WHO: Cảnh báo nóng nguyên nhân khiến hàng triệu người đột quỵ, đau tim

Một báo cáo toàn cầu đầu tiên của WHO về việc cắt giảm lượng natri hấp thụ cho thấy thế giới đang đi chệch hướng để đạt được mục tiêu toàn cầu là giảm 30% lượng natri hấp thụ vào năm 2025, theo thông cáo báo chí mà Báo Người Lao Động nhận được từ cuộc họp hôm 9-3 của WHO.

Natri – một chất dinh dưỡng thiết yếu có trong muối ăn và các loại gia vị tạo vị mặn – làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ và tử vong sớm khi ăn quá nhiều. Báo cáo cho thấy chỉ có 5% các quốc gia thành viên của WHO được bảo vệ bởi các chính sách giảm natri bắt buộc và toàn diện, 73% các quốc gia thành viên của WHO không thực hiện đầy đủ các chính sách đó.

WHO: Cảnh báo nóng nguyên nhân khiến hàng triệu người đột quỵ, đau tim - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus 

Việc thực hiện các chính sách giảm natri là một phương án hiệu quả và tiết kiệm chi phí để cứu sống thêm khoảng 7 triệu người trên toàn cầu vào năm 2030. Đây là một hành động quan trọng để đạt được Mục tiêu Phát triển bền vững của WHO nhằm giảm tử vong do các bệnh không lây nhiễm. Hiện chỉ có 9 quốc gia (Brazil, Chile, Cộng hòa Séc, Litva, Malaysia, Mexico, Ả Rập Saudi, Tây Ban Nha và Uruguay) có một gói toàn diện các chính sách được khuyến nghị để giảm lượng natri.

Lượng muối tiêu thụ trung bình toàn cầu hiện được WHO ước tính là 10,8 gam mỗi ngày, cao hơn gấp đôi so với khuyến nghị của WHO là dưới 5 gam muối mỗi ngày (một muỗng cà phê).

Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh: “Chế độ ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và bệnh tật trên toàn cầu, và lượng natri quá mức là một trong những thủ phạm chính. Báo cáo này cho thấy rằng hầu hết các quốc gia vẫn chưa áp dụng bất kỳ chính sách giảm natri bắt buộc nào, khiến người dân của họ có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ và các vấn đề sức khỏe khác”.

Một cách tiếp cận toàn diện để giảm natri bao gồm áp dụng các chính sách bắt buộc và bốn biện pháp can thiệp được WHO khuyến nghị, bao gồm: Cải tiến thực phẩm để chứa ít muối hơn và đặt mục tiêu về lượng natri trong thực phẩm và bữa ăn; thiết lập các chính sách mua sắm thực phẩm công cộng để hạn chế thực phẩm giàu muối hoặc natri trong bệnh viện, trường học, nơi làm việc và viện dưỡng lão; ghi nhãn trên bao bì giúp người tiêu dùng chọn sản phẩm có hàm lượng natri thấp; truyền thông thay đổi hành vi.

WHO cũng kêu gọi các nhà sản xuất thực phẩm đặt mục tiêu giảm natri đầy tham vọng trong các sản phẩm của họ.

“Ngày càng có nhiều bằng chứng ghi nhận mối liên hệ giữa lượng natri cao và tăng nguy cơ mắc các tình trạng sức khỏe khác như ung thư dạ dày, béo phì, loãng xương và bệnh thận” – WHO cảnh báo thêm.
Nguồn:https://cafebiz.vn/

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *