Trong mấy năm trở lại đây, thương hiệu thiết kế váy cưới Linh Nga Bridal liên tục được nhắc đến qua loạt đám cưới đình đám của sao Việt. Tính đến Linh nay, Linh Nga Bridal đã thiết kế váy cưới cho hơn 150 cô dâu của Vbiz như: Á hậu Thúy Vân, hotgirl Xoài Non, vợ cầu thủ Hà Đức Chinh, vợ cầu thủ Bùi Tiến Dũng… Nhưng nhắc đến “cú hit” đình đám nhất được xem là bước chuyển mình thành công của Linh Nga Bridal phải kể đến chiếc váy cưới thiết kế độc quyền cho hotgirl Xoài Non, chiếc váy có giá 1,2 triệu USD đính kết 6 viên kim cương tự nhiên kết hợp 20 loại đá quý.
Đằng sau những chiếc váy cưới tiền tỷ ấy và thương hiệu Linh Nga Bridal là nhà thiết kế Linh Nga (tên thật Đinh Thị Phương Thảo). Từng có “xuất phát điểm” được xem là “vạch đích” của nhiều người ở một công ty kiểm toán BIG4, Linh Nga quyết định “bỏ ngang” để đi theo đuổi những chiếc váy cưới “chạm đến giấc mơ” công chúa.
Cách đây gần chục năm, đang làm kiểm toán cho một công ty BIG4 với mức lương mơ ước của nhiều người, lý do vì sao chị quyết định “từ bỏ” các con số để theo đuổi giấc mơ về những chiếc váy cưới?
Trước khi nghỉ việc ở BIG4, tôi đã bắt đầu cho thuê váy cưới online. Năm 2011, đám cưới sắp diễn ra nhưng tôi không thể chọn được một mẫu váy nào ưng ý. Tại sao mỗi chiếc váy cưới mà tôi tìm mãi không ra, không ai cung cấp? Điều này chứng tỏ, thị trường váy cưới ở thời điểm đó vẫn còn nhiều “khoảng trống”. Lúc ấy, tôi đã nghĩ cô dâu mà có nhu cầu như mình rất nhiều mà không ai bán thì tại sao mình không bán.
Năm 2012, tổ chức đám cưới xong, tôi quyết định mở cửa hàng cho thuê váy cưới online vào cuối năm. Được bố mẹ cho gần 100 triệu tiền mừng đám cưới, tôi lấy luôn số tiền đó đi nhập váy từ nước ngoài về cho thuê. Váy cưới cho thuê được tôi xếp trong phòng ngủ, ở tầng 3, trong một căn nhà trong ngõ nhỏ. Bây giờ, nhiều lúc tôi cũng tự hỏi lại: “Hồi đấy tại sao khách hàng có thể chịu lên phòng ngủ của mình để thử và thuê váy được nhỉ!” (cười). Lúc ấy, muốn mở cửa hàng cũng chẳng được, vì đâu có đủ khả năng. Tiền không có, nền tảng kinh nghiệm về váy cưới cũng không luôn. Tôi quyết định đi từng bước, từ nhỏ đến lớn, cho thuê váy có lãi, rồi đầu tư lại, mở rộng cửa hàng của mình lên, tự nó nuôi nó.
Ban ngày tôi làm việc ở BIG4, buổi tối và ngày cuối tuần, tôi tiếp khách đến thuê váy cưới ở nhà. Trong 8 tháng kinh doanh online, tôi thấy rằng, lượng khách hàng ổn, doanh thu tốt, trừ đi chi phí là có lãi nên tôi quyết định làm công việc này fulltime. Nếu mình không fulltime 100% thì rất khó để phát triển nó lớn hơn, hoặc mãi chỉ ở quy mô nhỏ như vậy. Làm việc gì thì cũng phải đầu tư thời gian, công sức, sức lực 100% vào đó. Vậy nên tôi sẵn sàng nghỉ hẳn kiểm toán ở BIG4.
Khi đó, chồng tôi làm việc cho một công ty tư vấn chiến lược ở nước ngoài. Mức lương của chồng có thể lo được cho tôi và con nếu startup của tôi không thành công. Điều đó cũng khiến tôi thêm tự tin đi ra ngoài và bắt đầu lại từ đầu.
Tất cả các quyết định đều có 2 mặt, giữa 2 quyết định nghỉ hay không nghỉ BIG4, tôi phải cân đo đong đếm, suy nghĩ rất nhiều. Gần chục năm trước, lương của tôi ở BIG4 khá cao, hơn 30 triệu. Hồi ấy, tôi cũng mới có em bé mà ở BIG4 có nhiều chế độ tương đối tốt. Giả sử tiếp tục làm việc ở BIG4, trong thời gian sinh hay chặng đường sự nghiệp sắp tới, tôi không phải lo lắng, áp lực gì cả. Nếu lựa chọn một cuộc sống ổn định, chắc chắn tôi sẽ chọn làm tiếp. Nhưng tôi lại không thích như vậy. Tôi quyết định đi ra ngoài, làm một ngành mới – công việc mình yêu thích và đam mê, đầy rủi ro, thử thách. Chấp nhận được nhiều rủi ro, vượt qua thử thách lớn thì mới đem lại được thành quả cao.
Công cuộc “bắt đầu lại từ đầu” đó diễn ra như thế nào, thưa chị?
Sau khi nghỉ, tôi muốn đưa cửa hàng của mình sang quy mô lớn hơn, tôi liền thuê tầng 5 của 1 tòa nhà mặt tiền ở một con phố của Hà Nội để tôi mở thương hiệu. Tôi bắt đầu nghĩ đến việc may và thiết kế ở Việt Nam để chủ động hơn về mẫu.
Bấy giờ, về thiết kế thì tôi đúng như là “một tờ giấy trắng”. Nên thời gian đó, tôi vừa làm, vừa đi học thiết kế. Thời gian đầu, tôi phải làm tất cả các vị trí trong một cửa hàng áo cưới, từ thiết kế, đính kết, tư vấn cho khách, sửa váy cho khách, làm việc với thợ may để cho ra được một sản phẩm. Đây cũng là thời gian tôi học nhiều nhất về ngành này. Tôi nghĩ vừa học, vừa làm sẽ phát triển năng lực dần dần về ngành của mình. Một thời gian ngắn sau đó, tôi có thêm một số nhân viên, 1 team để đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. 1 năm đó, tôi vừa mang bầu, vừa tất bật vận hành cửa hàng.
Sau đó, như một bước chuyển mình, tôi quyết định làm lớn, bán lại thương hiệu ở Hà Nội, vào Sài Gòn startup một thương hiệu hoàn toàn mới. Khi đó, tôi mới sinh con gái đầu lòng được 6 tháng và chồng tôi cũng nhận việc ở Sài Gòn.
Vừa bước sang một ngành mới, chưa kịp ổn định bao lâu, chị lại tiếp tục đến một nơi sống mới, “chinh chiến” ở một thị trường mới, điều gì đã “chờ đợi” chị?
Quyết định làm lớn nhưng không có tiền nên tôi đi vay 1 tỷ với thời hạn phải trả là trong 1 năm. Thời gian đầu, vốn thì ít nhưng cái gì cũng phải chi ra. Tôi định hướng đến váy cưới dòng cao cấp nên các chất liệu rất đắt tiền. Khi ấy, tôi gặp phải áp lực là số tiền đó bao giờ mới lấy lại được, mình có thu lại được để trả nợ đúng hạn hay không.
Khó khăn lớn nhất của tôi là chẳng biết gì cả, phải học lại từ đầu. Ngày đó, hầu như hôm nào tôi cũng làm việc từ sáng đến đêm, làm việc 24/7. Để tiết kiệm tối đa chi phí, việc gì làm được trong cửa hàng là tôi làm hết. Khi tìm được nhân viên, gánh nặng cũng giảm được phần nào, nhưng vẫn phải dành nhiều thời gian đào tạo.
Việc học qua quá trình làm rất là quan trọng, mình phải biết thì mình mới làm việc được với thợ, làm việc được với nhân viên.
Thời gian đó cũng khá nhiều khó khăn. Về cá nhân thì cũng phải tự lực cánh sinh, rất vất vả. Lúc đầu tôi cũng không có tiền để thuê 2 chỗ, một chỗ cho cửa hàng, một chỗ ở nên ở luôn ở cửa hàng. Sau đó, tôi thấy ở cửa hàng bụi vải quá nhiều, không tốt cho con, lúc ấy con cũng bị hô hấp rất nhiều, nên tôi phải tách ra. Tôi tốn đến 5 tháng mới có thể ổn định cuộc sống, ổn định cửa hàng ở đây.
Được biết, tên thật của chị là Phương Thảo, nhưng chị lại lựa chọn cái tên Linh Nga vừa là nghệ danh, vừa là tên thương hiệu của mình, liệu có ý nghĩa nào khác trong cái tên này?
Khi thành lập thương hiệu Linh Nga Bridal là lúc con gái Linh Nga con gái tôi được 6 tháng. Lúc ấy tôi cũng muốn một cái gì đó ý nghĩa dành cho một bên là đứa con thật sự của mình, một bên là đứa con tinh thần là tiệm đó, thì mới lấy luôn tên của con gái đặt cho tên của tiệm. Tôi lấy nghệ danh là nhà thiết kế Linh Nga luôn để đồng bộ với tên thương hiệu. Đặt tên như vậy, tôi cũng mong muốn tiệm của mình cũng sẽ phát triển, cũng lớn lên như con gái tôi – sẽ lớn lên dần dần, rồi trưởng thành, năm sau sẽ lớn hơn năm trước.
Mới bước chân vào thị trường, chị đã chọn “đánh ngay” vào phân khúc cao cấp, vì sao vậy?
Tôi chọn phân khúc váy cưới cao cấp vì tôi không muốn cạnh tranh về giá. Ngày ấy, trên thị trường váy cưới, có rất nhiều thương hiệu thời trang cưới trung bình và thấp hiện hữu. Theo tính toán của tôi, một số giá mà nhà cung cấp đưa ra là quá thấp, nếu làm với giá đó, co kéo như thế nào vẫn là lỗ. Với một người có nền tảng tài chính kế toán như tôi, tính toán đó là lỗ, nhưng tại sao họ vẫn làm? Có thể họ chưa tính toán được việc đấy sẽ làm cho họ lỗ. Có những người họ than phiền là càng làm càng không thấy tiền, thì đó là lỗ mà họ không biết. Việc lao vào thị trường phân khúc thấp và cạnh tranh về giá sẽ làm cho tôi và đối thủ luôn phải hạ giá, cuộc chiến sẽ chẳng bao giờ kết thúc. Chắc chắn 2 bên cứ cạnh tranh về giá như vậy, 2 bên đều lỗ nặng.
Tôi không cạnh tranh về giá được, kinh doanh như vậy sẽ không có hiệu quả. Tôi chọn con đường cạnh tranh về sự khác biệt. Cái sản phẩm của mình sẽ phải được đầu tư chỉnh chu, đó là niềm mơ ước của cô dâu.
Tôi chọn phân khúc cao cấp để có thể thoải mái lựa chọn nguyên vật liệu tốt nhất, những kỹ thuật tốt nhất dành cho sản phẩm của mình, bán với giá hợp lý để cho khách được hưởng dịch vụ, sản phẩm tốt nhất. Vì trong ngày cưới người ta luôn mong muốn cái gì đẹp nhất cho họ và dịp đó chỉ có một lần trong đời thôi. Thế nên tôi quyết định chọn phân khúc cao cấp để cạnh tranh về sự khác biệt, đưa ra sản phẩm chất lượng chứ không phải co kéo để giảm giá thành.
Như chị chia sẻ, trong ngày trọng đại, người ta luôn muốn những gì đẹp nhất, tốt nhất, đặc biệt là người giàu thì càng chịu chi. Vậy có bao giờ chị bị nói là “hét giá” ở phân khúc cao cấp này không?
Tôi để theo một mức giá hợp lý dành cho những nguyên vật liệu cũng như công sức, chất xám của nhà thiết kế đưa vào sản phẩm. Những người cho là hét giá, có thể họ thấy “đắt” so với mong muốn của họ nhưng có nhiều khách hàng họ thấy đó là hợp lý. Tôi nghĩ những người cho rằng tôi hét giá thì không phải là khách hàng tiềm năng của tôi. Và nếu không phải khách hàng tiềm năng của mình, tôi không quá quan tâm. Nói chung là mỗi phân khúc sẽ có những đối tượng khách hàng khác nhau.
Việc thiết kế váy, bán váy cho những khách hàng cao cấp, những người nổi tiếng có gì đặc biệt, thưa chị?
Đặc điểm mà tôi thích nhất ở những khách hàng cao cấp hay cả người nổi tiếng mà tôi từng làm việc, đó là họ sẽ mong muốn sản phẩm tốt nhất, dịch vụ tốt nhất. Họ có thể chấp nhận giá “đắt”, nhưng đã đắt phải “xắt ra miếng”, sản phẩm của mình phải tốt, chỉnh chu, xứng đáng mới chi phí mà họ chi trả. Đây cũng là đặc điểm chung giữa tôi và khách hàng. Tôi mong muốn làm ra một sản phẩm chất lượng, khách hàng cũng muốn nhận được một sản phẩm chất lượng.
Khi khách hàng, cô dâu nhận được sản phẩm chất lượng sẽ cảm thấy rất hạnh phúc. Trong ngày cưới, mặc trên mình chiếc váy cưới thiết kế chất lượng, cô dâu sẽ thật lộng lẫy, đặc biệt. Chiếc váy đó chỉ dành riêng cho họ. Sự hạnh phúc của cô dâu trong ngày cưới chính là niềm vui của tôi trong công việc.
Thông thường, quá trình để có được một chiếc váy cưới cao cấp được đặt riêng, như chiếc váy 28 tỷ của Xoài Non chẳng hạn, diễn ra như thế nào?
Trước khi bắt tay vào thiết kế một chiếc váy cưới, tôi phải nói chuyện rất nhiều với khách hàng. Vì bản chất khi thiết kế một chiếc váy cưới cho các bạn thì tôi sẽ phải thiết kế một chiếc váy chỉ dành riêng cho các bạn, theo nhu cầu của các bạn thích gì, theo kỷ niệm của 2 người.
Ví dụ như chiếc váy của Xoài Non, từ khi nói chuyện để thấu hiểu bạn ấy đến khi làm ra được chiếc váy cưới, thời gian là 1 năm. Chiếc váy thiết kế cho Xoài Non được lấy cảm hứng từ chính sở thích của bạn ấy. Xoài thích được giống như một cô công chúa toát lên vẻ kiêu sa, thật lấp lánh, bồng xòe và lộng lẫy.
Để đáp ứng được sở thích, tiêu chí của chiếc váy cưới dành riêng cho Xoài Non, tôi và ekip tốn hơn 5000 giờ bao gồm quá trình lên ý tưởng, lựa chọn chất liệu, lên phom, may đo, đính kết. Đặc biệt là với các hoạ tiết đính kết trên váy, tôi phải cân nhắc thật kỹ khi lựa chọn giữa hàng trăm các kỹ thuật đính, để chiếc váy cưới toát lên vẻ công chúa như Xoài Non yêu thích. Chất liệu để tạo nên chiếc váy đặc biệt này, tôi nhập khẩu 100% từ Châu Âu. Chiếc váy được sử dụng gần 10m vải làm từ vụn kim cương. Phần đắt giá nhất là 6 viên kim cương tự nhiên có khối lượng 20 carat, ược đính kết trực tiếp lên chiếc váy cưới. Phần cổ áo được đắp ren dệt pha lê Italy và nhấn nhá bởi 50.000 viên đá swarovski ánh shimmer nhập khẩu từ Áo. Phần đuôi váy dài 5m được tạo bởi vải sparkle organza và tơ tằm nhập khẩu từ Pháp.
Chị có nghĩ, mình đặt ra cho bản thân quá nhiều thử thách không khi là một bà mẹ bỉm sữa “tay ngang” nhưng quyết định làm lớn, khởi đầu đã chọn ngay phân khúc dòng sản phẩm cao cấp – đòi hỏi cầu kỳ về nhiều thứ?
Tôi rất thích sự thử thách. Cuộc sống cần những mục tiêu lớn, nếu không có mục tiêu đủ lớn thì mình luôn bị hài lòng với những cái có sẵn, như thế thì chẳng bao giờ có thể phát triển được. Quan điểm của tôi là: “Đã mất công nghĩ thì phải nghĩ lớn, đã mất công làm thì phải làm lớn”. Tôi không muốn làm cái gì đó làng nhàng, tôi muốn đã làm thì phải thật lớn để ghi được dấu ấn trên cuộc đời này.
Suy nghĩ muốn làm lớn của tôi không chỉ ở những bước khởi đầu, mà cả bây giờ và sau này, lúc nào tôi cũng muốn làm lớn hơn. Bởi làm lớn hơn đồng nghĩa với việc cơ hội phát triển doanh nghiệp ngày càng cao hơn. Khi làm doanh nghiệp, tôi không thể để công ty mình và những người cộng sự của mình dậm chân tại chỗ được. Mình không phát triển thì những người đi cùng mình cũng không phát triển được. Thế nên buộc mình phải phát triển.
5 năm đầu khởi nghiệp cũng là khoảng thời gian chị sinh 3 bé. Chị trải qua 5 năm này như thế nào?
Trùng hợp là mỗi lần sinh em bé, tôi lại mở thêm một cửa hàng. Sinh bé đầu tiên là quyết định thành lập thương hiệu Linh Nga. Sinh bé thứ 2 được 1-2 tháng thì tôi bay ra Hà Nội tìm mặt bằng, bạn ấy được 3-4 tháng thì khai trương cửa hàng ở Hà Nội. Sinh bé thứ 3 được 9 tháng thì tôi cũng mở cửa hàng tiếp theo. Lúc sinh và lúc bầu, tôi chỉ có đi mở cửa hàng (cười).
Khi mang bầu và sinh em bé, tôi vẫn làm việc hết công suất. Bầu 7 tháng, tôi vẫn đi nước ngoài, tham dự triển lãm vải ở Thượng Hải, mà đi bộ một ngày phải đến chục km. Vừa sinh xong, tôi lấy điện thoại ra làm việc liền. Việc phải làm, đâu có đừng được đâu (cười).
Thời gian mới sinh xong, một ngày tôi không dành 8 đến 10 tiếng làm việc như trước nhưng cũng dành khoảng 4-5 tiếng. Nhiều hôm vừa vắt sữa, vừa làm việc là chuyện rất bình thường. Vừa sinh xong thì cũng mệt, nhìn điện thoại nhiều cũng mỏi mắt nhưng công việc của mình thì không tránh được.
5 năm đầu, tôi sinh 3 em bé. Lúc nào cũng thấy bầu rồi sinh em bé, bận bịu chăm sóc con nhỏ, nhưng vẫn phát triển được công ty.
Chị gặp phải khó khăn gì khi vừa làm mẹ bỉm sữa của 3 bé, vừa làm startup?
Mấy năm đầu khởi nghiệp, lại con nhỏ, tôi cũng gặp nhiều áp lực. Nhưng may mắn là có mẹ tôi hỗ trợ trong việc chăm con. Có những hôm, cả đêm tôi thức bế con, ban ngày vẫn phải làm việc, tiếp khách hàng. Thời gian đó cũng rất mệt mỏi nhưng cuối cùng cũng vượt qua được, cũng phải cố gắng thôi. Tôi nghĩ có quyết tâm cũng vượt qua được hết.
Tôi cũng phải ôm đồm nhiều việc khi vừa lo chăm con cái, vừa chăm lo cho startup của mình. Ví dụ như chồng tôi, sau này anh ấy cũng làm startup, nhiều khi bận rộn có thể đi liên tục nhưng tôi thì không thế được. Đấy là điều mà phụ nữ khi startup sẽ vất vả hơn đàn ông rất nhiều.
Khi vừa là mẹ bỉm, vừa làm startup, tôi bị thiếu đi việc giao lưu với người trong ngành rất nhiều. Nhiều người bảo: “Sao chị là người trong ngành mà chị không chịu đi ăn uống, gặp gỡ các đối tác?”. Nhưng sự thật là thông thường các buổi gặp gỡ, giao lưu thường vào buổi tối, tôi có con nhỏ nên sẽ không thể đi được.
Vừa làm startup, làm mẹ bỉm sữa cũng vất vả. Nhưng việc có con là việc hạnh phúc nhất với tôi. Ví dụ đang áp lực công việc, về đến nhà, mỗi đứa đứa bám vào một chân một tay, mình quên hết, được giải tỏa về mặt tinh thần hơn rất nhiều. Trừ khi lúc con ốm, mệt mình càng stress hơn thôi. Có nhiều con tôi thấy đó là quyết định đúng đắn (cười).
Bận rộn như vậy, có bao giờ, chị cố gắng tìm cách cân bằng thời gian để vừa có thời gian cho con cái, công việc và bản thân?
Thời gian của tôi vẫn bị dành cho công việc nhiều hơn. Tuy nhiên cũng cố gắng để cân bằng, nghĩa là thời gian làm việc sẽ cố gắng trong ban ngày còn buổi tối thì sẽ dành thời gian đọc sách, chơi, gần gũi với các con. Phải giao tiếp nhiều với các con để vừa chơi, vừa học, vừa dạy con. Còn thời gian dành cho bản thân thì gần như là không có.
Hơn 7 năm thăng trầm gắn bó với những chiếc váy cưới và là một người cũng đã từng làm cô dâu, chị thấy những váy cưới có ý nghĩa như thế nào?
Với tôi, việc làm váy cưới giống như mình đang đi dệt cho người ta niềm hạnh phúc trong ngày trọng đại. Từng làm cô dâu, trong ngày cười, tôi không quan tâm đến bất kỳ cái gì ngoài váy cưới và lớp trang điểm của mình. Cô dâu sẽ cảm thấy rất hạnh phúc trong quá trình đi tìm chiếc váy cưới ưng ý chứ không chỉ là một chiếc váy cưới đơn thuần, mặc vào đi lên lễ đường là xong. Để có được chiếc váy thật ưng để mặc trong ngày cưới là cả một quá trình tìm kiếm trước ngày cưới.
Khi đi tìm cho mình chiếc váy cưới cho ngày trọng đại, giá cả không phải là điều quan trọng nhất, vấn đề ở đây là sự phù hợp. Cô dâu khi có trang phục phù hợp nhất, họ sẽ cảm thấy họ rất tự tin, lộng lẫy, xinh đẹp, trở nên đặc biệt so với những người khác trong tiệc cưới của mình. Tôi nghĩ, bán váy cưới không chỉ đơn thuần như việc buôn bán bình thường mà mình đang đi “bán niềm hạnh phúc” cho cô dâu trong quá trình chuẩn bị cưới và trong ngày cưới.