nghị định số 158/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, tại khoản 2 Điều 15 quy định phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi. Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên. Tiếp đó, Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo tại điểm đ, khoản 7, Điều 14 có quy định phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín, dị đoan. Ngoài ra, hành vi hoạt động mê tín, dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm đối với trường hợp dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.”
Luật sư Bình cho biết thêm, ai cũng có niềm tin và mong muốn hạnh phúc, song điều đó phải được xây dựng trên cơ sở nhận thức đúng đắn, được xác tín bằng tư duy khoa học và từ sự nỗ lực, cố gắng của chính bản thân mỗi người…
“Tại Điều d khoản 1 Điều 8, Luật An ninh mạng năm 2018 quy định, nghiêm cấm việc sử dụng không gian mạng để hoạt động tệ nạn xã hội, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng. Ngoài việc bị xử phạt vi phạm hành chính, các đối tượng hành nghề bói toán còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do đó, với việc lợi dụng không gian mạng để tuyên truyền những hành vi xem bói, gọi hồn…cần được xử lý nghiêm .” Luật sư thông tin.
Nguồn:https://cafebiz.vn/