Đây là thắc mắc của nhiều người sau khi Viện Pasteur Nha Trang công bố nguyên nhân khiến hàng trăm học sinh của Trường iSchool (Nha Trang) bị ngộ độc thực phẩm, trong đó có một học sinh tử vong, là do cánh gà chiên nhiễm ba loại vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli.
Bác sĩ Đỗ Cao Vân Anh – phó trưởng bộ môn nhiễm, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM) – cho biết bất kỳ thức ăn nào, khi đã qua nấu chín dưới nhiệt độ cao thì các vi khuẩn có trong thức ăn (nếu có) đều sẽ bị tiêu diệt.
Trường hợp mẫu cánh gà chiên đã cho các học sinh ở Trường iSchool ăn bị nhiễm khuẩn, theo bác sĩ Vân Anh, có thể thức ăn này nhiễm khuẩn sau khi đã nấu chín và trong quá trình bảo quản thức ăn.
Theo đó, các con đường có thể làm thức ăn đã được làm chín nói chung và cánh gà nói riêng bị nhiễm các loại vi khuẩn gồm: thức ăn đã hết hạn sử dụng, thức ăn sau chế biến để lâu trong môi trường bên ngoài, bàn tay của đầu bếp nấu ăn bẩn, dùng chung thớt thái thịt chín và thịt sống.
Ngoài ra, những vi khuẩn này cũng có thể có mặt tại rau sống. Dù thức ăn không nhiễm vi khuẩn nhưng khi đặt cùng với rau sống thì chúng cũng nhiễm, còn gọi là ngoại nhiễm.
Chia sẻ thêm về độc lực của những vi khuẩn Salmonella, Bacillus cereus và Escherichia coli, bác sĩ Vân Anh cho hay những vi khuẩn này có nhiều mức độ độc lực, tùy theo sự tương tác về hàm lượng nhiễm độc, độc tố vi khuẩn, vi khuẩn đã đến dạ dày chưa…
Nếu vi khuẩn đã qua dạ dày, “cố thủ” nhiều cơ quan thì có thể gây nhiễm trùng máu, thậm chí tử vong.
Để phòng tránh ngộ độc thực phẩm, bác sĩ Vân Anh khuyến cáo cần lựa chọn thực phẩm sạch, ăn chín, uống sôi, bảo quản đúng cách. Đối với các bếp ăn chế biến thức ăn với số lượng lớn phải tuân thủ nghiêm quy định vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nguồn:https://cafebiz.vn/