Để có được sự thành công đó, ngay từ ngày đầu thành lập, hai nhà sáng lập đã xác định slogan của Microsoft là: “Mỗi gia đình sẽ có một máy tính cá nhân“. Từ sứ mệnh nhỏ bé đó, Microsoft đã có một hành trình phát triển đầy ngoạn mục và gặt hái được rất nhiều thành công trong suốt chặng đường 47 năm cho đến ngày hôm nay.
Hai nhà sáng lập của Microsoft là Bill Gates và Paul Allen những năm đầu khởi nghiệp.
Tính đến cuối tháng 10/2021, Microsoft đã chính thức vượt qua Apple để trở thành công ty có giá trị thị trường lớn nhất thế giới, với giá trị vốn hóa lên gần mức 2,49 nghìn tỷ USD. Ở thời điểm hiện tại, giá cổ phiếu của Microsoft vẫn đang duy trì ở mức cao, giúp vốn hóa thị trường của hãng đạt mức hơn 2,54 nghìn tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải lúc nào chặng đường phát triển của Micrsoft cũng được dễ dàng. Tại diễn đàn lãnh đạo nữ doanh nhân trẻ TP.HCM 2022, chị Phan Tú Quyên, Giám đốc Vận hành Microsoft Việt Nam chia sẻ: “Đã có những giai đoạn mà chúng tôi nhận thấy rằng, có những quan điểm, định hướng và hành vi từng giúp cho Microsoft thành công, đạt được những thành tựu để vươn lên đứng đầu thế giới. Giờ đây lại đang làm cho công ty chững lại, không thể vươn xa và phát triển được nữa“.
Những nhận định đó không phải chỉ được nhìn nhận bởi những thành viên của Microsoft mà ngay cả truyền thông và cổ đông của Microsoft đều lên tiếng vì sự “dậm chân tại chỗ” của Microsoft.
Các cổ đông và khách hàng liên tục gây sức ép cho Microsoft, họ nghi ngờ về khả năng sáng tạo và năng lực đổi mới của Microsoft. Họ đổ lỗi cho “văn hóa cạnh tranh” mà Microsoft xây dựng trong nội bộ của mình trong nhiều năm qua đã trở nên lỗi thời. Lúc này Microsoft phải đối mặt với sự thay đổi đến từ sức ép rất lớn của cổ đông và khách hàng.
Nhân tố mới được chọn để dẫn dắt sự thay đổi
Năm 2014, là thời điểm Microsoft tiến hành chuyển giao quyền lực. Vị trí CEO được Satya Nadella tiếp quản từ tay Steve Ballmer. Ngay sau khi đảm đương trọng trách người đứng đầu đế chế công nghệ khổng lồ, Nadella đã phải đối mặt với hàng loạt những bài toán hóc búa của Microsoft khi các sản phẩm máy tính bảng và điện thoại thông minh Windows bị sụt giảm doanh số nghiêm trọng, đồng thời ngành công nghiệp PC cũng gặp không ít sóng gió.
Satya Nadella được xem là người sinh ra Microsoft một lần nữa vì sự thay đổi mà Nadella mang tới cho Microsoft là sự thay đổi cả về sản phẩm và dịch vụ, đồng thời cũng là sự tái cấu trúc … và tất cả những động thái đó được Nadella bắt đầu bằng việc xây dựng lại văn hóa doanh nghiệp.
Khi đưa ra chiến lược thay đổi cho Microsoft phát triển, việc đầu tiên Nadella làm là xác định lại sứ mệnh (để trả lời cho câu hỏi tại sao chúng tôi tồn tại và chúng tôi tồn tại để làm gì?). Và sứ mệnh mới của Microsoft được Nadella đưa ra chính là: “Trao quyền cho mỗi cá nhân và tổ chức trên khắp hành tinh này, để giúp họ đạt được nhiều thành tựu hơn“.
Từ sứ mệnh này, Microsoft đã có những thay đổi về sản phẩm và dịch vụ để mang tới cho khách hàng những trải nghiệm thú vị hơn.
Một mặt, Microsoft thay đổi chiến lược kinh doanh tập trung mạnh vào khai thác phần mềm và điện toán đám mây, mặt khác Nadella tiến hành tái cấu trúc toàn bộ quy trình làm việc hiện tại của Microsoft.
Một trong những quyết định then chốt trong chính sách của Nadella là cắt giảm 18.000 nhân sự trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng quyết định này được đưa ra nhằm tiết kiệm ngân sách cho kế hoạch tích hợp các thiết bị cầm tay Nokia Oyj, dự kiến sẽ tiêu tốn của Microsoft từ 1,1 tỷ đến 1,6 tỷ USD.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của Nadella thì hoàn toàn khác. Vị thuyền trưởng mới này đã nhận thấy mục tiêu chính của Micro hiện tại là gia tăng năng suất và phát triển các nền tảng cho công nghệ mới.
Mục tiêu này được cụ thể hóa thành hai định hướng chính: một là tập trung vào thực hiện gói Office cho e-mail, ứng dụng xử lý tài liệu; hai là tiếp tục phát triển các phần mềm thuộc hệ điều hành Windows, thương hiệu của Microsoft.
Sứ mệnh, thế giới quan và văn hóa kết nối chặt chẽ với nhau
Văn hóa doanh nghiệp tại Microsoft có mối liên hệ chặt chẽ với “tư duy phát triển”. Chính “tư duy phát triển” là nền tảng cho Microsoft hiện thực hóa những chiến lược phát triển đã đề ra. Microsoft đã áp dụng tư duy phát triển để xây dựng cho mình 3 thành tố của văn hóa doanh nghiệp.
Lấy khách hàng làm trọng tâm
Microsoft tập cho mình hỏi khách hàng nhiều hơn, lắng nghe nhiều hơn, ít nói đi để hiểu khách hàng. Microsoft đã đào tạo cho đội ngũ bán hàng ít nói đi và hỏi nhiều hơn để thấu hiểu khách hàng một cách sâu sắc hơn, xem họ cần gì để đáp ứng.
One Microsoft
Xây dựng sự đoàn kết trong nội bộ, giúp cho nhân viên lắng nghe nhau, chấp nhận nhau và học hỏi lẫn nhau. Điều đó làm cho sản phẩm và dịch vụ của Microsoft tốt hơn mỗi ngày.
Tôn trọng sự đa dạng và sự hòa hợp
Hiện nay, Microsoft có hơn 160.000 nhân viên ở 190 quốc gia trên thế giới. Ban lãnh đạo của công ty đã làm mọi cách để cho đội ngũ nhân viên của mình biết cách lắng nghe lẫn nhau, chấp nhận sự khác biệt từ các màu da, quốc tịch, văn hóa, tính cách, sở thích… để rồi cùng hợp tác và làm việc hiệu quả với nhau.
Để có được những “tư duy phát triển” đó, Microsoft đã thuê rất nhiều tổ chức tư vấn uy tín trên thế giới để tìm ra “hành vi” mà đội ngũ nhân viên của Microsoft phải thay đổi, phải loại bỏ hoặc phải xây dựng nhằm giúp cho công ty vượt qua những thách thức đang phải đối mặt.
Từ những đánh giá đó, Microsoft đã xây dựng cho mình 5 hành vi trong tổ chức:
1. Sẵn sàng trải nghiệm: Lãnh đạo tạo điều kiện cho nhân viên sẵn sàng thử, không sợ sai.
2. Văn hóa học: Microsoft có một hệ thống để cho các nhân viên học online, mỗi ngày mở mắt ra nhân viên của Microsoft đã có hàng chục bài học phải hoàn thành.
Trong đó những khóa học về tuân thủ, về tự bảo vệ bản thân và những khóa học đa dạng khác được đầu tư xây dựng một cách rất kỳ công.
Mỗi một nhân viên tùy theo vị trí của mình mà được giao những bài học cụ thể. Microsoft cũng tạo ra những chương trình để cho nhân viên cùng học, cùng chia sẻ. Văn hóa đó được xây dựng và triển khai từ trên xuống dưới.
3. Ghi nhận những thành tựu nhỏ
Việc thay đổi văn hóa doanh nghiệp phải bắt đầu từ sự thay đổi nhỏ của từng nhân viên. Lãnh đạo Microsoft luôn nỗ lực ghi nhận mọi thành tựu từ sự thay đổi đó.
4. Biết mình là ai và mình đang ở đâu
Mỗi nhân viên của Microsoft phải biết mình đang ở đâu, mình yếu kém chỗ nào. Ai cũng sẵn sàng nói về điểm yếu của mình và giúp đỡ người khác để cùng nhau trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình mỗi ngày.
5. Tôn trọng, chính trực và khả năng dẫn dắt
Để xây dựng và triển khai được việc thay đổi văn hóa của mình, Microsoft đã kiến tạo cho đội ngũ nhân viên ngay từ những ngày đầu những giá trị như tôn trọng, chính trực, trách nhiệm và đội ngũ quản lý phải là hình mẫu, phải là những người có khả năng dẫn dắt để giúp cho nhân viên của mình phát triển.
Những kỹ năng và hành vi này được Microsoft tổ chức, đào tạo trên phạm vi toàn cầu một cách liên tục không ngừng nghỉ cho tất cả những lãnh đạo cấp trung của mình. Bên cạnh đó, công ty cũng thường xuyên xây dựng những hình mẫu, những cuộc thi, những giải thưởng để từ đó nhân viên hướng đến.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 10/7/2021 với Bloomberg, CEO Satya Nadella cho biết: “Tôi muốn tạo nhiều điều kiện hơn cho mọi người thoải mái đặt ra những câu hỏi về bất cứ vấn đề hiện tại nào cần phải xử lý để Microsoft lớn mạnh. Tôi muốn chúng tôi trăn trở nhiều hơn, hơn hết là mạnh dạn thử nghiệm và dám thay đổi“.